.jpg)
Họp báo công bố kết quả Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ACMECS lần thứ I
Tại hội nghị, các Bộ trưởng đều hài lòng về sự phát triển của du lịch khu vực ACMECS trong năm 2012, với hơn 37 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng trưởng gần 18% so với năm 2011 (trong đó có khoảng 6 triệu khách du lịch nội vùng). Các Bộ trưởng đã cùng nhau điểm lại tình hình hợp tác du lịch ACMECS theo tinh thần của Tuyên bố Vientiane và Kế hoạch hành động ACMECS tại Hội nghị thượng đỉnh ACMECS (đã diễn ra vào tháng 3/2013) và ghi nhận những kết quả hợp tác đã đạt được trên các lĩnh vực như sau:
- Về công tác xúc tiến quảng bá, cơ quan du lịch quốc gia của 5 nước đã tích cực tham gia các hoạt động trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế TP. Hồ Chí Minh (ITE HCMC) được tổ chức hàng năm tại TP. Hồ Chí Minh và Hội chợ Du lịch quốc tế Thái lan (TTM+) được tổ chức hàng năm tại Thái Lan, nhằm đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến hình ảnh “5 quốc gia – Một điểm đến”. Mặt khác, đã triển khai xây dựng website du lịch ACMECS và đang xây dựng logo và slogan du lịch ACMECS; hỗ trợ nhau tham gia các hội chợ du lịch quốc tế do các nước ACMECS đăng cai tổ chức; các nước ACMECS có kế hoạch đón đoàn FAM chung đến tham quan 5 nước ACMECS,…
- Nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại cho du khách, Thái Lan và Campuchia đã áp dụng thí điểm công tác cấp thị thực chung ACMECS từ năm 2013. Với sự hỗ trợ của các đối tác phát triển, hạ tầng giao thông tuyến Hành lang Đông Tây đã cơ bản tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động du lịch đường bộ. Vận tải đường bộ tại các cặp cửa khẩu giữa các nước ACMECS ngày càng thuận lợi về giao thông và các thủ tục. Việc đi lại hàng không giữa các điểm du lịch chính của các nước ACMECS cơ bản thuận tiện với sự hoạt động của các hãng hàng không quốc gia của Việt Nam, Thái Lan và các nước khác.
- Về phát triển nguồn nhân lực du lịch và công tác đảm bảo an toàn, an ninh cho khách du lịch: Các nước đã hỗ trợ tích cực lẫn nhau tham gia các khóa đào tạo và hội thảo du lịch liên quan đến các chuyên đề như: Tiêu chuẩn khách sạn xanh, phát triển du lịch cộng đồng… và xây dựng các tiêu chuẩn dịch vụ du lịch. Các nước thường xuyên học hỏi kinh nghiệm đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch như: Campuchia, Lào, Thái Lan đã thành lập lực lượng cảnh sát du lịch tại các điểm đến du lịch chính, Việt Nam cũng đang đẩy mạnh các hoạt động đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch.
- Khuyến khích các Bộ, Ngành trung ương và các địa phương hợp tác phát triển du lịch: Cơ chế họp Bộ trưởng 3 nước Việt Nam – Lào – Campuchia về thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và du lịch đã hình thành và họp thường niên từ năm 2007. Hội nghị Hợp tác phát triển giữa các tỉnh miền Trung Việt Nam, Trung Lào và Đông Bắc Thái Lan cũng đã họp hàng năm. Các địa phương khu vực ACMECS cũng đã cùng nhau ký kết nhiều biên bản hợp tác…
- Hợp tác giữa cơ quan quản lý nhà nước và khối doanh nghiệp: Từ năm 2013, nhân dịp ITE HCMC, các Bộ Du lịch phối hợp với các hiệp hội du lịch, lữ hành, khách sạn, hhà hàng, các hãng hàng không của 5 nước ACMECS lựa chọn và trao các giải thưởng du lịch như: Hãng hàng không của năm, công ty lữ hành outbound của năm, Công ty lữ hành inbound của năm, khách sạn 5 sao của năm, khu du lịch resort nghỉ dưỡng của năm và hhà hàng của năm.
Tại hội nghị lần này, các Bộ trưởng đã cùng ra Tuyên bố chung Bộ trưởng Du lịch ACMECS nhằm duy trì và phát huy kết quả đã được trong thời gian qua, đồng thời đẩy mạnh hơn nữa những hợp tác khả thi và hiệu quả. Theo chủ đề “Năm quốc gia – Một điểm đến”, các Bộ trưởng cùng nhất trí phấn đấu đến năm 2015 thì du lịch khu vực ACMECS sẽ đạt tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế ở mức hai (02) con số, đồng thời cũng nhấn mạnh tốc độ tăng trưởng khách du lịch nội vùng cần cao hơn tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế nói chung. Bên cạnh đó, nhất trí thực hiện việc xây dựng Hành lang du lịch mới (Bagan – Chiang Mai – Luang Prabang – Vientiane – Siem Reap – Đà Nẵng – Huế) như đã được thống nhất tại Hội nghị thượng đỉnh ACMECS lần thứ V.
Phát biểu cùng đông đảo giới thông tấn báo chí trong nước và quốc tế sau hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh cho biết: ITE HCMC được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2005 và diễn ra hàng năm cho đến nay là lần thứ 9, sự kiện này không ngừng được tổ chức ngày càng thành công và mang tính chuyên nghiệp hơn, nâng tầm trở thành sự kiện thương mại du lịch lớn nhất Việt Nam và cũng là Hội chợ thương mại - du lịch quốc tế có uy tín hiện nay tại khu vực tiểu vùng sông Mê Kông; trong đó có vai trò không nhỏ của UBND TP. Hồ Chí Minh với sự hợp tác rất chặt chẽ để ngày càng khẳng định thương hiệu ITE HCMC đối với các nước trong khu vực và trên thế giới, góp phần không nhỏ cho sự phát triển của ngành Du lịch TP. Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung. Bộ trưởng cũng cho biết, trong năm 2013, ước tính ngành Du lịch Việt Nam sẽ đón được 7,5 triệu lượt khách quốc tế và 35 triệu lượt khách nội địa, hoàn thành mục tiêu chiến lược mà Thủ tướng Chính phủ đề ra trước hai năm.
Được biết, sau hội nghị này các thành viên sẽ kiến nghị lên lãnh đạo cấp cao 5 nước có ý kiến chỉ đạo để tiến tới một ACMECS chỉ có 1 visa chung. Phiên họp lần hai của Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ACMECS – Lần II sẽ được tổ chức tại Myanmar vào năm 2015, khi Myanmar là nước chủ nhà của Hội nghị Thượng đỉnh ACMECS.
Tin và ảnh: Thu Hương