Hội thảo “Các xu hướng đào tạo và nghiên cứu du lịch ở Việt Nam và trên thế giới”
Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS. Hoàng Anh Tuấn - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Trường Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Bộ Giáo dục và Đào tạo đang có những xu hướng để đầu tư, xây dựng và điều chỉnh xu hướng đào tạo về du lịch ở các trường đại học trong cả nước. Hiện nay, Khoa Du lịch học của trường là một trong 108 cơ sở đào tạo hàng đầu về du lịch, đã và đang đóng góp rất lớn cho công tác đào tạo và nghiên cứu nhằm đáp ứng tốt phát triển kinh tế của đất nước.
TS. Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: Trong thời gian qua, Du lịch Việt Nam đã có những phát triển mạnh mẽ, đạt được nhiều giải thưởng uy tín của thế giới. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay, Du lịch Việt Nam đang cần tìm ra những giải pháp đáp ứng tốt phát triển của ngành trong thời gian tới, đặc biệt là ứng dụng công nghệ số. Do vậy, cần chú trọng công tác nghiên cứu, đào tạo du lịch để có những sản phẩm dịch vụ và giải pháp kịp thời nhằm đáp ứng các xu hướng hiện nay.
“Tổng cục Du lịch sẵn sàng phối hợp, chia sẻ cùng Khoa Du lịch học và các trường đại học có đào tạo về du lịch trong cả nước; đồng thời có những đề xuất, giải pháp phát triển Du lịch Việt Nam theo đúng Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” – Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh chia sẻ thêm.
Trong phiên thảo luận “Các xu hướng đào tạo du lịch ở Việt Nam và trên thế giới”, TS. Nguyễn Văn Lưu - Nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ Tổng cục Du lịch, Hàm Vụ trưởng Vụ Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề cập đến sự phát triển nguồn nhân lực du lịch trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời đề xuất 7 giải pháp: (1) Nâng cao nhận thức về cách mạng công nghiệp 4.0 của toàn ngành Du lịch, các cấp, các ngành và toàn xã hội về cách mạng công nghiệp 4.0 trong du lịch và trong phát triển nguồn nhân lực du lịch; (2) Xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược phát triển nguồn nhân lực du lịch trong bối cảnh hợp tác quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0; (3) Đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính sách, cơ chế phát triển nguồn nhân lực du lịch; (4) Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phát triển nguồn nhân lực du lịch; (5) Tăng cường hợp tác công tư, đẩy mạnh liên kết Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp du lịch; (6) Số hóa công tác quản lý nhà nước về phát triển nguồn nhân lực du lịch; (7) Nâng cao năng lực nguồn nhân lực làm công tác phát triển nguồn nhân lực du lịch.
Trao đổi về liên kết, hợp tác nhằm thúc đẩy công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ trong đào tạo về du lịch tại phiên thảo luận “Các xu hướng nghiên cứu du lịch ở Việt Nam và trên thế giới”, TS. Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho biết: Trong bối cảnh hội nhập, sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế tri thức, của cuộc cách mạng khoa học công nghiệp 4.0 đòi hỏi sự đổi mới trong tư duy, trong phương thức, nghiên cứu học tập. Đây là những yêu cầu cấp thiết đối với các trường đại học Việt Nam, trong đó có các khoa và cơ sở đào tạo du lịch. Để hướng tới một nền giáo dục tiên tiến, xây dựng được đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao, cần sự kết nối chặt chẽ của công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Anh Minh