Hội nghị đã được nghe báo cáo công tác năm 2009 và nhiệm vụ chủ yếu của ngành Du lịch năm 2010. Năm 2009 là năm có nhiều biến động trong ngành Du lịch, số khách quốc tế đến Việt Nam giảm 10,9% so với năm 2008. Nhưng nhờ áp dụng kịp thời và khẩn trương các biện pháp kích cầu nên khách du lịch nội địa tăng 19%, giúp doanh thu du lịch đạt khoảng 70 ngàn tỷ đồng, tăng khoảng 6,5% - 9% so với năm 2008. Tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài trong năm 2009 cũng tương đối khả quan, 31 dự án đầu tư dịch vụ lưu trú và ăn uống được cấp phép mới và số vốn đăng ký hơn 4,979 tỷ USD. Có 8 dự án tăng vốn thêm là 3,8 tỷ USD, chiếm khoảng 44,7% tổng số vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Riêng các tỉnh phía Nam, cũng do tình hình khó khăn chung, nên trong năm 2009 đa số các tỉnh đều không đạt chỉ tiêu đón khách quốc tế theo kế hoạch, mặc dù có tỉnh vẫn có tăng trưởng, thậm chí tăng rất cao như tỉnh Bình Phước số lượng khách quốc tế tăng tới 41% so với cùng kỳ năm 2008. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đón 280.000 lượt khách quốc tế, đạt 100% kế hoạch và tăng 37,09% so với cùng kỳ. Đồng thời, hầu như đa số các tỉnh đều có báo cáo tăng trưởng về khách du lịch nội địa và doanh thu.
Về chỉ tiêu cơ bản năm 2010, kế hoạch của ngành Du lịch được đặt ra: đón khoảng 4,2 triệu lượt khách quốc tế (tăng 11,3%), 27,28 triệu lượt khách du lịch nội địa (tăng khoảng 8,0 – 12% ). Thu nhập du lịch đạt 75.000 đến 78.000 tỷ đồng (tăng khoảng 7,1% - 11,4 %).
Triển khai chương trình kích cầu du lịch 2010 “Việt Nam điểm đến của bạn”, Vụ trưởng Vụ Lữ hành Vũ Thế Bình cho biết: trong năm nay Tổng cục Du lịch sẽ thực hiện thêm ba chương trình mới là bán hàng giảm giá vào mùa thấp điểm tháng 8 và 9 để thu hút khách quốc tế và nội địa; “Việt Nam thân thiện chào đón các bạn” là khẩu hiệu dùng cho việc xúc tiến tại chỗ đối với khách du lịch đã đến Việt Nam; “Hướng về cội nguồn” dành cho Việt kiều, giúp Việt kiều mời gọi bạn bè ngoại quốc đến Việt Nam.
Trong phần phát biểu thảo luận, một số ý kiến dưới đây của các đại biểu đã được Hội nghị quan tâm như: khách du lịch nội địa chính là nguồn quan trọng nuôi sống các doanh nghiệp du lịch trong tình hình hiện nay; tranh thủ lãnh đạo nhà nước cấp cao trong việc giúp đỡ, hỗ trợ công tác quảng bá xúc tiến cho ngành Du lịch; các thành viên trong Hiệp hội Du lịch cần kết hợp chặt chẽ để thống nhất trong các hoạt động thông tin và giá cả; đề nghị các cơ quan hữu quan xem xét mạnh dạn bỏ visa cho Việt kiều; tăng cường quản lý nhà nước đối với các hoạt động du lịch lữ hành, đặc biệt là đẩy mạnh việc chống “du lịch chui”; thống nhất và triển khai nhanh việc cấp thẻ từ cho hướng dẫn viên du lịch toàn quốc…
HĐ