|
Hội thảo khoa học 'Phục dựng chùa Đại Thuệ" |
Mặc dù, hiện nay chùa Đại Tuệ đã trở thành phế tích, nhưng nhiều nhà khoa học khẳng định, trước đây chùa Đại Tuệ nằm trong một khuôn viên rộng khoảng 4 ha trên đỉnh núi Đại Huệ mặt ngoảnh hướng Nam, mà núi Đại có hình dạng tựa quả chuông úp. Trong khuôn viên và gần khuôn viên chùa có động Thăng Thiên, có khe Trúc, khe Mai, có suối Ngọc Tuyền, có rừng thông sớm chiều vi vu theo làn gió nhẹ, có Thạch Ngai (tảng đá tựa hình cái ngai), Thạch Đạc (Đá Mõ), Thạch Chuông (Đá Chuông), Thạch Tỉnh (giếng Đá), Liên Trì (Hồ Sen), Bãi Tập, thành Hồ Vương, khu mộ cổ...
Tại Hội thảo, những bài tham luận và ý kiến phát biểu đều tập trung vào vấn đề cần phải phục dựng chùa Đại Tuệ. Theo giáo sư Ninh Viết Giao, việc phục dựng chùa Đại Tuệ là phục dựng một di tích, danh thắng, một địa chỉ sinh hoạt văn hoá tâm linh, tạo thêm một điểm du lịch mới cho Nam Đàn, Nghệ An.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số ý kiến phân vân: ai xây dựng chùa Đại Tuệ và chùa Đại Tuệ được xây dựng chính xác vào thời gian nào? Một số ý kiến cho rằng Hoàng đế Hồ Quý Ly xây dựng vào đời Hồ (1400 - 1407) hoặc vào những năm 1397 - 1400 khi ông giữ chức Phụ chính thái sư, Bình chương quân quốc trọng sự nhà Trần. Lại có ý kiến cho rằng chùa được xây dựng vào giữa thế kỷ 14 đời Trần hoặc trước đó nữa. Nhưng trên núi Đại Huệ có tấm bia còn dòng chữ Đại Huệ tự bi và Cảnh Trị lục niên mà Cảnh Trị lục niên là năm 1668.
Hội thảo đặc biệt quan tâm đến ý kiến phát biểu của 2 nhà khoa học đến từ Hà Nội là Trần Lâm Biền và Dương Trung Quốc. Hai ông lưu ý các nhà kiến trúc, quy hoạch chùa rằng, việc phục dựng chùa Đại Tuệ phải tuân thủ tính nguyên bản, các nguyên tắc của ngôi chùa phật giáo và tín ngưỡng của nhân dân, tránh “công viên hoá” và phá vỡ cảnh quan thiên nhiên.
TRẦN ĐÌNH HÀ