Tham gia hội thảo có đông đảo các nhà khoa học, cán bộ giảng dạy, các trường đại học, lãnh đạo ngành Du lịch Bình Thuận.
Du lịch Bình Thuận trong thời gian qua phát triển nhanh mang tính đột phá, trở thành một trong những trung tâm du lịch nổi tiếng nhất trong cả nước. Các loại hình kinh doanh du lịch phát triển nhanh chóng, thu hút một lượng lớn lao động trực tiếp và gián tiếp làm việc trong lĩnh vự kinh doanh du lịch. Tổng số lao động trong ngành Du lịch Bình Thuận hiện nay trên 12.000 người, tăng bình quân trên 10% năm. Tuy nhiên, lao động du lịch tăng nhanh về số lượng, nhưng chất lượng còn thấp chưa đáp ứng được nhu cầu.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận Võ Hoàng Tuyết Linh cho biết: Đội ngũ cán bộ quản lý kinh doanh du lịch hiện nay thiếu rất nhiều, chất lượng nhân viên phục vụ còn rất hạn chế. Lao động chưa được đào tạo chiếm tới 44,47% trong tổng số lao động. Trong khi đó, lao động có trình độ đại học và trên đại học chỉ chiếm 4,59%. Bên cạnh đó, trình độ ngoại ngữ chư đáp ứng được yêu cầu phát triển thị trường khách quốc tế. Có một thực tế là tại địa phương có số lượng các khu du lịch lớn và cơ hội việc làm sau khi ra trường là rất cao 100% nhưng sinh viên vào học ngành du lịch tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn lại thấp.
Dự báo đến năm 2015, Bình Thuận sẽ có khoảng 350 cơ sở lưu trú du lịch với trên 12.000 phòng, tổng số lao động phục vụ cho du lịch sẽ trên 40.000 người; đến năm 2020 sẽ trên 78.000 người. Đây là một trong những thách thức lớn đối với yêu cầu phát triển ngành du lịch Bình Thuận, đòi hỏi phải đảm bảo hai mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ và sản phẩm du lịch. Một trong những tiêu chí cần thiết đảm bảo hai mục tiêu này chính là phải đảm bảo nguồn nhân lực có trình độ.
Tại hội thảo, nhiều tham luận cũng như ý kiến của các doanh nghiệp du lịch đều có điểm chung là tìm giải pháp phát triển nguồn nhân lực vừa đáp ứng nhu cầu, vừa có thương hiệu nguồn nhân lực cho du lịch Bình Thuận; cần phải đào tạo lại và đào tạo mới nguồn nhân lực của tỉnh; chú ý thành lập các cơ sở đào tạo nghề và tìm kiếm sự kết hợp của các cơ sở này với các cơ sở đào tạo nhiều kinh nghiệm trong và ngoài nước, tăng cường bồi dưỡng cho lực lượng lao động không thuộc quản lý của ngành, cần tuyên truyền, giáo dục để khi tham gia vào hoạt động phục vụ du khách giữ được nét văn hóa vốn có của địa phương, dân tộc.
Nguyên Vũ