Chi cục phòng, chống tệ nạn xã hội Lào Cai đã tham mưu cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Lào Cai trình UBND tỉnh Lào Cai ban hành nhiều chỉ thị, quyết định về chỉnh sửa, bổ sung một số điều của quy chế cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Lào Cai, chính sách hỗ trợ, chế độ miễn giảm, trách nhiệm đóng góp đối với người cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện... Đặc biệt, hoạt động tuyên truyền được đẩy mạnh trên địa bàn từ tỉnh đến cơ sở, tại các cơ quan, đơn vị, trường học, nhất là các địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa và nhóm đối tượng có nguy cơ cao với nhiều biện pháp, hình thức đa dạng, phong phú; phối hợp với Mặt trận Tổ quốc tỉnh Lào Cai, các cấp ủy Đảng, UBND các cấp chỉ đạo xây dựng xã, phường không có tội phạm và tệ nạn ma túy gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống khu dân cư”. Tổ chức cho các hộ dân ký cam kết xây dựng xã, phường không có tội phạm, tệ nạn ma túy, đông đảo nhân dân đồng tình hưởng ứng. Qua rà soát, trên toàn tỉnh Lào Cai có 53/164 xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy; phối hợp các cơ quan, báo chí liên quan của tỉnh Lào Cai và các tổ chức thuộc khối cơ quan dân cử tổ chức được trên 1.000 buổi tuyên truyền đẩy mạnh các hoạt động đấu tranh phòng chống ma túy, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ ma túy trên địa bàn. Phát hành trên 4.000 băng đĩa bằng tiếng dân tộc, để phổ biến các nội dung tuyên truyền đến người dân về tác hại của ma túy và tội phạm ma túy.
UBND các huyện, thành phố đãvận động được 100% các xã phường, các thôn, tổ nhân dân, các bản làng vùng cao, các trường học tham gia ký cam kết xây dựng xã, phường, đơn vị, trường học không có ma túy và tổ chức các câu lạc bộ sau cai hoạt động có hiệu quả.
Mô hình Đội hoạt động xã hội tình nguyện tại các xã, phường, thị trấn trọng điểm về tệ nạn ma túy cũng đang hoạt động rất hiệu quả.
Về cai nghiện phục hồi, tỉnh Lào Cai chủ trương thực hiện đồng thời cả 3 hình thức cai nghiện, đó là cai nghiện tại Trung tâm, cai nghiện tại cộng đồng và cai nghiện tại gia đình. Bình quân hàng năm, tỉnh tổ chức cai nghiện cho khoảng 800 - 900 lượt người nghiện ma túy, trong đó 30% được cai nghiện tại gia đình và cộng đồng, 70% được cai tại các Trung tâm chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội. Tổng số học viên đang được cai nghiện phục hồi, quản lý sau cai tại các trung tâm, cơ sở cai nghiện cộng đồng và các câu lạc bộ quản lý sau cai nghiện tính đến ngày 31/12/2013 là 1.743/3.624 đối tượng. Tiếp nhận mới 1257/870 học viên, đạt 144,44% kế hoạch năm. Tái hòa nhập cộng đồng cho 636 người.
Thực hiện chủ trương đổi mới công tác cai nghiện, tỉnh Lào Cai đã xây dựng Dự án điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone theo mô hình xã hội hóa giai đoạn 2013 - 2020. Triển khai từ tháng 10/2013, đến ngày 31/12/2013 cơ sở điều trị Methadone xã hội hóa tại Lào Cai đã tiếp nhận, điều trị cho 130/120 bệnh nhân, đạt 108,3% kế hoạch.
Cơ sở Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone xã hội hóa của tỉnh Lào Cai đang trong giai đoạn thử nghiệm, nhưng được vận hành khá tốt. Số bệnh nhân tìm đến cơ sở để cai nghiện không ngừng tăng lên, thậm chí có nhiều người nghiện ở các địa phương cách xa trung thâm thành phố như: Bảo Thắng, Văn Bàn, Bát Xát… cũng có nhu cầu đăng ký cai nghiện tại đây.
Trước nhu cầu rất lớn của gia đình người nghiện hiện nay mong muốn được điều trị bằng thuốc Methadone, vừa có chi phí thấp, vừa có thời gian học tập và lao động sản xuất tại gia đình, địa phương, thường xuyên có sự chăm sóc giúp đỡ của gia đình, Chi cục Phòng, chống Tệ nạn xã hội Lào Cai đã đề nghị UBND tỉnh Lào Cai mở rộng mô hình xã hội hóa điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tại huyện Bảo Thắng.
Trong thời gian tới, Lào Cai sẽ tiếp tục duy trì điều trị cho 150 bệnh nhân và đón 250 bệnh nhân nâng tổng sô người được điều trị lên 400 vào năm 2014; đồng thời, liên kết với các trường nghề, các cơ sở dịch vụ đào tạo, dạy nghề, việc làm để tổ chức tư vấn học nghề, tìm kiếm việc làm, ổn định tâm lý và cuộc sống cho bệnh nhân.
Có thể nói, công tác phòng, chống tệ nạn xã hội trong thời gian qua đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội dự báo vẫn diễn biến phức tạp, do vậy, cần tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức; nâng cao vai trò của các cấp ủy đảng, chính quyền, trách nhiệm của xã hội, gia đình cũng như nhân dân.
PV