Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ Anh Tuấn, ủy viên thường trực Ban chỉ đạo Nhà nước về Du lịch và Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh chủ trì hội nghị.
Trong những năm qua, Du lịch Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ, lượng khách du lịch quốc tế và nội địa có tốc độ tăng trưởng đáng kể, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, ngành Du lịch cũng phải đối mặt với những thách thức, đặc biệt là vấn đề môi trường du lịch, tình trạng chèo kéo, đeo bám du khách, làm xấu đi hình ảnh của điểm đến. Nhiều điểm du lịch có lượng khách tập trung đông nhưng chưa có cơ quan hỗ trợ du khách một cách chính thống, hoặc đã hình thành một số cơ quan hỗ trợ du khách nhưng chưa phát huy được hiệu quả. Chính vì vậy, việc thành lập Trung tâm hỗ trợ khách du lịch là yêu cầu cấp bách nhằm hỗ trợ du khách tiếp cận điểm đến, giải quyết những vấn đề không mong muốn trong hành trình du lịch của mình, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, xây dựng thương hiệu điểm đến. Đồng thời, các Trung tâm hỗ trợ khách du lịch là kênh thông tin quan trọng giúp cơ quan quản lý nhà nước về du lịch tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch một cách hiệu quả.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận một số nội dung:
Về mô hình, quy chế hoạt động chung của các Trung tâm hỗ trợ khách du lịch. Các Trung tâm hỗ trợ du khách cần phải được tiêu chuẩn hóa, thống nhất về hình ảnh chung, có biểu tượng đặc trưng, số điện thoại riêng để khách du lịch có thể dễ dàng nhận diện, tiếp cận trên phạm vi toàn quốc.
Để thành lập và vận hành được các Trung tâm hỗ trợ du khách cần sự vào cuộc và chỉ đạo quyết liệt từ phía chính quyền địa phương, đặc biệt trong việc ban hành và giám sát thực hiện các cơ chế phối hợp liên ngành để giải quyết các khiếu nại của du khách cũng như những hiện tượng, vụ việc ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ du lịch của điểm đến.
Cần có cơ chế hỗ trợ hoặc huy động xã hội hóa để hoạt động và nâng cao chất lượng phục vụ của các Trung tâm hỗ trợ khách du lịch như: thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch tại địa phương; cho phép doanh nghiệp du lịch đặt các ấn phẩm quảng bá, cung cấp dịch vụ du lịch cho du khách…
Để Trung tâm hỗ trợ du khách hoạt động hiệu quả, thiết thực bên cạnh yêu cầu cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan quản lý, cơ chế phối hợp liên ngành chặt chẽ thì hoạt động du lịch tại địa phương phải được định hướng phát triển theo hướng du lịch cộng đồng có trách nhiệm, chia sẻ lợi ích từ hoạt động du lịch với giữa doanh nghiệp, chính quyền địa và cộng đồng địa phương, đồng thời cũng phải khuyến cáo du khách các hành vi có thể ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường tự nhiên, môi trường xã hội tại điểm đến.
Bộ VHTTDL đã có văn bản hướng dẫn các Sở VHTTDL thành lập các Trung tâm hỗ trợ khách du lịch, đề nghị các Sở VHTTDL xây dựng phương án triển khai, báo cáo mô hình hoạt động về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Các UBND tỉnh/thành phố cần ban hành cơ chế chính sách, bố trí nguồn lực, kinh phí, cơ chế phối hợp liên ngành trong việc dựng môi trường du lịch an toàn, văn minh, thân thiện; phát huy vai trò của địa phương trong việc triển khai thành lập Trung tâm hỗ trợ khách du lịch.
Tại hội nghị, Bộ VHTTDL đã đề xuất số điện thoại chung cho tất cả các Trung tâm hỗ trợ khách du lịch trên cả nước là 1800.1119, tuy nhiên các đại biểu cho rằng, số điện thoại đường dây nóng của các Trung tâm hỗ trợ khách du lịch cần dễ nhớ, dễ gọi và thống nhất trên toàn quốc. Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn cho biết Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất lựa chọn một số điện thoại ngắn và dễ nhớ cho tất cả Trung tâm hỗ trợ khách du lịch
Dự án EU sẽ đưa vào chương trình một số hoạt động hỗ trợ để thành lập mô hình mẫu Trung tâm hỗ trợ khách du lịch cho các địa phương. Dự kiến sẽ tập trung hỗ trợ một trung tâm mẫu tại Đà Nẵng.
Ngày, 13/11/2013, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Công văn số 4175/BVHTTDL-TCDL ngày 13/11/2013 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn về việc thành lập Trung tâm hỗ trợ khách du lịch.
Các địa phương có số lượng khách du lịch từ 1 triệu lượt khách/năm trở lên khẩn trương báo cáo phương án thành lập Trung tâm hỗ trợ khách du lịch. Các địa phương có lượng khách chưa đến 1 triệu lượt khách/năm nhưng thấy có nhu cầu thành lập Trung tâm có thể chủ động đề xuất cho phép nghiên cứu, triển khai mô hình này để tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch và xây dựng, quảng bá hình ảnh du lịch thân thiện, chất lượng nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh thu hút khách du lịch.
Về tên gọi của Trung tâm, tên bằng tiếng Việt yêu cầu thể hiện rõ chức năng hỗ trợ khách du lịch. Tên tiếng nước ngoài có thể dịch sang tiếng Anh hoặc một số tiếng khác phù hợp với tính chất thị trường khách quốc tế đến địa phương
Về quy mô, tùy vào điều kiện hoạt động của địa phương có thể thành lập một đơn vị mới, hoặc lồng ghép với một đơn vị trực thuộc cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch tại địa phương.
Về chức năng, Trung tâm là đầu mối kết nối thông tin giữa khách du lịch với cơ quan quản lý Nhà nước liên quan du lịch, chính quyền các cấp và đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch tại địa phương nhằm đảm bảo khách du lịch sẽ được hỗ trợ về thông tin, sử dụng dịch vụ du lịch thuận tiện, có chất lượng tương xứng với nhu cầu và đảm bảo an ninh, an toàn.
Về tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, điều kiện hoạt động: Trung tâm được bố trí phù hợp với điều kiện của địa phương và tính chất hoạt động du lịch. Trung tâm cần có đường dây nóng và nhân viên trực (biết ngoại ngữ), đảm bảo giao tiếp và xử lý thông tin 24/24 giờ trong ngày và nên có trụ sở đón tiếp tại vị trí dễ tiếp cận, dễ nhận biết. |
PV