Chánh Văn phòng, Người phát ngôn của Bộ VHTTDL Tô Văn Động phát biểu tại buổi họp báo
Trong 9 tháng đầu năm, với tinh thần quyết tâm “Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, bám sát thực tiễn, giải quyết tích cực những hạn chế, bức xúc, tạo chuyển biến mới trong việc thực hiện mục tiêu chiến lược văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình”, ngành VHTTDL đã căn bản hoàn thành chương trình công tác đề ra, thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được giao.
Bộ và các Sở VHTTDL địa phương đã bám sát thực tiễn hoạt động và yêu cầu thực tế, ban hành 12 thông tư theo thẩm quyền, dự kiến sẽ tham mưu để Chính phủ xây dựng và ban hành thêm 9 Nghị định và 32 Thông tư theo thẩm quyền. Nhiều Sở VHTTDL đã chủ động tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBND các tỉnh ban hành nghị quyết, chuyên đề, các đề án, quy hoạch phát triển ngành; tiếp tục thể chế hoá các chủ trương, chính sách, nghị quyết của Đảng, các văn bản luật, văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, của Bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sự nghiệp và bảo đảm cho các hoạt VHTTDL ở địa phương được thực hiện đúng pháp luật, đạt hiệu quả tốt.
Công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm được tiến hành thường xuyên, kịp thời. Bộ VHTTDL đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 162/CĐ-TTg ngày 9/2/2011 của Thủ tướng Chính phủ về công tác quản lý lễ hội; thành lập các đoàn công tác tiến hành kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2011, nhất là tại các di tích, lễ hội có số lượng người tham gia đông như đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), đền Trần (Nam Định), đền Trần (Hưng Hà, Thái Bình), chùa Bái Đính (Ninh Bình), Yên Tử (Quảng Ninh), đền Sóc (Hà Nội)...
Công tác thanh tra, kiểm tra hành chính được triển khai tích cực và chủ động, bám sát yêu cầu của thực tiễn. Tính đến tháng 9/2011, Thanh tra Bộ đã thành lập 95 đoàn thanh tra, kiểm tra ban hành 47 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, tiếp nhận và xử lý 68 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, đề xuất của công dân.
Hoạt động văn hóa, nghệ thuật được tổ chức sôi nổi, nội dung phong phú, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân.
Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc đạt nhiều kết quả tích cực. Nhiều di tích lịch sử - văn hóa quan trọng được trùng tu tôn tạo, phát huy giá trị tích cực, trở thành những điểm du lịch văn hóa hấp dẫn. Cả nước có 131 bảo tàng, gồm 119 bảo tàng công lập và 12 bảo tàng ngoài công lập. Hơn 4 vạn di tích được kiểm kê, gồm: 3.106 di tích được xếp hạng di tích quốc gia, trong đó có 10 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt; 6.092 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Các di sản văn hóa Việt Nam tiếp tục được vinh danh trên thế giới. Ngày 27/6/2011, Khu di tích Thành Nhà Hồ (Thanh Hóa) đã chính thức được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, nâng tổng số các di sản được công nhận lên 12 di sản. Đã hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới: Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (công nhận lần hai về tiêu chí đa dạng sinh học), hát Xoan (Phú Thọ), Tín ngưỡng thờ vua Hùng (Phú Thọ) và nghệ thuật đờn ca tài tử (các tỉnh Nam Bộ).
Công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở được chú trọng, chất lượng các cuộc thi, hội diễn văn nghệ được nâng cao, đi vào chiều sâu, hướng tới phục vụ cơ sở, thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của đất nước và địa phương.
Công tác thể dục, thể thao tiếp tục phát triển, đạt nhiều thành tích khả quan. 9 tháng đầu năm, các vận động viên Việt Nam giành được tổng số 210 HCV, 140 HCB, 136 HCĐ trong các giải thể thao cấp khu vực, châu lục và thế giới.
Đặc biệt, trong lĩnh vực du lịch, các doanh nghiệp của ngành đã có nhiều cố gắng nâng cao chất lượng dịch vụ, tổ chức tour, tuyến phục vụ du khách. Lượng khách du lịch quốc tế từ hầu hết các thị trường đều tăng so với cùng kỳ năm 2010, đáng chú ý là các thị trường khách Campuchia tăng 59,2%, Trung Quốc tăng 44,9%, Malaysia tăng 12,2%. Ước tính chín tháng đầu năm 2011, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 4,3 triệu lượt, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2010. Dự kiến ngành Du lịch Việt Nam sẽ hoàn thành mục tiêu đề ra cho năm 2011 với hơn 5,5 triệu lượt khách quốc tế, 30 triệu lượt khách nội địa.
Về nhiệm vụ công tác 3 tháng cuối năm, Bộ VHTTDL xây dựng Chương trình hành động khung gồm 10 nhiệm vụ cơ bản, bao gồm:
* Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng; Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 09/01/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2011; Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và Chương trình hành động thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011 - 2020 và phương hướng nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm 2011 - 2015.
* Hoàn thành 100% công tác xây dựng các văn bản, đề án trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Ban Bí thư, Bộ Chính trị trong kế hoạch năm 2011 và các văn bản, đề án được giao ngoài kế hoạch, đảm bảo chất lượng và tiến độ theo quy định.
* Tập trung cho công tác chỉ đạo cuộc vận động bầu chọn cho vịnh Hạ Long; tổ chức tốt đợt thi đua ngắn hạn “Bầu chọn vịnh Hạ Long là kỳ quan thiên nhiên thế giới”; chuẩn bị sẵn sàng đăng cai và tổ chức lễ công bố vịnh Hạ Long trở thành một trong bảy kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới.
* Tổ chức tốt các hoạt động còn lại trong khuôn khổ Năm Du lịch quốc gia duyên hải Nam Trung Bộ - Phú Yên 2011 và công tác chuẩn bị tổ chức Năm du lịch quốc gia duyên hải Bắc Trung Bộ tại Huế năm 2012.
* Tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, xã hội hóa các hoạt động tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam”; hoàn thiện các công trình kiến trúc của 54 dân tộc Việt Nam, từng bước ổn định hoạt động khai thác, vận hành Khu các làng dân tộc.
Cũng tại buổi họp báo, đại diện lãnh đạo Bộ VHTTDL đã trả lời các câu hỏi của phóng viên về một số vấn đề trong công tác thực hiện nhiệm vụ 9 tháng đầu năm.
Bảo Linh