TÁC ĐỘNG ĐẾN MÔI TRƯỜNG TỪ HOẠT ĐỘNG DU LỊCH
Tác động tích cực
Phát triển du lịch Hội An đã bổ sung thêm vẻ đẹp cho thành phố, nhờ xây dựng các dự án tăng thêm các vườn cây, công viên, tu sửa cảnh quan với việc giữ gìn và bảo tồn khu phố cổ. Du lịch góp phần khẳng định giá trị và bảo tồn các diện tích tự nhiên quan trọng như khu dự trữ sinh quyển cù lao Chàm, phát triển các loại hình du lịch sinh thái, các khu du lịch sinh thái ở Hội An được đầu tư xây dựng như làng quê sinh thái Cẩm Thanh – Hội An.
Tác động tiêu cực
Tác động đến môi trường đất
Các nhà hàng, khách sạn ở TP. Hội An tăng liên tục qua các năm. Điều này làm mất đi một diện tích đất lớn trước đây dành cho cảnh quan thiên nhiên. Đồng thời hoạt động du lịch với việc xả thải ngày càng nhiều các chất thải rắn, chất thải hữu cơ từ các thức ăn dư thừa của nhà hàng, khách sạn, rác thải do du khách xả bừa bãi làm chô môi trường đất bị ô nhiễm.
Tác động đến môi trường nước
Tác động đến nước biển: qua kết quả quan trắc mẫu nước biển lấy tại bãi Hương, bãi tắm Bến Tàu Bãi, bãi lặn san hô cù lao Chàm, bãi tắm Cửa Đại, bãi tắm An Bàng năm 2012 ta thấy chỉ tiêu Fe đã vượt nhiều lần so với quy chuẩn Việt Nam (QCVN). Cụ thể là hàm lượng Fe của bãi Hương – cù lao Chàm vượt 2,8 lần QCVN, bến tàu Bãi Làng vượt 3,2 lần QCVN, bãi tắm hòn Dài vượt 1,2 lần, bãi tắm Cửa Đại vượt 2,4 lần, bãi tắm An Bàng vượt 2 lần QCVN. Hàm lượng Cd vượt 0,04 lần QCVN. Các chỉ tiêu còn lại hầu như đều đạt QCVN. Nguyên nhân ô nhiễm là do các hoạt động du lịch cùng với việc di chuyển của tàu thuyền và vấn đề xả rác thải của khách du lịch làm tăng nồng độ sắt, chất rắn lơ lửng trong nước biển.
Tác động đến môi trường nước hồ: qua kết quả quan trắc năm 2012 tại hồ Minh An cho thấy các chỉ tiêu Oxy hòa tan, COD, BOD5, NH4-N đều vượt QCVN gấp nhiều lần. Đây là hồ chứa nước thải sinh hoạt từ các hộ dân, cơ sở nhà hàng, khách sạn trong khu vực cho nên nước trong hồ có màu nâu đen và mùi hôi khá nặng.
Tác động đến môi trường nước sông: kết quả phân tích mẫu nước sông lấy tại trung tâm rừng dừa – rừng dừa ngập mặn Cẩm Thanh và sông Thu Bồn năm 2012 cho thấy các chỉ tiêu nhiệt độ, pH, Oxy hòa tan, độ dẫn điện, độ mặn, COD, BOD5,TSS, NO3- - N, NH4+ - N, PO43- - P, Phenol, Cd, Dầu mỡ, Fe, Cu, Zn, Coliform… đều trong giới hạn cho phép. Như vậy, chất lượng nước sông của thành phố chưa bị ô nhiễm, nhận xét chung là chất lượng nước còn khá sạch.
Tác động đến môi trường không khí
Các phương tiện giao thông tham gia hoạt động du lịch như tàu thuyền, ô tô, xe máy ngày càng lớn là nguyên nhân đáng kể gây nên bụi và ô nhiễm môi trường.
Tác động đến tài nguyên sinh vật
Hoạt động của du khách có tác động lớn đến hệ sinh thái ở các bãi biển Hội An, các hoạt động du lịch dưới nước như thu nhặt sò, ốc, khai thác san hô làm đồ lưu niệm, hoạt động lặn ngắm san hô của du khách và thả neo tại những bãi đá san hô tại bãi lặn san hô (bãi Xếp) – cù lao Chàm đều làm gia tăng việc huỷ hoại bãi san hô, nơi sinh sống của các loài động vật ở dưới nước. Việc săn bắt chuyên nghiệp cũng góp phần làm giảm đi nhiều loài sinh vật đang bị đe dọa diệt vong.
Nhu cầu của du khách về hải sản được coi là nguyên nhân chính tác động mạnh đến việc suy giảm nguồn tài nguyên sinh vật biển Hội An. Các hoạt động thể thao, đánh bắt cá của du khách ở khu vực ven biển đã có tác động xấu đến việc bảo tồn các loài sinh vật quý đang cần bảo vệ.
Trong một thời gian dài, tốc độ đô thị hóa khiến vùng đệm, vùng ngoại ô đã bị xâm hại khá lớn về môi trường, về cảnh quan tự nhiên đúng như một nhà kiến trúc đã nói về tác động của đô thị hóa lên cảnh quan môi trường: đô thị hóa đến đâu cây xanh… mất đến đó. Cả một khu vực rộng, khu dân cư mới như phường Tân An hiện nay có những khu chỉ có nhà và đường, không một bóng cây là minh chứng cho sự cỗi cằn của đô thị thời “bê tông hóa”. Hội An đã thực sự thu hẹp hồ thành ao – hồ nước (hồ Phái) ở Cẩm Phô và gần như mất hẳn thảm cây xanh ở khu vực đệm tính từ khu vực 3 (khu vực bảo tồn nghiêm ngặt).
ĐỀ XUẤT MỘT SỐ GIẢI PHÁP QUẢN LÝ
Giải pháp tổng thể
Đối với khu phố cổ: giữ nguyên hình thái kiến trúc, cấu trúc của phố cổ và các di tích; bảo tồn có phát huy giá trị di sản trên cơ sở bảo đảm bảo tồn tính nguyên gốc của di tích; tìm lại các tư liệu cổ xưa về hoạt động buôn bán, giao dịch, thương mại nhằm xây dựng lại hình ảnh phố xưa qua đó đem lại cảm xúc và hình ảnh đích thực của thành phố cảng thị ngày xưa; hạn chế thương mại hóa phố cổ.
Đối với khu vực ngoài phố cổ: thiết lập một khu đệm an toàn cho phố cổ: bao gồm bờ sông Hoài, các cánh đồng bao quanh phố cổ, khu vực đệm này có tác dụng vừa bảo vệ phố cổ chống xâm lấn vừa phục hồi không gian vốn có của phố cổ ngày xưa; có kế hoạch chống xâm lấn qua khu vực đệm.
Không gian toàn thành phố: xây dựng quy hoạch định hướng phát triển không gian thành phố trở thành một đô thị xanh – đô thị sinh thái với tiêu chí “phố trong vườn - vườn trong phố”.
Có kế hoạch định hướng phát triển các khu nhà ở tương lai: nằm ngoài ranh giới của thành phố nhằm tránh xây dựng tập trung quá đông vào khu trung tâm; bảo vệ, gìn giữ các cánh đồng, rừng dừa nước, các cồn nổi, bãi ven sông ven biển; xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn hiện đại, đồng bộ và đặc biệt là phát triển du lịch cộng đồng.
Giải pháp về phát triển du lịch và bảo vệ môi trường
Tiến hành đầu tư vốn vào hệ thống giao thông vận tải, nâng cấp một số tuyến đường, xây dựng bến thuyền. Xây dựng các trạm dịch vui cho khách du lịch như (bãi đỗ, bảo dưỡng xe…) tránh tình trạng để xe không đúng nơi quy định như hiện nay.
Cần xây dựng và nâng cấp các cơ sở lưu trú: nhà hàng, khách sạn để phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế, phát triển các loại hình du lịch để thu hút và giữ chân khách. Xây dựng các điểm du lịch thân thiện với môi trường như: du lịch cộng đồng, home stay…
Phát triển mạng lưới đường xe đạp hoặc tận dụng những tuyến đường hiện có với cho thuê xe, sửa chữa xe và hướng dẫn du lịch… nhằm tạo dựng một mạng du lịch hấp dẫn bằng xe đạp nối các khu du lịch.
Tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, tài nguyên du lịch Hội An thông qua các lớp tập huấn, truyền thông, pano, tranh ảnh, xây dựng và phát triển website. Cần lôi cuốn cộng đồng địa phương cùng tham gia hoạt động du lịch, bảo vệ môi trường và các giá trị của tự nhiên.
Cần nhân rộng mô hình "Ngày không túi nilon". Là điểm khởi đầu sự kiện "Ngày không túi nilon", Hội An cũng là thành phố thứ hai ở Việt Nam thực hiện dự án 3R (giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng) bằng việc phân loại rác thải tại nguồn, sau dự án thí điểm tại bốn phường ở Hà Nội do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ thực hiện. Sau Cù Lao Chàm, Minh An - một phường lớn của Hội An, sẽ là đơn vị tiếp theo thực hiện "chiến dịch" 3R. Thực tế cho thấy, con đường "Nói không với túi nilon" và "3R", mới có thể giúp môi trường nhanh chóng được cải thiện và là bước đi trong phát triển du lịch một cách bền vững.
Xây dựng tiêu chuẩn nước thải và chất thải lỏng đối với TP. Hội An trước khi xả thải vào môi trường
Đối với người dân sống ở khu vực có hoạt động du lịch: sử dụng đất một cách hợp lý để sản xuất tăng thu nhập, xây dựng mô hình du lịch tại nhà, để từ đó nâng cao nhận thức của mình về bảo vệ môi trường nơi mình đang sống và làm việc; cùng hòa đồng với khách du lịch để họ biết những giá trị nổi bật của Hội An nói chung và phố cổ nói riêng.
Đối với khách du lịch: phải tuân thủ về bảo vệ môi trường, người hướng dẫn viên du lịch phải biết nhiều thứ tiếng để giúp du khách hiểu rõ quy định do khách du lịch đến từ nhiều nước khác nhau.
Những giải pháp nêu trên, muốn thực hiện được cần phải có sự nỗ lực của tất cả các cấp, các ngành, cộng đồng địa phương và du khách tham gia. Phát triển bền vững là chìa khóa cho sự thành công trong hoạt động du lịch ở Hội An.
ThS. Nguyễn Thanh Tưởng
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)