Phát biểu khai mạc Hội Nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch (VHTTDL) Hàn Quốc Park Bo Gyoon chào mừng các Bộ trưởng, Trưởng đoàn các nước đến tham dự Hội nghị trong bối cảnh Hàn Quốc mới mở cửa du lịch quốc tế. Bộ trưởng Park Bo Gyoon bày tỏ chia sẻ những tác động tiêu cực do dịch COVID-19 gây ra cho doanh nghiệp, người lao động du lịch trên thế giới. Trong bước đầu khôi phục ngành Du lịch, Hội nghị Ngành Du lịch Thế giới 2022 và Hội chợ Du lịch Quốc tế Hàn Quốc lần thứ 37 (SITF) được hy vọng sẽ là một diễn đàn để các quốc gia kết nối hợp tác, cùng chia sẻ kinh nghiệm phục hồi và phát triển du lịch bền vững, mạnh mẽ hơn sau đại dịch. “Du lịch là một nền tảng vững chắc để thắt chặt quan hệ hợp tác, giao lưu nhân dân giữa các quốc gia. Du lịch cũng góp phần trao đổi văn hoá và hội nhập. Các lãnh đạo ngành Du lịch tham dự sự kiện ngày hôm nay đều là các thị trường đối tác quan trọng và tiềm năng của Hàn Quốc, bao gồm Việt Nam, Iran, Tây Ban Nha, Indonesia, Malaysia, Campuchia, Nepal, Pakistan… Tôi mong muốn du lịch Hàn Quốc sẽ hợp tác chặt chẽ hơn nữa với du lịch các quốc gia này trong tương lai” - Bộ trưởng Park Bo Gyoon chia sẻ.
Cũng tại Hội nghị, Giám đốc điều hành khu vực châu Á-Thái Bình Dương của tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) Harry Hwang đã chia sẻ thông tin về xu hướng du lịch mới với bài trình bày “Tái khởi động du lịch bền vững và có khả năng phục hồi trong kỷ nguyên mới”. Theo ông Harry Hwang, trong 3 tháng đầu năm 2022, khách du lịch quốc tế tăng 182% so với năm 2021, trong đó thị trường châu Âu phục hồi mạnh nhất. Tất cả các thị trường đều có dấu hiệu phục hồi trong Quý I, tuy nhiên tốc độ của khu vực châu Á-Thái Bình Dương chậm hơn các khu vực khác do nhiều thị trường gửi khách quan trọng vẫn chưa mở cửa hoàn toàn. Đến ngày 10/6, mới chỉ có 49 quốc gia trên thế giới mở cửa hoàn toàn và không còn các quy định hạn chế liên quan đến COVID-19, trong đó có Việt Nam.
Thời gian qua, UNWTO cũng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm làm giảm tác động của dịch COVID-19 và đẩy nhanh quá trình phục hồi: Thành lập Uỷ ban Khủng hoảng Du lịch toàn cầu; xây dựng Hướng dẫn toàn cầu về phục hồi du lịch, xây dựng báo cáo về hỗ trợ kỹ thuật phục hồi COVID-19, xây dựng báo cáo định hướng phát triển du lịch theo xu hướng hiện nay (du lịch nông thôn, du lịch làng, du lịch sinh thái…); hợp tác với Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) hình thành hệ thống tracking điểm đến để thống kê các yêu cầu về nhập cảnh, y tế dành cho du lịch; triển khai sáng kiến Làng Du lịch Tốt nhất 2021; thảo luận cấp cao về du lịch tại Đại hội đồng Liên hợp quốc trong tháng 5/2022... UNWTO dự báo du lịch có thể phục hồi từ 50-70% trong năm 2022. Theo khảo sát của UNWTO, khoảng 50% các chuyên gia du lịch nhận định du lịch thế giới sẽ phục hồi đạt mức 2019 trong năm 2023, tuy nhiên triển vọng phục hồi của khu vực châu Á-Thái Bình Dương dự kiến sẽ chậm hơn, trong năm 2024.
UNWTO đưa ra các khuyến nghị định hướng cho tương lai: Thích ứng với các thay đổi về hành vi và nhu cầu của khách du lịch (chuyến đi ngắn hơn, quan tâm an toàn, tránh quá tải du lịch, thận trọng hơn khi mua dịch vụ, công nghệ số); Hỗ trợ điểm đến và cộng đồng trong ngắn hạn (tạo việc làm, mở cửa an toàn, tận dụng những điểm tốt của khoảng lặng du lịch), trong dài hạn (phát triển sản phẩm, đẩy mạnh vai trò của cộng đồng, hỗ trợ các tổ chức du lịch, ứng phó với các xu hướng tăng trưởng hoặc sụt giảm); Hỗ trợ các bên cung cấp dịch vụ trong ngắn hạn (hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số, marketing thông minh, thích ứng với các sản phẩm và dịch vụ mới), trong dài hạn (hỗ trợ vốn phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ cộng đồng và các chương trình định hướng giới trẻ).
Thanh Minh