Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam – VITM Hà Nội 2020: “Du lịch Việt Nam hướng tới tương lai”
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức cho biết, hội chợ lần thứ 8 này sẽ triển khai nhiệm vụ khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19 thông qua triển khai Chương trình kích cầu du lịch nội địa; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai du lịch inbound và outbound khi điều kiện cho phép. Hội chợ cũng sẽ tạo cơ hội cho các cơ quan quản lý, cơ quan xúc tiến du lịch và các doanh nghiệp trao đổi, thảo luận về những vấn đề liên quan đến triển vọng của ngành Du lịch Việt Nam sau đại dịch.
Theo ông Bình, du lịch vốn vô cùng nhạy cảm với thiên tai, tự nhiên, chiến tranh, dịch bệnh trên thế giới, nên Covid-19 đã không chỉ gây thiệt hại to lớn cho nhiều nền kinh tế, làm suy giảm tốc độ tăng trưởng mà còn trực tiếp khiến ngành Du lịch thiệt hại nặng nề với con số ước tính lên tới hàng chục tỷ USD.
Ở Việt Nam, các doanh nghiệp du lịch phải gồng mình vừa phòng, chống dịch vừa giải quyết những tồn tại của bộ máy, của đội ngũ lao động trong doanh nghiệp.
“Công cuộc phòng, chống dịch Covid-19 cho chúng ta một bài học quan trọng là phải đẩy nhanh ứng dụng công nghệ 4.0 để làm thay đổi căn bản trong quản lý, điều hành và tổ chức hoạt động kinh doanh của cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp du lịch. Đó là hướng đi đúng đắn cho du lịch Việt Nam sau dịch Covid-19” ông Bình nhấn mạnh.
Ban Tổ chức khuyến khích các doanh nghiệp và tổ chức tham gia hội chợ đưa ra các sáng kiến trong quá trình quản lý, kinh doanh và hoạt động du lịch gắn kết với việc ứng dụng công nghệ 4.0 để Du lịch Việt Nam hướng đến tương lai là một ngành có công nghệ hiện đại.
Tính đến ngày 9/7, VITM Hà Nội 2020 đã có hơn 500 doanh nghiệp từ 54 tỉnh, thành trên cả nước đăng ký tham gia, bao gồm: Doanh nghiệp khách sạn/khu nghỉ dưỡng, các doanh nghiệp lữ hành, cơ quan quản lý du lịch, Hiệp hội Du lịch, Trung tâm Xúc tiến Du lịch, các hãng hàng không và các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch khác.
Đặc biệt, đến nay đã có 10 nước và vùng lãnh thổ có doanh nghiệp và cơ quan xúc tiến tham gia hội chợ: Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Philippines, Hàn Quốc, Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Quatar, Peru, Đài Loan, Colombia (lần đầu tiên có gian hàng).
Ngoài những sự kiện cho các doanh nghiệp trao đổi hợp tác kinh doanh, trao đổi sản phẩm, giới thiệu và cung cấp sản phẩm du lịch (các tour khuyến mại, các dịch vụ tại các khách sạn, resort, điểm du lịch, vé máy bay,...) cho các doanh nghiệp đối tác và đặc biệt cho cộng đồng dân cư và khách đến tham quan hội chợ, là các hội nghị liên kết xây dựng sản phẩm du lịch giữa các địa phương, doanh nghiệp trong và ngoài nước… sẽ có thêm nhiều hoạt động để thúc đẩy, xúc tiến du lịch trong xu thế của nền công nghiệp 4.0.
Diễn đàn “Du lịch Việt Nam thay đổi để phát triển” là diễn đàn lớn nhất của hội chợ, đây là cơ hội cho cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch và doanh nghiệp cùng nhau trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm, sáng kiến trong việc phát triển du lịch gắn liền với ứng dụng công nghệ 4.0. Tại diễn đàn, các chuyên gia công nghệ, chuyên gia du lịch quốc tế của Tập đoàn Google, Booking.com sẽ trao đổi về xu thế phát triển của ngành Du lịch, về sự chuyển hóa của các dịch vụ du lịch sau khi ứng dụng công nghệ 4.0, trí tuệ nhân tạo và các công nghệ mới trong du lịch. Những nội dung về bảo vệ môi trường, về xu thế phát triển và ứng dụng công nghệ cao vào ngành Du lịch cũng sẽ được trao đổi tại diễn đàn.
Ngoài ra, các hoạt động bên lề của hội chợ năm nay còn có: Lễ Vinh danh các doanh nghiệp và cá nhân tiêu biểu của Hiệp hội Du lịch Việt Nam năm 2019 (VITA Awards); Giải VITM Marathon (online) diễn ra từ ngày 31/7-9/8 nhằm kết nối cộng đồng du lịch Việt Nam, giới thiệu, quảng bá hình ảnh của các danh lam thắng cảnh, di sản của các địa phương; Diễn đàn Xúc tiến du lịch ACMEC đến các thị trường Đông Bắc Á do Tổng cục Du lịch chủ trì; Liên hoan Tiểu phẩm sinh viên du lịch lần thứ II; Trình diễn nghệ thuật truyền thống quốc tế và Việt Nam – sản phẩm du lịch văn hóa…/.
Thu Thảo