|
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn phát biểu tại Hội nghị |
Trong 7 tháng đầu năm 2009, trước bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, ngành Du lịch Việt Nam đã chủ động triển khai các biện pháp kích cầu du lịch, đặc biệt là chiến dịch “Ấn tượng Việt Nam” nhằm tăng cường thu hút khách quốc tế và thúc đẩy du lịch nội địa, trong đó, Tổng cục Du lịch giữ vai trò đầu mối, quy tụ sự tham gia của các doanh nghiệp du lịch, tạo sự gắn kết tốt giữa các doanh nghiệp… Công tác quảng bá xúc tiến du lịch được đẩy mạnh, một số sự kiện du lịch lớn được tổ chức thành công như ATF, TRAVEX 09…
Các địa phương cụm miền Trung – Tây Nguyên đã áp dụng nhiều biện pháp để thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch nội địa và khách từ các thị trường gần. Các trọng điểm du lịch như Quảng Bình, Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam, Nha Trang - Ninh Chữ - Phan Thiết - Đà Lạt… vẫn là những những địa bàn diễn ra các hoạt động du lịch sôi nổi. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng các Sở quản lý du lịch địa phương đã phát huy được vai trò tham mưu cho chính quyền trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ kế hoạch, chiến lược phát triển du lịch trên địa bàn theo hướng phát triển bền vững, làm tốt công tác quản lý nhà nước về du lịch. Hầu hết các địa phương đều rất quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, đầu tư xây dựng các khu du lịch lớn như: khu du lịch sinh thái Vedana Lagoon với tổng mức đầu tư 6 triệu USD, khu du lịch Sài Gòn – Cam Ranh (Khánh Hòa) với tổng đầu tư hơn 569 tỷ đồng… Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch được thực hiện dưới nhiều hình thức phong phú, mang lại hiệu quả tích cực. Đặc biệt, Thừa Thiên – Huế, TP. Đà Nẵng, Quảng Nam, Nghệ An đã có sáng kiến liên kết trong quảng bá điểm đến, tiêu biểu như chương trình “Ba địa phương – một điểm đến” của Huế - Đà Nẵng – Quảng Nam... Nhằm tăng cường năng lực đón khách, các địa phương đã triển khai nhiều hoạt động liên kết, đồng thời phối hợp với Vietnam Airline triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá… Kết quả, những hoạt động tích cực này đã đem lại hình ảnh năng động cho du lịch miền Trung – Tây Nguyên, mặc dù lượng khách quốc tế giảm mạnh nhưng lượng khách du lịch nội địa phát triển tích cực.
Sau khi lắng nghe ý kiến của các địa phương phát biểu, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn khẳng định: hội nghị đã có nội dung phong phú, nêu bật được những vấn đề nổi cộm của các địa phương. Trong thời gian tới, các tỉnh thuộc cụm miền Trung – Tây Nguyên cần chủ động sáng tạo hơn nữa trong mọi hoạt động; tích cực đẩy mạnh liên kết, trao đổi thông tin; chủ động tham gia các chương trình xúc tiến quảng bá du lịch chung của toàn khu vực, toàn Ngành; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực du lịch để đáp ứng yêu cầu phát triển mới khi nền kinh tế bước sang giai đoạn phục hồi… Đồng thời, Tổng cục trưởng phát động thi đua toàn Ngành, trước hết ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên tích cực làm việc, sáng tạo đạt thành tích cao chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Du lịch Việt Nam (9/7/2010).
Tiếp theo Hội nghị giao ban du lịch cụm các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên, Tổng cục Du lịch sẽ tiếp tục tổ chức Hội nghị giao ban du lịch cụm các tỉnh miền Bắc (Hà Nội) và Hội nghị giao ban du lịch cụm các tỉnh miền Nam (TP. Hồ Chí Minh) trong thời gian tới.
PV