Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN lần thứ 25: hướng tới mở cửa và phục hồi ngành du lịch trong năm 2022
Theo đó, tại hội nghị Tổng Thư ký ASEAN đã thông báo về những kết quả liên quan đến du lịch tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 38, 39 và các Hội nghị liên quan tổ chức từ ngày 26/10/2021. Trong đó, nội dung chính của Hội nghị gồm: xem xét báo cáo của Hội nghị Cơ quan du lịch quốc gia ASEAN; xem xét Chương trình nghị sự của Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN và 03 nước đối tác (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc); Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN và Ấn Độ; thông tin về việc chuẩn bị tổ chức ATF 2023; tham vấn với các tổ chức quốc tế: Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), Trung tâm ASEAN-Trung Quốc (ACC), Trung tâm ASEAN-Nhật Bản (AJC), Trung tâm ASEAN-Hàn Quốc (AKC), Hiệp hội Lữ hành châu Á-Thái Bình Dương (PATA), Hiệp hội Du lịch ASEAN (ASEANTA), Hiệp hội Nghiên cứu Du lịch ASEAN (ATRA).
Năm 2021, ASEAN đã triển khai nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch trực tuyến như: thiết kế logo mới cho du lịch ASEAN, xây dựng các clip quảng bá mới và cải tạo trang điện tử giới thiệu du lịch ASEAN; triển khai Chiến lược Marketing Du lịch ASEAN giai đoạn 2021-2025, tập trung vào quảng bá trực tuyến trên các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram thông qua những chiến dịch thu hút sự tương tác của người dùng; các chiến dịch quảng bá đã góp phần duy trì hình ảnh du lịch ASEAN và tương tác với khách du lịch trong thời điểm du lịch quốc tế chưa được khởi động lại do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Chiến lược Marketing giai đoạn mới được điều chỉnh dựa trên các xu hướng dự báo sau COVID-19 và căn cứ vào khả năng tài chính của ASEAN. Chiến lược đã được thảo luận qua các cấp Nhóm Công tác, Ủy ban Cạnh tranh Du lịch và Cơ quan Du lịch Quốc gia. Trong năm 2020 và 2021, ASEAN đã tiếp tục xây dựng một số tiêu chuẩn du lịch như sau: (1) Tiêu chuẩn Nghề MICE và Tổ chức sự kiện; (2) Tiêu chuẩn Nghề Spa.
Phát biểu tại hội nghị, Trưởng đoàn Việt Nam, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt kêu gọi các Bộ trưởng, Trưởng đoàn Du lịch ASEAN cùng nhất trí tăng cường hợp tác trao đổi thông tin để chia sẻ kịp thời, chính xác các quy định mới về xuất nhập cảnh và an toàn y tế, đảm bảo điều kiện an toàn và đồng bộ nhất cho hoạt động du lịch trong khu vực trước những nguy hiểm do biến thể mới của dịch COVID-19 gây ra. Đồng thời, cùng nhau phối hợp thúc đẩy việc mở cửa và quảng bá du lịch quốc tế vào thời điểm thích hợp, tùy theo điều kiện của mỗi nước.
“Với những nỗ lực chúng ta đã thực hiện trong hai năm vừa qua, tôi tin tưởng vào sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch ASEAN trong năm 2022. Tại Việt Nam, Bộ VHTTDL sẽ trình Thủ tướng Chính phủ kế hoạch mở cửa toàn bộ thị trường du lịch quốc tế vào 30/4/2022”, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt cho biết.
Trong hai năm 2020 và 2021, trước các đợt bùng phát của đại dịch COVID-19, ngành Du lịch Việt Nam đã chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề. Việt Nam đã có nhiều nỗ lực phục hồi ngành Du lịch thông qua việc ban hành các hướng dẫn đảm bảo an toàn du lịch; các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động du lịch; triển khai kế hoạch kích cầu, phục hồi du lịch nội địa. Đặc biệt, Việt Nam đã thí điểm đón khách quốc tế trở lại từ giữa tháng 11/2021. Tính đến ngày 15/1/2022, Việt Nam đã đón được khoảng 8.000 lượt khách quốc tế sau gần 02 tháng thí điểm. “Chúng tôi sẽ từng bước mở cửa du lịch quốc tế từ ngày 30/4/2022, đảm bảo an toàn, linh hoạt và hiệu quả, đồng thời tăng cường thực hiện các hoạt động truyền thông, quảng bá xúc tiến theo chủ đề “Live fully in Vietnam - Sống trọn vẹn ở Việt Nam”. Tôi hy vọng sẽ sớm được đón tiếp các đoàn ASEAN tham dự các sự kiện lớn về du lịch tại Việt Nam trong năm 2022, như Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM tại Hà Nội, ITE-HCMC tại TP. Hồ Chí Minh, Năm Du lịch quốc gia 2022 tại tỉnh Quảng Nam với chủ đề “Điểm đến Du lịch Xanh””, Trưởng đoàn Việt Nam thông tin.
Tại hội nghị, các Bộ trưởng tập trung thảo luận vào sự phát triển của ngành Du lịch kể từ khi đại dịch COVID-19 tấn công khu vực vào đầu năm ngoái. Các Bộ trưởng đã chia sẻ thông tin về tác động của COVID-19 đối với quốc gia mình và trao đổi quan điểm về con đường phía trước để khu vực phục hồi sau tác động tàn khốc do cuộc khủng hoảng này gây ra.
Bất chấp những thách thức đặt ra trong năm 2021, vai trò tích cực của các Cơ quan Du lịch Quốc gia ASEAN (NTOs), các Uỷ ban và các Nhóm công tác trong việc đảm bảo rằng Kế hoạch Chiến lược về Du lịch ASEAN (ATSP) giai đoạn 2016 - 2025 và các văn bản chủ yếu khác được thực hiện theo mốc thời gian đã được điều chỉnh. Các Bộ trưởng vui mừng ghi nhận ngành Du lịch đã nhanh chóng thích ứng với các yêu cầu trong mô hình mới để đảm bảo rằng ngành Du lịch ASEAN không chỉ sẵn sàng để mở cửa trở lại mà còn phục hồi nhanh hơn và linh hoạt hơn trước các cuộc khủng hoảng trong tương lai.
Về việc mở cửa lại Du lịch ASEAN, các Bộ trưởng ghi nhận tiến độ thực hiện các hành động ưu tiên chính cho giai đoạn mở cửa trở lại của ngành Du lịch vào năm 2021 và giai đoạn phục hồi sớm vào năm 2022 trong khuôn khổ Kế hoạch phục hồi sau COVID-19 cho Du lịch ASEAN. Các Bộ trưởng cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tận dụng lợi thế của công nghệ kỹ thuật số để nâng cao hơn nữa năng lực và khả năng của nhân viên du lịch thông qua việc đào tạo lại và nâng cao tay nghề cho họ với những kiến thức và yêu cầu cập nhật; tập trung đặc biệt vào việc hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) trong lĩnh vực du lịch và thúc đẩy các cơ hội bình đẳng nhằm tăng cường việc làm cho cộng đồng địa phương, đặc biệt cho phụ nữ, thanh niên, người bản địa/dân tộc thiểu số cũng như các nhóm dễ bị tổn thương.
TT
Ảnh: Tố Linh