Hội nghị Hiệp hội các Viện Lưu trữ nghe nhìn Đông Nam Á - Thái Bình Dương (SEAPAVAA) lần thứ 25
Phát biểu khai mạc, ông Karen Chan - Chủ tịch SEAPAVAA cho biết, năm 2020 và 2021 là thời điểm đầy thách thức đối với các cơ quan lưu trữ và di sản do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Các hoạt động và công tác lưu trữ bị đảo lộn do phải ứng phó với tình huống khó lường của dịch bệnh. Chủ đề hội nghị lần này với mục đích thúc đẩy các cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp tục kiên trì và có sáng kiến trong hoạt động lưu trữ hình ảnh số nhằm giữ gìn, bảo quản tốt tư liệu để có những thước phim quý hiếm trình chiếu trực tuyến, tạo nguồn cảm hứng cho cộng đồng.

Trong lời phát biểu đề dẫn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông nhấn mạnh: việc đăng cai tổ chức Hội nghị SEAPAVAA là vinh dự lớn của Việt Nam, là dịp để Việt Nam thể hiện nghĩa vụ, cam kết quốc tế và khẳng định những nỗ lực, đóng góp cho các hoạt động của Hiệp hội. Hội nghị lần này sẽ thảo luận về những thành công, thách thức và đề xuất giải pháp trong lưu trữ, bảo quản, số hóa và phát huy giá trị di sản hình ảnh động; đồng thời, tổ chức các hoạt động bên lề như: Hội thảo về lưu trữ, bảo quản, số hóa, phục chế phim trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư; chiếu phim quý hiếm của các thành viên SEAPAVAA; triển lãm di sản tư liệu hình ảnh động trong quảng bá du lịch Việt Nam… Thứ trưởng hy vọng và tin tưởng Hội nghị SEAPAVAA lần thứ 25 có thể chia sẻ những kinh nghiệm quý, bài học giữa các thành viên hiệp hội, đề ra các chương trình hành động nhằm phát triển và liên kết công tác lưu trữ, bảo quản, khai thác và phổ biến tư liệu nghe nhìn một cách thiết thực nhất, trên cơ sở áp dụng nền tảng công nghệ số đang ngày càng phát triển.

Hội nghị sẽ diễn ra đến hết ngày 25/6 dưới hình thức trực tuyến với nhiều chuyên đề và tham luận xoay quanh các nghiên cứu trong bảo quản, lưu trữ hình ảnh động của các nước thành viên hiệp hội. Tại chuyên đề Nghiên cứu tình huống về quản lý và thay đổi (trong công tác hành chính, lãnh đạo, chính trị, công nghệ) phần 1, Viện phim Việt Nam đóng góp tham luận: “Công tác số hóa của Viện phim Việt Nam trong thời đại công nghệ thay đổi” đề cập tới vấn đề cấp thiết và nan giải của quá trình số hóa tư liệu hình ảnh động và những bước cần làm ngay. Tham luận chỉ rõ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là cơ hội quý giá để tiếp cận với các thành tựu khoa học kỹ thuật, nhưng nó cũng đặt ra những thách thức rất lớn cho các cơ quan lưu trữ nghe nhìn. Trong bối cảnh đó, với nguồn kinh phí hạn hẹp, Viện Phim Việt Nam luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có nguy cơ tụt hậu về mặt công nghệ so với các nước phát triển. Tuy nhiên, nếu biết tận dụng cơ hội, công nghệ cũng sẽ mang lại những lợi ích to lớn cho việc lưu trữ nghe nhìn. Chiến lược số hóa vật liệu nghe nhìn được thực hiện càng sớm sẽ càng có tác dụng tốt trong việc bảo tồn di sản nghe nhìn quốc gia, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Phương Nhi