Theo cung đường Mường Tè nối Mường Nhé, len lỏi giữa màu xanh thẫm đại ngàn và dòng suối Nậm Ma để hướng tới A Pa Chải thuộc xã Sín Thầu huyện Mường Nhé - Điện Biên, cũng là địa bàn định cư của dân tộc Hà Nhì. Ở đây có cột mốc 0 (không số) A Pa Chải, giao điểm đường biên giới 3 nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc nằm trên đỉnh núi Khoan La San ở độ cao 1.864 mét so với mặt biển, được ví là điểm ngắm nhìn ánh hoàng hôn cuối cùng phía cực Tây lãnh thổ Việt Nam.
Hiện nay đường lên cột mốc không số A Pa Chải đã dễ dàng hơn nhiều so với cách đây vài năm, đó là nhờ vào con đường công vụ men theo sườn núi đã được trải bê tông đến gần tới đỉnh, đoạn còn lại dài khoảng 5 km, khách sẽ theo lối mòn xuyên qua rừng. Sau vài ba tiếng đồng hồ mướt mồ hôi vì leo dốc, luồn lách dưới vòm cây rừng, khách được chạm tay vào cột mốc giữa tứ bề lộng gió và những đám mây lúc trôi lơ lửng. Đó là khoảnh khắc thật khó quên trong đời.
Cuối hành trình, du khách lên thuyền trôi xuôi trên sông Đà từ thị xã Mường Lay - Điện Biên đến huyện Quỳnh Nhai - Sơn La, chặng đường dài 100km. Đó là khúc đoạn đẹp nhất trong tổng chiều dài 543km của sông Đà chảy vào lãnh thổ Việt Nam. Có lúc dòng sông uốn mình lả lướt theo thế núi, cũng có lúc nó mở rộng bao bọc nhiều hòn đảo nhấp nhô. Đây đúng là những trái núi xưa kia, nay bị nhấn nửa chìm, nửa nổi trong lòng hồ thủy điện. Hai bên bờ, những bản làng dân tộc Thái với những nếp nhà sàn lấp ló mà ở đó, mỗi bản làng, bến nước, đều chứa đựng những câu chuyện xưa.
Hải Nam