Đây là lần đầu tiên tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp ngân hàng BIDV tổ chức Hội nghị Xúc tiến Đầu tư và quảng bá du lịch có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với sự tham dự của gần 500 đại biểu đại diện cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các Bộ, Ban, ngành trung ương, các chuyên gia kinh tế, các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã chủ trì hội nghị.
Hội nghị là diễn đàn thu hút các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước gặp gỡ, đối thoại với chính quyền, doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh tại địa bàn tỉnh; đồng thời, đưa ra định hướng, giải pháp phát triển du lịch cho tỉnh.
Trên cơ sở tiềm năng sẵn có, để thu hút đầu tư, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành Danh mục dự án kêu gọi đầu tư năm 2016 - 2020, bao gồm 30 dự án thương mại, du lịch, công nghiệp chế biến, đầu tư cơ sở hạ tầng... với tổng số vốn khoảng 70 nghìn tỷ đồng, trong đó có nhiều dự án trọng điểm, quy mô đầu tư lớn, tính khả thi cao, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch như: xây dựng khách sạn, khu nghỉ dưỡng ven biển, sân golf, khu đô thị An Vân Dương, khu kinh tế Chân Mây Lăng Cô,…
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế cam kết với các nhà đầu tư sẽ tạo ra một môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, hiệu quả; luôn sẵn sàng gặp mặt, tiếp xúc với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư để lắng nghe, trao đổi và tháo gỡ những khó khăn cũng như chỉ đạo xử lý kịp thời để hỗ trợ các nhà đầu tư trong quá trình đầu tư tại tỉnh. Ngoài ra, để thu hút và tìm kiếm các nhà đầu tư, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã xây dựng các chính sách ưu đãi cải thiện môi trường kinh doanh.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chỉ đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế cần sớm tổ chức hội nghị chuyên đề về xây dựng và phát triển khu công nghiệp Chân Mây - Lăng Cô, đặc biệt là phát triển vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai vốn đang rất trì trệ, hầu như không được tập trung khai thác phát huy trong thời gian qua.
Về chính sách, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết, sẽ có Đề án phát triển đô thị đặc thù Huế; xây dựng nguyên tắc về hợp tác công - tư trong lĩnh vực bảo tồn, phát triển cố đô Huế để bảo tồn gắn liền với khai thác hiệu quả di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đặc sắc của địa phương…
Kết thúc hội nghị đã có 16 Giấy chứng nhận đầu tư với tổng mức đầu tư 7.744,5 tỷ đồng đã được trao và 6 thỏa thuận hợp tác với các đối tác, nhà đầu tư đã được ký kết.
Minh Hạnh