Khảo sát điểm đến mới để xây dựng sản phẩm mới
Hành trình khám phá Thái Nguyên khởi đầu trên tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, điểm dừng đầu tiên là Trạm dừng nghỉ Hải Đăng thuộc Công ty Cổ phần Hải Đăng (xã Tân Phú, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên), cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 50km. Với diện tích 4,5ha, tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng, được đưa vào sử dụng từ tháng 4/2019, Trạm dừng nghỉ Hải Đăng có quy mô lớn, được đầu tư bài bản và chuyên nghiệp, không gian thoáng mát, sạch sẽ, có bãi đỗ xe rộng và thuận lợi cho các đoàn xe du lịch, xe đường dài, xe con và xe tải. Tại đây có khu dịch vụ, ăn uống đa dạng và phục vụ nhanh chóng. Khu dịch vụ có khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp trong chương trình OCOP, đặc biệt là giới thiệu chè của Thái Nguyên.
Trong chương trình, các doanh nghiệp du lịch đã đến khám phá vùng đất Đại Từ - thủ phủ của chè Thái Nguyên với những đồi chè xanh ngát, trải dài. Anh Phạm Đắc Huy - hướng dẫn viên của Công ty TNHH lữ hành S9 - Thái Nguyên cho biết: “Đại Từ có 6.300ha chè, với các vùng chè nổi tiếng: La Bằng, Hùng Sơn, Hoàng Nông, Phú Cường… Cây chè là loại cây truyền thống, trước đây chè trồng với những giống thuần túy, kỹ thuật chăm sóc chưa có nên năng suất không cao, chỉ mang lại thu nhập tạm ổn. Từ năm 2000, cây chè được tỉnh Thái Nguyên quan tâm, đầu tư, hỗ trợ 100% giá giống mới thay thế giống cũ, hỗ trợ bà con về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái nên năng suất ngày càng tăng, chất lượng được nâng lên, mang lại giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, huyện Đại Từ đã từng bước triển khai tập huấn nâng cao kỹ năng chế biến, bảo quản nông sản, xây dựng mô hình theo tiêu chuẩn VietGAP; tập huấn kỹ thuật sản xuất chè an toàn; đăng ký mã số doanh nghiệp, mã vạch; tham gia website chè tích hợp hệ thống truy xuất nguồn gốc… Những năm qua, hoạt động quảng bá, nâng tầm thương hiệu chè Đại Từ - Thái Nguyên đã góp phần giới thiệu và khẳng định được thương hiệu chè Thái Nguyên trên thị trường trong nước và quốc tế".
Theo anh Huy, khách đến Đại Từ, bước đầu được tìm hiểu về chè tại vùng chè La Bằng với các công đoạn làm chè, thưởng thức chè với chất lượng, hương vị đặc trưng có nét khác biệt với chè các nơi khác. Thời gian tới, tiêu biểu có HTX chè La Bằng sẽ tập trung xây dựng một số nhà sàn, khu thưởng trà, khu trưng bày chè, khu sản xuất sản phẩm, phát triển sản xuất chè gắn với du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng để thu hút khách đến khám phá, trải nghiệm.
Bên cạnh cây chè, các hộ gia đình ở Đại Từ còn đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sạch, chăn nuôi thủy sản, nhiều mô hình được phát triển với các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao như: cá trôi, trắm, chép, rô phi…; các loại cá ưa nước lạnh như: cá tầm, cá lăng, cá hồi… Trong số đó, nổi bật nhất là mô hình nuôi cá tầm bên dòng suối Kẹm của gia đình anh Nguyễn Cao Đạt ở xã La Bằng nằm dưới chân dãy núi Tam Đảo với trên 10 bể nuôi luôn duy trì bể nuôi cá bé từ 5.000 - 6.000 con cá, bể nuôi cá lớn trên dưới 50 con, con to nhất khoảng 30kg, giá trung bình từ 300.000 – 350.000 đồng/kg. Hầu hết cá nuôi ở trang trại La Bằng chỉ đủ phục vụ tại chỗ hoặc đáp ứng nhu cầu mua về của du khách, không đủ để bán ra ngoài.
“Khi đến đây, du khách được ngắm nhìn, thu vào ống kính nét đẹp của những đồi chè xanh mướt, kề bên là con suối Kẹm có nét đẹp nên thơ, rì rào quanh năm. Khách cũng có thể đến khám phá nét đẹp của khu du lịch sinh thái suối Kẹm - La Bằng. Ngoài việc tìm hiểu về mô hình nuôi cá tầm, du khách có nhu cầu sẽ được thưởng thức món cá tầm giòn, dai, thơm ngon, chất lượng” - anh Huy chia sẻ.
Nằm trong chương trình khảo sát, các doanh nghiệp đã đến tìm hiểu tại khu ẩm thực, sinh thái “ Nhà tôi Thái Nguyên” có không gian, cảnh quan đẹp cùng các món ăn 3 miền hấp dẫn, đặc biệt là món “Gỏi lá nhà tôi” đặt trên thuyền lá độc đáo với gần 50 loại lá, gần 20 loại nhân khác nhau; đồng thời, khám phá, tìm hiểu các dịch vụ ở Khu du lịch hang Phượng Hoàng thuộc huyện Võ Nhai.
Tăng cường sự kết nối, hợp tác
Ông Phạm Hải Quỳnh - Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vân Hải Xanh, Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam (VCTC) cho biết: Thời gian qua, VCTC đã có nhiều hoạt động quyên góp, hỗ trợ các chiến sĩ áo trắng trên tuyến đầu chống dịch, ủng hộ, chia sẻ khó khăn cùng với đồng bào bị bão lụt miền Trung, trẻ em vùng cao, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp. Đại dịch Covid-19 đã có những ảnh hưởng, tác động lớn đến các doanh nghiệp du lịch. Với vai trò của mình, VCTC nhận thấy cần phải tăng cường sự kết nối các doanh nghiệp, hỗ trợ nhau vượt khó. Chương trình khảo sát đến những vùng đất mới có nhiều tiềm năng du lịch của Thái Nguyên còn nhiều nét hoang sơ để các doanh nghiệp nghiên cứu, xây dựng sản phẩm, chọn điểm dừng trong hành trình khám phá các tỉnh Đông Bắc, tăng thời gian lưu trú tại Thái Nguyên; đề xuất ý kiến cùng lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên trong việc nghiên cứu, đầu tư, hỗ trợ việc xây dựng điểm đến. Đây cũng là nơi để các doanh nghiệp gặp gỡ, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong việc xây dựng sản phẩm mang thương hiệu Thái Nguyên sau dịch Covid-19.
Qua khảo sát, anh Nguyễn Hoàng Hiếu - Công ty Lữ hành quốc tế Hiếu Tour Cần Thơ cho hay: Trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, công ty thường xuyên tổ chức các tour kết nối, khám phá du lịch cộng đồng các nước Đông Nam Á. Hiện nay, Việt Nam đã khống chế tốt đại dịch Ccovi-19 và đang thực hiện chương trình kích cầu du lịch nội địa, do vậy, việc xây dựng, khảo sát các tour khám phá, tìm hiểu những điểm đến mới như ở Thái Nguyên là hết sức cần thiết, vừa gắn kết doanh nghiệp vừa nghiên cứu, đề xuất cùng địa phương phát triển du lịch cộng đồng bền vững.
Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp, qua khảo sát các điểm mới ở Thái Nguyên cho thấy, tiềm năng phát triển các loại hình du lịch lịch sử - văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng cũng như du lịch nông nghiệp là rất lớn, nhiều điểm đến còn hoang sơ, chưa tạo được sự kết nối, cần sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền, sự phối hợp của các điểm đến. Các đơn vị lữ hành cần nghiên cứu, hỗ trợ Thái Nguyên trong việc xây dựng những sản phẩm đặc trưng, nổi bật nhất là các vùng trồng, chế biến, tạo nên thương hiệu chè Thái Nguyên nổi tiếng, quy hoạch vùng chè tạo điểm nhấn, tạo nên những giá trị khác nhau; cần tạo không gian giới thiệu các công cụ sản xuất chè, giới thiệu cách pha trà ngon; nghiên cứu, tạo nên những sản phẩm mới được chế biến từ chè như: kẹo trà, mặt nạ đắp mặt, sinh tố, nước trà xanh, thiền trà.., từng bước xây dựng thương hiệu cho các loại sản phẩm, đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá về sản phẩm, điểm đến, các dịch vụ hỗ trợ khách cũng như các công ty lữ hành đưa khách đến.
Bài và ảnh: Tuấn Sơn