Hoàng Su Phì phát triển du lịch sinh thái cộng đồng góp phần xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường
 |
Ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì |
Thời tiết trong năm chia 2 mùa rõ rệt (mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau), nhiệt độ trung bình năm là 21,5oC. Địa bàn của huyện thuộc dải Tây Côn Lĩnh có độ cao 2.400m và đỉnh Chiêu Liều Thi có độ cao 2.000m so với mặt nước biển; nơi đây cũng là nơi lưu giữ nhiều nguồn gen động thực vật qúy hiếm, nhiều nguồn nước khoáng thiên nhiên có giá trị cao; là trung tâm chuyển tiếp giữa vùng Đông Bắc và Tây Bắc Việt Nam... tất cả các điều kiện trên tạo cơ hội lớn để phát triển du lịch sinh thái, đồng thời tạo cơ hội gắn kết nơi đây với các vùng du lịch văn hóa, du lịch sinh thái.
Hoàng Su Phì cũng là vùng có nhiều dân tộc cùng chung sống, mỗi dân tộc đều có những phong tục tập quán, tín ngưỡng khác nhau và góp phần tạo nên sự đà dạng về văn hóa. Đây chính là yếu tố quan trọng góp phần thu hút khách du lịch đến tham quan, khám phá và trải nghiệm đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số như lễ “cấp sắc” của người Dao; lễ ăn cơm mới và hát giao duyên trong tết “Khu cù tê” của người La Chí... Một trong những giá trị đặc trưng trong đời sống văn hóa của cộng đồng các dân tộc vùng cao Hoàng Su Phì chính là tập quán canh tác và sản xuất nông nghiệp; do đó, cùng với phong cảnh đẹp, những thửa ruộng bậc thang cũng góp phần thu hút du khách.
Từ năm 2004 trở lại đây hoạt động du lịch trên địa bàn bắt đầu xuất hiện với chương trình nối tour các đoàn khách du lịch quốc tế từ các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng tới Hà Giang với mục đích chủ yếu là tìm hiểu phong tục tập quán, những nét độc đáo trong sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của các dân tộc trong Huyện. Các đoàn khách du lịch trong nước cũng đang có xu hướng tăng dần, tuy nhiên đó vẫn chỉ là những đoàn khách đơn lẻ. Theo thống kê chưa đầy đủ, năm 2006 toàn Huyện đón được khoảng 1.000 lượt khách thăm quan du lịch, trong đó 75% là khách du lịch quốc tế.
Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông cũng đang được đầu tư cải thiện, hệ thống các cơ sở nhà hàng, nhà nghỉ từng bước được đầu tư nâng cấp và bước đầu đáp ứng phần nào nhu cầu của khách du lịch.
Tuy nhiên, cho đến nay hoạt động du lịch vẫn chủ yếu mang tính chất thời vụ, vì vậy cộng đồng các dân tộc thiểu số, những người đang sinh sống trên vùng đất này chưa có cơ hội để tham gia nhiều vào hoạt động du lịch cũng như chưa thực sự hưởng lợi được nhiều từ những hoạt động du lịch mang lại. Mặt khác, cho đến nay tất các những sinh hoạt văn hóa của các dân tộc trên địa bàn huyện vẫn mang tính tự nhiên mà chưa tạo thành một sản phẩm du lịch thực sự.
Huyện Hoàng Su Phì xây dựng được 4 làng văn hóa du lịch tại xã Thông Nguyên, một số nhà văn hóa cộng đồng, thành lập các tổ văn nghệ biểu diễn các tiết mục dân tộc tại các thôn, bản phục vụ khách du lịch. Các loại hình dịch vụ này bước đầu đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của khách du lịch, nhưng nhìn chung vẫn là những sinh hoạt “sân khấu”, mà chưa phải đời sống thực. Nguồn thu nhập đem lại từ du lịch vẫn chủ yếu là từ dịch vụ ăn uống. Vì vậy để tăng thu nhập, cần phải tạo ra nhiều loại hình vui chơi giải trí ở bản làng để níu chân du khách, mặt khác cần tăng cường đầu tư sản xuất các mặt hàng lưu niệm, hàng đặc sản ... Vấn đề cấp bách là xây dựng được một mô hình làng du lịch văn hóa - sinh thái cộng đồng.
Nhận thức được vấn đề trên, trong tháng 6/2007, Đảng bộ và UBND huyện đã xây dựng đề án phát triển du lịch giai đoạn 2007 - 2010 và đã được thông qua tại kỳ họp thứ 9 HĐND huyện khóa 17 vừa qua, đây là cơ sở quan trọng thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng, nhằm mục tiêu góp phần xóa đói giảm nghèo cho cộng đồng dân cư trong tỉnh.
CÁC GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN DU LỊCH SINH THÁI CỘNG ĐỒNG Ở HOÀNG SU PHÌ
Đối với Du lịch Việt Nam nói chung, và du lịch Hoàng Su Phì - Hà Giang nói riêng, phát triển du lịch sinh thái cộng đồng là một hướng tiếp cận còn rất mới. Mặc dù vậy có thể khẳng định rằng đối với một đất nước có nền văn hóa lâu đời và đa dạng như Việt Nam, phát triển du lịch bền vững thông qua hình thức du lịch sinh thái cộng đồng là hướng tiếp cận phù hợp với xu thế phát triển của khu vực và thế giới. “Du lịch sinh thái cộng đồng” chỉ thực sự là một sản phẩm du lịch đúng nghĩa khi cộng đồng người dân nơi có điểm du lịch được hưởng lợi từ chính hoạt động du lịch, được sự hướng dẫn cách thức làm du lịch của ngành du lịch và văn hóa thì du lịch cộng đồng mới phát triển đúng hướng, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo. Cần phải có những biện pháp đồng bộ, hữu hiệu để đảm bảo phát triển bền vững.
Thứ nhất, cần tăng cường vai trò của các cấp chính quyền và cơ quan quản lý nhà nước về du lịch trong việc hoạch định các chương trình du lịch sinh thái cộng đồng trên địa bàn; cần nhận thức phát triển du lịch sinh thái cộng đồng là phương thức hữu hiệu góp phần phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo. Từ nhận thức này thể hiện bằng những hành động cụ thể như tổ chức cho cán bộ, nhân dân đi tham quan học hỏi kinh nghiệm làm du lịch của một số điểm du lịch trong nước và quốc tế đã thu được những thành công trong phát triển du lịch cộng đồng.
Thứ hai, tiến hành Quy hoạch phát triển các làng du lịch sinh thái cộng đồng trên địa bàn, nội dung của quy hoạch này phải phải bảo đảm yêu cầu đánh giá được tác động với môi trường khi du lịch phát triển, chú ý yếu tố phát triển bền vững trong phát triển du lịch và phải phù hợp với những định hướng phat triển không gian du lịch đã đề ra trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch chung của toàn Tỉnh. Trên cơ sở bản quy hoạch này, lựa chọn các thôn bản, các nhà văn hóa cộng đồng tiêu biểu, hội đủ các yếu tố về cảnh quan sinh thái, đảm bảo an toàn, an ninh để đầu tư xây dựng thành các điểm lưu trú qua đêm cho khách du lịch. Lưu ý đến các vấn đề về vệ sinh, an toàn thực phẩm và phòng cháy chữa cháy.
Thứ ba, đẩy mạnh đầu tư xây dựng va nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt cần thiết nhấn mạnh tính trọng điểm trong đầu tư. Đầu tư xây dựng các tour tham quan trong huyện như tuyến Thông Nguyên - Đỉnh Chiêu Liều Thi, Vinh Quang - Nậm Ty thăm bản làng văn hóa dân tộc Dao thôn Tấn Xà Phìn, Vinh Quang - bản Phùng thăm ruộng bậc thang...
Thứ tư, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn cần phải chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển du lịch, đặc biệt là đội ngũ thuyết minh viên và nhân viên phục vụ tại các thôn bản cần phải am hiểu văn hóa dân tộc để giới thiệu với khách du lịch. Bên cạnh đó, đào tạo bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ phục vụ du lịch cho cộng đồng địa phương.
Thứ năm, xây dựng và hoàn thiện chiến lược tuyên truyền quảng bá xúc tiến du lịch sinh thái cộng đồng trong xu thế mới. Không chỉ coi Hoàng Su Phì là một điểm đến mà cần đặt trong mối quan hệ hữu cơ với toàn bộ các huyện, thị của Hà Giang, coi du lịch sinh thái cộng đồng là một sản phẩm đặc trưng của Du lịch Hà Giang, từ đó có kế hoạch xuất bản các ấn phẩm quảng bá, phim tư liệu giới thiệu về du lịch sinh thái cộng đồng.
Ths. ĐÀO DUY TUẤN
*Viện Nghiên cứu phát triển du lịch