Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Huỳnh Vĩnh Ái đánh giá cao những nỗ lực của ngành Du lịch trong thời gian qua. Tăng trưởng dịch vụ đã góp phần quan trọng vào việc tăng trưởng GDP cả nước, tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu đón 13 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2017 theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, nhiệm vụ từ nay đến cuối năm đối với ngành là hết sức nặng nề, đòi hỏi sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp. Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cũng nêu rõ, sự kiện APEC sắp diễn ra tại Đà Nẵng với sự tham gia của 21 nền kinh tế là cơ hội lớn để quảng bá du lịch Việt Nam, thu hút khách quốc tế trong ngắn hạn cũng như về lâu dài.
Theo báo cáo của Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch (TCDL), trong 9 tháng đầu năm 2017 tốc độ tăng trưởng lượng khách du lịch quốc tế vẫn duy trì ở mức cao so với cùng kỳ năm 2016 với 9,45 triệu lượt, tăng 28,4% so với cùng kỳ 2016. Hầu hết các thị trường trọng điểm đều có lượng khách tăng, như Hàn Quốc tăng 51,2%; Trung Quốc tăng 47,7%; Nga tăng 40,6%... Nhận định về hoạt động lữ hành thời gian qua, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (TCDL) Nguyễn Quý Phương cho rằng hoạt động kinh doanh lữ hành diễn ra sôi động tại nhiều địa phương, bên cạnh mặt tích cực đồng thời cũng xuất hiện nhiều vấn đề nổi cộm như hiện tượng thao túng thị trường của một số công ty lữ hành nước ngoài; tình trạng doanh nghiệp lữ hành cạnh tranh không lành mạnh diễn ra phức tạp; tính liên kết còn yếu; đặc biệt đáng chú ý là tình trạng giả mạo hồ sơ giấy tờ cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch diễn ra với thủ đoạn tinh vi và có hệ thống.
Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Văn Tuấn lưu ý, tình trạng xung đột lợi ích giữa các nhóm tổ chức, cá nhân tham gia đón khách du lịch đã ảnh hưởng đến hình ảnh điểm đến và chất lượng dịch vụ cũng như vấn đề an ninh trật tự tại một số địa phương. “Mới đây TCDL đã phát hiện khoảng 300 trường hợp sử dụng thẻ hướng dẫn giả và thực tế còn có thể nhiều hơn. TCDL đang phối hợp với cơ quan công an điều tra làm rõ, xử lý nghiêm trước pháp luật. Ngành Du lịch tiếp tục triển khai công tác quản lý nhà nước về du lịch, chấn chỉnh hoạt động kinh doanh lữ hành, hướng dẫn viên, tăng cường quản lý điểm đến, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh…”, TCDL trưởng cho biết đồng thời nêu rõ quan điểm của ngành trong việc ứng xử với những thị trường khách du lịch, tuyệt đối tránh tình trạng phân biệt đối xử, kỳ thị bất cứ thị trường nào…
Để duy trì tốc độ phát triển của thị trường khách quốc tế đến Việt Nam, đạt mục tiêu tăng trưởng Chính phủ giao cho ngành Du lịch,TCDL đã nêu 8 giải pháp gồm tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò quan trọng của ngành Du lịch; tăng cường công tác xúc tiến quảng bá; tiếp tục thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn hoạt động kinh doanh lữ hành và hướng dẫn viên; đề cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong quản lý điểm đến, phát triển sản phẩm; phối hợp liên ngành; nâng cao vai trò của các hiệp hội nghề nghiệp du lịch; phối hợp liên ngành trong quản lý; triển khai tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện Luật Du lịch 2017; tăng cường công tác đào tạo.
Đồng tình với các giải pháp đề xuất của TCDL nhằm thu hút khách quốc tế trong những tháng cuối năm, các doanh nghiệp lữ hành cũng phản ánh những điểm nghẽn cần tháo gỡ để thúc đẩy mạnh mẽ hơn sự tăng trưởng của du lịch.
Theo Phó Tổng Giám đốc Saigontourist Võ Anh Tài, diễn biến thị trường gần đây cho thấy Việt Nam chưa thực sự là điểm đến được đối tác nước ngoài ưu tiên lựa chọn, mà là một số nước khác trong khu vực. “Trong bối cảnh đó, việc triển khai các hoạt động xúc tiến quảng bá cần điểm nhấn trọng tâm, ví dụ như Phú Quốc”, ông Tài đề xuất và cho biết sắp tới một hãng du lịch hàng đầu của Italia sẽ khai thác chuyến bay charter đến Phú Quốc, nếu có thể áp dụng các cơ chế đặc thù về visa thì chắc chắn sẽ tạo sức hút đặc biệt.
Chia sẻ ý kiến này, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Trần Chí Cường cho rằng, nên mở rộng miễn visa cho một số thị trường. Hiện nay, việc miễn visa cho 5 nước Tây Âu được thực hiện ngắn hạn (1 năm), khiến các doanh nghiệp lữ hành gặp rất nhiều trở ngại trong việc chào bán tour, hơn nữa, thời hạn miễn thị thực ngắn khiến du khách gặp khó khăn khi muốn quay trở lại Việt Nam…
Đại diện các doanh nghiệp cũng đề xuất về mở các đường bay trực tiếp tới một số thị trường có khả năng khai thác khách, tăng cường các điểm mua sắm…
Ghi nhận ý kiến của các doanh nghiệp, Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Văn Tuấn cho biết, Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đề ra mục tiêu đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết đã thổi luồng sinh khí mới có tính đột phá, mang lại niềm tin, kỳ vọng cho ngành Du lịch. Luật Du lịch 2017 đã được Quốc hội thông qua đã tạo tiền đề cho du lịch phát triển, đóng góp lớn vào sự tăng trưởng của kinh tế đất nước.
Đặc biệt, thời gian gần đây, Thủ tướng Chính phủ liên tục biểu dương sự tăng trưởng của ngành du lịch và khuyến khích ngành Du lịch đạt mục tiêu tăng trưởng 30% năm nay cho thấy sự quan tâm rất lớn đối với du lịch. “Năm 2017, nếu du lịch tăng 13% sẽ đóng góp 1% vào tỷ lệ tăng trưởng 6,7% GDP. Vì vậy, để đạt chỉ tiêu đề ra là một nhiệm vụ nặng nề, đòi hỏi sự bứt phá rất lớn của ngành, đặc biệt là cần sự nỗ lực rất lớn từ phía cộng đồng doanh nghiệp lữ hành”, ông Tuấn nói và cho biết, một số doanh nghiệp thuộc Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) đã đóng góp 40 tỷ vào quỹ Quảng bá xúc tiến du lịch từ nay đến 2020, nhờ đó các hoạt động xúc tiến tại thị trường trọng điểm được đẩy mạnh với quy mô lớn và chuyên nghiệp.
Tổng cục trưởng TCDL cũng cho biết, ngành Du lịch đã kiến nghị, đề xuất với Chính phủ chỉ đạo các hãng hàng không và các cảng hàng không tạo điều kiện tăng cường kết nối cho các chuyến bay thẳng đến Việt Nam và có chính sách hỗ trợ cho các hãng hàng không mở các đường bay mới đến Việt Nam. Tiếp tục xem xét mở rộng diện các quốc gia được miễn thị thực đơn phương và mở rộng diện cấp thị thực điện tử, tạo thuận lợi cho du khách đến Việt Nam…
PV