Tại hội nghị, Cục trưởng Cục phòng, chống tệ nạn xã hội Nguyễn Xuân Lập cho biết, cả nước có 10 tỉnh, thành phố trọng điểm về tệ nạn ma túy và nhiễm HIV/AIDS, trong đó có 3 tỉnh, thành phố có số người nghiện, người nhiễm HIV/AIDS cao nhất là TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và tỉnh Sơn La. Đa số người nghiện sử dụng heroine (72%), nhưng trong thời gian gần đây tỷ lệ người nghiện sử dụng heroine có xu hướng giảm dần và tỷ lệ người sử dụng ma túy tổng hợp, chất kích thích dạng Amphetamine (ATS) và các chất như Ketamine, Cocaine, cần sa ... có xu hướng tăng mạnh. Nhiều người sử dụng ma túy tổng hợp gặp phải vấn đề về sức khỏe tâm thần, không ít trường hợp do bị hoang tưởng và có hành vi ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội.
Cả nước hiện có 9/63 tỉnh, thành phố triển khai cai nghiện tại gia đình, cộng đồng cho 4.757 người. Các địa phương trên cả nước đang quản lý sau cai với 23.370 người. 50/63 tỉnh, thành triển khai điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone với 187 cơ sở, tăng 54 cơ sở so với cuối năm 2014.
Bên cạnh những kết quả, công tác phòng, chống tệ nạn xã hội đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Đó là về bất cập trong các văn bản pháp luật lĩnh vực cai nghiện ma túy như việc có áp dụng biện pháp đưa người dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau gây khó khăn cho các địa phương; công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng chưa được cấp ủy, chính quyền thực sự quan tâm chỉ đạo, thực hiện, đến nay mới có 31/63 tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai trong đó mới có 9/31 tỉnh, thành phố tổ chức cai nghiện; các tỉnh, thành phố khác chưa thực hiện do khó khăn về nguồn kinh phí và chưa xây dựng cơ sở vật chất điểm cắt cơn tại cộng đồng; việc rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về công tác cai nghiện ma túy của các Bộ, ngành liên quan còn chậm, dẫn đến các địa phương lúng túng trong công tác lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; công tác lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo Nghị định 221/2013/NĐ- CP còn nhiều địa phương chưa thực hiện được.
Tại hội nghị, đại biểu của các Bộ, ngành, đoàn thể liên quan và đại diện 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã tập trung thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm một số vấn đề khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm và đề xuất với Bộ, ngành, Chính phủ, Quốc hội tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thời gian tới.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm đánh giá cao những nỗ lực của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các địa phương thời gian qua đã trăn trở đổi mới công tác phòng chống mại dâm và cai nghiện phục hồi và đã đạt được kết quả nhất định. Trong thời gian tới Sở LĐTBXH Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm tham mưu cho chính quyền các địa phương phải chủ động hơn, đổi mới và linh hoạt các giải pháp từ truyền thông nâng cao nhận thức về tác hại của tệ nạn ma túy, mại dâm đến xây dựng các chương trình hành động cụ thể, các biện pháp mạnh mẽ nhằm đẩy mạnh công tác phòng, chống mại dâm và cai nghiện ma túy mang lại bình yên cho xã hội.
TH