Tại hội thảo, các chuyên gia ẩm thực, nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế đã đưa ra nhiều cứ liệu khoa học về tiến trình lịch sử bánh mì Việt Nam; đồng thời, khẳng định bánh mì Việt có nhiều sự sáng tạo, mang dấu ấn riêng so với bánh mì của các nước trên thế giới.
Từ món ăn phương Tây trở thành ẩm thực bản địa
Theo bà Nguyễn Thị Thuý Phượng - Q. Viện trưởng Viện Mekong thì khởi thủy ổ bánh mì ở Việt Nam chính là bánh mì baguette do người Pháp mang sang vào đầu thế kỷ XIX. Khi ấy, họ đã cho xây dựng những lò bánh mì bằng gạch đầu tiên tại phố Paul Bert, nay là phố Tràng Tiền. Ban đầu, người miền Bắc gọi baguette là bánh Tây, còn người miền Nam gọi là bánh mì. Do giá cả lúa mì nhập khẩu thời điểm đó quá cao nên bánh mì baguette của Pháp ban đầu có kích thước chừng 80cm, đặc ruột, là một mặt hàng xa xỉ đối với người bản xứ.
Trong chiến tranh thế giới thứ nhất, binh lính Pháp và vật tư của họ đã được đưa đến Việt Nam. Đồng thời, việc nhập khẩu lúa mì hay bị gián đoạn khiến các nhà sản xuất bánh bắt đầu trộn thêm bột gạo rẻ tiền, làm cho bánh mì mềm hơn. Vào thời điểm đó, ngay cả người Việt bình dân cũng có thể thưởng thức các mặt hàng chủ lực của Pháp như bánh mì. Và món bánh có nguồn gốc từ Pháp này dần dần đã trở nên phổ biến và được nhiều người ưa thích. Tuy vậy, bánh mì Việt Nam chỉ thật sự định hình khi cửa hàng Hòa Mã của ông Hòa, bà Tịnh xuất hiện năm 1958 ở Sài Gòn.
Do bà Tịnh, ông Hòa từng làm cho hãng thịt nguội chuyên cung cấp sản phẩm cho các nhà hàng Pháp ở Hà Nội, nên khi vào Sài Gòn họ đã biến tấu bánh mì baguette thành bánh mì đặc trưng của Việt Nam với chiều dài chỉ khoảng 30 – 40cm. Sau bánh mì thịt nguội, họ nghĩ ra cách kẹp thịt, chả lụa cùng với pa-tê vào giữa ổ bánh để người mua tiện mang theo. Vào khoảng thời gian này, một người di cư khác từ miền Bắc bắt đầu bán bánh mì chả cá bằng giỏ trên xe mobylette, còn một quầy hàng ở tỉnh Gia Định thì bắt đầu bán bánh mì phá lấu. Một số cửa hàng khác thì nhồi bánh mì với pho mát Cheddar rẻ tiền từ cuộc viện trợ lương thực của Pháp…
Còn theo Tiến sĩ Vũ Thế Long - Nhà nghiên cứu lịch sử ẩm thực và môi trường thì bánh mì Việt Nam là một hiện tượng điển hình sáng tạo trong ẩm thực thế giới. Đầu tiên xuất hiện ở Hà Nội, sau đó du nhập vào Sài Gòn rồi đến những nơi khác ở Việt Nam. Lúc ấy, những lò bánh mì và cơm Tây, cà phê, thuốc lá… phổ biến ở Sài Gòn hơn là các tỉnh thành miền Trung và miền Bắc. Thậm chí, cho đến trước năm 1975 thì bánh mì ở Sài Gòn vẫn được phổ cập và đa dạng hơn nhiều so với các vùng miền khác. Trong khoảng thời gian này, những lò nướng bánh mì bằng củi được chuyển thành lò gạch lớn hơn để nướng được nhiều bánh một lúc. Ngày nay, việc sản xuất bánh mì bằng những loại lò tân tiến, phù hợp với nhu cầu nướng bánh theo từng loại, hình dáng, kích cỡ khác nhau. Nhiên liệu sử dụng cho các loại lò hiện đại dùng gas và điện là chủ yếu. Nguyên liệu làm bánh đa dạng và phong phú, ngoài các nguyên liệu truyền thống người ta còn cho thêm các loại bơ, ngũ cốc, hoa quả sấy khô, chà bông (ruốc)... để đáp ứng nhu cầu thực khách. Ở dải đất chữ S, bánh mì có thể thấy ở bất cứ thành phố nào, bất cứ con đường nào, từ khu phố lao động bình dân đến những trung tâm thương mại sầm uất, từ những vỉa hè, lề phố cho đến khách sạn sang trọng. Điều thú vị là có thể gặp đủ phiên bản khác nhau, nếm nhiều hương vị khác nhau - tương ứng với đặc trưng ẩm thực của từng thành phố, vùng miền: bánh mì Hà Nội, bánh mì que Hải Phòng, bánh mì Hội An, bánh mì xíu mại Đà Lạt, bánh mì Sài Gòn và Nam Bộ….
Sức hấp dẫn của bánh mì Việt với thế giới
Phát triển du lịch ẩm thực Việt Nam nhìn từ món ăn bánh mì Việt, PGS.TS Phạm Hồng Long - Trưởng Khoa Du lịch, Trường Đại học KHXH & NV - ĐHQG Hà Nội, đã chỉ ra mối quan hệ gắn kết giữa ẩm thực và du lịch. Ẩm thực luôn có mối quan hệ chặt chẽ với du lịch, là điều kiện và động lực để phát triển du lịch. Bởi với du lịch thì ăn uống không chỉ là nhu cầu dinh dưỡng tối thiểu trong hành trình mà còn phải đáp ứng về chất lượng, sự trải nghiệm hay khám phá điều mới mẻ đầy thú vị của ẩm thực nơi đặt chân đến. Bởi lẽ ẩm thực chính là một bức tranh đầy màu sắc mà bất kỳ du khách nào đến với một vùng đất mới cũng có khát khao được khám phá, thưởng thức dư vị đặc trưng văn hóa vùng miền. Ưu thế của bánh mì Việt Nam thì khỏi phải bàn cãi, từ năm 2011 đã được đưa vào từ điển Oxford danh tiếng, bất cứ ai muốn gọi đều phải nói tiếng Việt. Năm 2013, Tạp chí National Geographic đầy uy tín đã chọn bánh mì Việt Nam vào danh sách 11 thực phẩm đường phố ngon nhất toàn cầu. Tháng 5/2022, Tạp chí du lịch nổi tiếng của Mỹ - CNN Travel cũng đã đưa ra danh sách bình chọn 23 loại bánh kẹp ngon nhất thế giới, trong đó bánh mì Việt Nam xếp ở vị trí 4/23. Rõ ràng, bánh mì Việt đã định vị được thương hiệu ẩm thực trên bản đồ ẩm thực thế giới. Bánh mì không chỉ gần gũi, quen thuộc với người Việt Nam. Bánh mì Việt Nam còn thực sự tạo được “làn sóng yêu thích mạnh mẽ” đối với đông đảo thực khách, khách du lịch từ các nơi trên thế giới.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn – Tổng Biên tập Báo Thanh Niên chia sẻ: Ai cũng chắc rằng sẽ có những kỷ niệm hoặc câu chuyện của riêng mình với món ăn vốn được xem là “quốc dân” tại Việt Nam. Hơn 100 năm có mặt ở Việt Nam, bánh mì vốn dĩ chỉ là một món ăn đơn giản, nhưng ít ai nghĩ rằng, bản thân món ăn đơn giản này lại chứa đựng trong mình hành trình lịch sử, mà cụ thể là lịch sử mở rộng thuộc địa của người Pháp và phản ứng của người Việt với văn minh phương Tây, diễn ra trong suốt gần 100 năm. Rõ ràng, bánh mì đến từ xứ Đông Dương theo chân người Pháp khi tiến chiếm thuộc địa. Tuy vậy, lâu dần, bánh mì đã gắn bó với đời sống sinh hoạt thường nhật của người Việt Nam từ lúc nào không biết, trở nên thân thuộc, gần gũi. Người Việt hiện nay vẫn không ngừng sáng tạo, cải tiến, cho ra đời những biến tấu mới để tô đậm thêm sự định danh của món bánh mì dân dã trên bản đồ ẩm thực thế giới. Kể cả khi người ta nghĩ không còn gì để sáng tạo thêm nữa ở món ăn đã nổi danh quốc tế, người Việt vẫn không ngừng cho ra đời những phiên bản gây sốt. Mới đây phải kể đến phiên bản bánh mì thanh long của Vua bánh mì Việt Nam – Ông Kao Siêu Lực. Từ chiếc bánh làm ra để giải cứu thanh long trong mùa dịch, chiếc bánh mì này đã thành công đến mức khiến người Việt xếp hàng dài để đợi mua những chiếc bánh mì hồng thơm nức.
Như vậy, có thể thấy, bánh mì Việt Nam là một món ẩm thực đầy thú vị và sáng tạo khi kết hợp được cả hai nền văn hóa ẩm thực của phương Tây và phương Đông; không chỉ là món ăn ngon, tiện dụng và đa dạng, thích hợp với túi tiền của nhiều tầng lớp trong xã hội mà còn luôn “đậm đà” bản sắc riêng dân tộc.
Cao Phương