Từ vùng đất hoang sơ…
Thuộc thôn Quảng Hợp, xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông, HMong Farm là vùng đất mà hệ thống lưới điện quốc gia chưa vươn tới, có thổ nhưỡng hoang sơ, nằm tách biệt với thế giới bên ngoài. Phải mất 20 phút đi xe máy qua đường đèo núi hiểm trở, đất đỏ sình lầy mới đến được với HMong Farm - trang trại trồng cà phê rộng 20ha đầu tiên nằm sâu trong núi, ở độ cao cách mặt biển 1.400m.
HMong Farm nằm gần làng của người dân tộc Mông và cách xa những vùng trồng trọt khác, là vùng đất rất thích hợp để trồng cây cà phê. Kết hợp cùng người Mông để trồng và chăm sóc cây cà phê, Mỹ Linh nhận ra khác biệt về thổ nhưỡng cũng như khí hậu đã tạo ra biến đổi lớn về chất lượng cây trồng.
Cô chia sẻ: “Đắk Nông có khí hậu lạnh, ban đêm có thể xuống 8-90C, buổi sáng khoảng 200C. Đây là nhiệt độ rất thích hợp để cây cà phê phát triển và không bị khô cây. Do vậy, HMong Farm được hưởng trọn nguồn đất đỏ bazan màu mỡ, độ ẩm trong đất cao, chỉ cần cầm một nhúm đất trong tay đã cảm nhận được sự tơi xốp và giàu dinh dưỡng của đất.
“Nguồn nước cũng là một vấn đề quan trọng. Không có nguồn nước nào đảm bảo độ sạch và tinh khiết như nước thượng nguồn ở sâu trong rừng như của HMong Farm bây giờ" - Mỹ Linh cho biết thêm.
HMong Farm trồng duy nhất cây cà phê. Đây cũng là điểm thuận lợi giúp cây cà phê ở đây ít bị nhiễm bệnh hay lây bệnh chéo từ các cây trồng nông nghiệp khác. Nhờ vậy, trong 6 năm chăm sóc cây, người nông dân của HMong Farm hoàn toàn không dùng đến các loại thuốc hóa học để chữa bệnh cho cây mà cây vẫn lớn nhanh, tươi tốt.
… trở thành trang trại cà phê hữu cơ
Đắk Glong là nơi có nhiều người dân tộc sinh sống, trong đó có người Mông. Đa phần đời sống của họ khó khăn và thô sơ trong kỹ thuật canh tác nông nghiệp. Thế nhưng chính kỹ thuật nông nghiệp thô sơ (không dùng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học) lại tạo điều kiện tốt cho HMong Farm phát triển kinh tế nông nghiệp sạch theo hướng sạch, hữu cơ.
Tại HMong Farm, người dân tộc H'Mông tự cắt cỏ cho vườn cà phê rộng hơn 20ha, họ cũng là người bón phân hữu cơ và tưới cho cây trồng thường xuyên, đảm bảo cây lớn lên tốt và sạch nhất.
Dẫu biết, khi tất cả công đoạn đều được làm bằng tay và theo hướng thủ công thì kinh phí đầu tư rất cao, đồng thời cây cà phê được trồng theo phương pháp hữu cơ sẽ cho ít trái hơn khi dùng phân bón hóa học… nhưng Mỹ Linh vẫn chấp nhận vì cô mong muốn bảo tồn phương thức canh tác nguyên sơ của người dân tộc, đồng thời mở ra một hướng đi bền vững cho riêng mình trong lĩnh vực cà phê sạch.
Mỗi công đoạn cắt cỏ, bón phân, chăm sóc cây cà phê tại HMong Farm, người dân tộc Mông đều được hưởng công xứng đáng để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống hàng ngày.
Phan Thị Mỹ Linh mong muốn HMong Farm sẽ ngày càng cho ra nhiều sản phẩm sạch đến tay người tiêu dùng, qua đó tạo nguồn thu cải thiện đời sống người dân địa phương. Trong tương lai, làm cầu đường - xây trường học cũng là mục tiêu của HMong Farm trong hành trình giúp người dân nơi đây thoát nghèo.
PV