Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 01⁄2005 về xây dựng xã, phường lành mạnh giai đoạn 2006 - 2015
Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố, 5 nhiệm vụ trong xây dựng xã, phường lành mạnh gồm: thống nhất bằng văn bản cụ thể hướng dẫn xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm của HĐND, UBND theo chỉ đạo của các cấp ủy Đảng; công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm triển khai thường xuyên đến từng gia đình, từng người dân; làm tốt công tác quản lý địa bàn; phát hiện, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm liên quan đến tệ nạn ma túy, mại dâm; lồng ghép công tác chữa trị, quản lý, giáo dục người nghiện ma túy, người mại dâm với việc thực hiện tốt công tác xã hội thông qua các chương trình kinh tế - xã hội khác đã được ngành LĐTBXH các tỉnh, thành phố phối hợp với cơ quan Công an, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp triển khai, thực hiện.
Tại các xã, phường, thị trấn, các nội dung, tiêu chí của công tác xây dựng xây dựng xã, phường lành mạnh được lồng ghép với nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, phong trào “Khu dân cư không có tội phạm và tệ nạn xã hội”, các phong trào thi đua xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng thôn, bản, khối phố văn hóa, các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương và được tiến hành trên cơ sở thực hiện đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, giáo dục, quản lý địa bàn, xử lý vi phạm, giáo dục chữa trị dạy nghề, tạo việc làm tái hòa nhập cộng đồng cho người nghiện ma túy, người mại dâm …
Chính quyền cơ sở thực hiện ký bản cam kết hộ gia đình, dòng họ không vi phạm pháp luật; các cơ sở kinh doanh - dịch vụ không làm phát sinh tệ nạn xã hội; các cơ quan, trường học trên địa bàn xã, phường, thị trấn không để xảy ra các vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm, tệ nạn ma túy; các hoạt động phối hợp giữa các Ban, ngành, đoàn thể, tại thôn, bản, xã, phường được tăng cường trong phân công trách nhiệm cán bộ công an xã, ban, ngành, đoàn thể quản lý, giáo dục, động viên, giúp đỡ người cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, người nghiện sau cai trở về tái hòa nhập cộng đồng và người mại dâm hòa nhập cộng đồng.
Từ năm 2006 đến 2010, có 80.994 lượt người được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng (chiếm 32,4% tổng số người cai nghiện), trong đó các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo, số lượng người cai nghiện cao như: Sơn La, Điện Biên, Quảng Ninh, Lai Châu, Thái Nguyên, Lào Cai, Thái Bình, Tuyên Quang...; đã hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm cho 15.382 người.
Từ năm 2011 đến 2015, có 50 tỉnh, thành phố đã xây dựng được 1.087 mô hình xã hội dựa vào cộng đồng; 23 tỉnh, thành phố thành lập Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng với 35 điểm, đã tổ chức tư vấn điều trị cho 515 lượt người; 40 tỉnh, thành phố thành lập 2.950 Đội tình nguyện với 18.458 tình nguyện viên đã thực hiện công tác tiếp cận, tư vấn, vận động, hỗ trợ giúp đỡ người nghiện ma túy đi cai nghiện, người bán dâm ổn định cuộc sống.
Đến nay, cả nước có 2.818 xã, phường không có tệ nạn ma túy; 8.659 xã, phường không có tệ nạn mại dâm; 3.556 xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm; 17.931.323/21.365.987 gia đình đạt tiêu chuẩn danh hiệu Gia đình văn hóa (đạt tỷ lệ 83,9%); 76.818/107.892 khu dân cư đạt tiêu chuẩn danh hiệu khu dân cư văn hóa (đạt tỷ lệ 71,19%).
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Trọng Đàm biểu dương những kết quả đã đạt được trong công tác phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm thời gian qua với sự lồng ghép đa dạng công tác xây dựng xã, phường lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm với các phong trào của các Bộ, ngành, các chương trình kinh tế xã hội ở địa phương như phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào “Phòng chống tội phạm”, Chương trình “Xây dựng nông thôn mới”, chương trình giảm nghèo, chương trình bảo vệ trẻ em... Qua sự lồng ghép này, đã huy động được sức mạnh của quần chúng, tạo hiệu quả cao trong việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng xã phường lành mạnh. Nhiều cách làm, mô hình phòng, chống tệ nạn xã hội ở cơ sở được xây dựng như đưa nội dung phòng, chống tệ nạn xã hội vào hương ước các dòng họ, quy ước của thôn bản, mô hình “Xứ đạo an toàn, dòng họ an toàn”, “Khu dân cư, tổ đoàn kết không có người vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội”, “Tổ liên gia tự quản”, “Câu lạc bộ 4 không”, “Cụm liên kết an ninh trật tự ở địa bàn giáp ranh”, “Câu lạc bộ tình thương”… Đặc biệt, nét mới trong xây dựng xã, phường lành mạnh hiện nay là Đội công tác xã hội tình nguyện đã được xây dựng ở nhiều tỉnh, thành phố. Đội đã tích cực phối hợp với các Ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội khác trên địa bàn thực hiện các hoạt động tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa, phát sinh tệ nạn ma túy, mại dâm, HIV/AIDS.
Trong thời gian tới, các tỉnh, thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh phối hợp, thực hiện công tác xây dựng xã, phường lành mạnh, duy trì những xã phường lành mạnh không có tệ nạn xã hội trong năm 2016 và những năm tiếp theo trên cơ sở đánh giá rút kinh nghiệm công tác 10 năm qua.; phấn đấu giảm xã phường trọng điểm về tệ nạn ma túy, mại dâm, tăng xã, phường, thị trấn lành mạnh hoặc xã, phường làm tốt công tác phòng, chống tệ nạn xã hội; tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình xã, phường lành mạnh, mô hình giảm hại và các mô hình dịch vụ xã hội hỗ trợ người bán dâm, mô hình hỗ trợ người nghiện ma túy tại cộng đồng, mô hình đội tình nguyện hoạt động có hiệu quả; tiếp tục tăng cường việc lồng ghép công tác xây dựng xã, phường lành mạnh với các chương trình kinh tế - xã hội, các phong trào thực hiện tại cơ sở với phương pháp và cách làm mới; xây dựng và đổi mới hoạt động của Đội tình nguyện, xác định đây là lực lượng nòng cốt trong việc tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác xây dựng xã, phường, thị trấn và giúp đỡ người cai nghiện, người bán dâm hòa nhập cộng đồng; phối hợp với liên ngành trình UBND, HĐND tỉnh, thành phố bố trí kinh phí cho công tác này.
TH