Đến Yên Tử, du khách được trở về sự kiện lịch sử vào thế kỷ 13, đức vua Trần Nhân Tông sau khi chiến thắng giặc ngoại xâm Nguyên Mông đã nhường ngôi cho thái tử Anh Tông, lên núi Yên Tử lập nên thiền phái Trúc Lâm. Núi Yên Tử từ đó trở thành Phật địa, thánh địa của Phật giáo nước nhà: “Thanh danh Yên Tử truyền Nam Bắc, Chính pháp Trúc Lâm trụ đất trời”.
Danh thắng Yên Tử hội tụ hàng trăm điểm di tích lịch sử và thắng cảnh lôi cuốn du khách. Tọa lạc dưới chân núi là Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử xây trên nền dấu tích của chùa Lân - nơi xưa kia Đức Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông từng hành đạo, đây là công trình thiền viện lớn nhất Việt Nam. Con đường hành hương lên núi phải vượt qua chiều dài đường bộ khoảng 6.000m, bắt đầu từ suối Giải Oan. Chùa Phù Vân nằm ở độ cao 543m, với hàng cây tùng cổ tương truyền được trồng từ khi vua Trần Nhân Tông lên tu hành trên Yên Tử. Phía trên, ở độ cao 700m là chùa Vân Tiêu lẩn khuất trong mây bên triền núi. Đi qua khu vực tượng An Kỳ Sinh, du khách được chiêm ngưỡng pho tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông bằng đồng nguyên khối, tọa lạc sừng sừng giữa trời, mới được đúc và khánh thành cuối năm 2013, với khối lượng đồng lớn hơn 138 tấn, chiều cao tượng 12,6m. Ngự ở trên đỉnh núi Yên Tử là chùa Đồng, được khởi dựng vào thời nhà Hậu Lê với tên gọi Thiên Trúc tự. Vào năm 2007, chùa Đồng mới được đúc hoàn toàn bằng đồng nguyên chất, khối lượng 60 tấn (cao 3m, rộng 12m²). Rải đều trên các cung bậc của hành trình Yên Tử là những cụm kiến trúc chùa, bia, am, tháp cổ... như hòn Ngọc, vườn Tháp, khu tháp Tổ, chùa Bảo Sái, am Thiền Định, chùa Một Mái, am Lò Rèn, tượng An Kỳ Sinh, bia Phật, thác Ngự Dội, thác Vàng, thác Bạc, Cổng trời, đường Tùng, rừng Trúc, chùa Trình, chùa Suối Tắm, chùa Cầm Thực…
Hành trình lên Yên Tử ngày nay đã có 2 hệ thống cáp treo, từ chùa Giải Oan lên chùa Hoa Yên và từ Hoa Yên lên Cổng Trời. Cứ nghĩ phần lớn du khách sẽ đi cáp treo, nhưng thực tế trên đường leo bộ đoạn nào cũng đầy ắp người trẩy hội, cho dù phải mất tới 5 - 6 giờ để leo núi. Đường đi dần dần dốc cao, vực thẳm, mồ hôi vã ra trên từng khuôn mặt. Trò chuyện với nhiều người mới biết, họ từ chối cáp treo không phải vì sợ tốn tiền, mà bởi vì sau mỗi bước đi, khách hành hương tự nâng đôi chân của mình lên một tầng cao mới. Phật dạy: “Khắc đi, khắc đến”. Mọi người hành hương về Yên Tử vẫn tâm niệm một điều, dù mệt mỏi, gian khổ đến mấy cũng phải leo bộ lên đỉnh thiêng bằng mọi giá. Người ta tin rằng với một lòng hướng Phật thì đức Phật sẽ gia hộ cho đôi chân cứng cáp đủ sức vượt mọi gian nan.
Đứng ở độ cao 1.068m trên đỉnh núi, nơi chùa Đồng tọa lạc, du khách căng mình hít thở khí trời và thỏa mắt ngắm nhìn bình yên trần thế dưới kia, bao quát cả vùng Đông Bắc rộng lớn.
Với hàng chục ngôi chùa, hàng nghìn di vật giá trị giữa rừng núi reo thác đổ, Yên Tử là kho tàng văn hóa và lịch sử của dân tộc. Chính phủ đã phê duyệt Đề án mở rộng quy hoạch danh thắng Yên Tử. Theo đề án, tổng diện tích tự nhiên được quy hoạch và phân vùng của Khu di tích danh thắng Yên Tử được mở rộng lên tới 9.295ha, trong đó vùng bảo vệ đặc biệt là 2.777ha. Trong địa phận danh thắng Yên Tử sẽ quy hoạch 5 khu chức năng: khu vực di tích, khu công trình và dịch vụ du lịch, công trình hạ tầng xã hội, công trình quản lý, các khu nhà ở.
Đại diện lãnh đạo Công ty cổ phần Phát triển Tùng Lâm cho biết, hiện nay công ty đang định hướng quy hoạch lại các sản phẩm du lịch để nâng cấp, đầu tư mới các dịch vụ du lịch tại Khu du lịch Yên Tử. Tất cả các dịch vụ, nhà hàng sẽ được thu vào một mối tại Làng hành hương. Bên cạnh đó, công ty đang đẩy mạnh nâng cao chất lượng phục vụ, đa dạng sản phẩm dịch vụ. Một điều đáng mừng là, những năm gần đây, không chỉ có khách nội địa, mà khách quốc tế đến với non thiêng Yên Tử đang tiếp tục tăng mạnh, chủ yếu là khách Hàn Quốc (chiếm tới 95% khách quốc tế đến với Yên Tử). Vì vậy, công ty sẽ tăng cường quảng bá, truyền thông để hướng tới mở rộng các thị trường khách Nhật Bản, Trung Quốc, châu Âu...
Mỗi năm, khu di tích danh thắng Yên Tử đón trên 2 triệu lượt khách đến tham quan du lịch. Năm 2012, Yên Tử đã được Chính phủ công nhận Di tích quốc gia đặc biệt, rừng Yên Tử cũng đã trở thành Rừng quốc gia. Hiện tỉnh Quảng Ninh đang phối hợp với tỉnh Bắc Giang hoàn thiện hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận nơi đây là Di sản thế giới. |
Chu Minh Khôi
Tạp chí Du lịch