Nhu cầu cấp thiết
Từ cuối tháng 3/2020 cho đến nay, toàn bộ các đường bay quốc tế đến và đi Việt Nam bị ảnh hưởng lớn do tác động của dịch COVID-19. Các chuyến bay chỉ được cấp theo hình thức chiều từ Việt Nam đi được chở khách và hàng hóa, chiều trở về Việt Nam chỉ được chở hàng và chỉ được chở khách khi được cấp có thẩm quyền của Việt Nam chấp thuận. Do đó, các chuyến bay quốc tế kết nối với Việt Nam chỉ khai thác nhỏ giọt, số lượng chuyến bay và điểm đến bị hạn chế.
Trong khi đó, nhu cầu đi lại, thông thương quốc tế là rất lớn. Theo Phó Cục trưởng Cục Hàng không Võ Huy Cường, nhu cầu của công dân Việt Nam về nước tính đến tháng 9/2021 là khoảng 200.000 người, cùng với đó là nhiều người nước ngoài làm việc ở Việt Nam và thân nhân của họ muốn đến Việt Nam để thăm thân. Tuy nhiên, số chuyến bay trọn gói hạn chế không đáp ứng được nhu cầu. “Trong 2 quý đầu năm 2022 có khoảng nửa triệu khách sẽ đến Việt Nam", ông Võ Huy Cường dự tính.
Mặt khác, Việt Nam là một trong 20 nước trên thế giới có số liều vaccine tiêm chủng nhiều nhất, đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á, thứ 7 châu Á và là một trong nhóm 3 nước có tốc độ tiêm nhanh nhất thế giới tính theo số liệu tiêm theo ngày và theo tuần. Việt Nam cũng tạm thời công nhận mẫu giấy chứng nhận tiêm chủng, hay còn gọi là “hộ chiếu vaccine” của 72 quốc gia, vùng lãnh thổ. Những lợi thế này giúp Việt Nam đứng trước cơ hội thu hút du khách quốc tế, khi du khách có xu hướng tìm kiếm những điểm đến vừa an toàn, vừa có thể giúp họ kết nối lại với thiên nhiên.
Có thể thấy, việc khôi phục các đường bay quốc tế không chỉ góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hàng không, giải quyết nhu cầu di chuyển bị đè nén của thị trường. Điều này còn đóng vai trò khơi thông các mạch giao thương của cả nền kinh tế, tạo lực đẩy cho các ngành nghề hồi phục phát triển, đặc biệt là du lịch – ngành đã chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch trong gần 2 năm qua.
Hãng bay chuẩn bị kế hoạch kỹ càng
Từ cuối quý IV/2021, Chính phủ đã cho phép khai thác thí điểm các chuyến bay quốc tế trọn gói chở người Việt về nước và thí điểm đón khách du lịch tới một số địa phương theo kế hoạch của Bộ Giao Thông Vận tải (GTVT).
Trong đó, các chuyến bay chở công dân Việt Nam về nước tự trả chi phí cách ly (combo) thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Ngoại giao, còn các chuyến bay thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến một số địa phương như Kiên Giang, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Nam… thực hiện kế hoạch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL).
Giữ vai trò cầu nối, vận chuyển khách từ các thị trường nguồn đến Việt Nam, một số hãng hàng không đã cho thấy sự chuẩn bị kĩ càng và phản ứng nhanh nhạy, sẵn sàng nối lại ngay các đường bay quốc tế theo các kế hoạch, quy định của Chính phủ.
Theo ông Nguyễn Mạnh Quân, Phó Tổng Giám đốc thường trực Bamboo Airways, hãng hàng không này đã thực hiện các chuyến bay quốc tế về Việt Nam theo nhiều hình thức. Phần lớn các chuyến bay sau một quy trình test, cách ly nghiêm ngặt đều đảm bảo an toàn, rất hy hữu mới có trường hợp phát sinh. Đây là điều kiện quan trọng để bước vào giai đoạn mở cửa đón khách quốc tế cũng như tham gia vào quá trình phục hồi sản xuất trong bối cảnh mới, ông khẳng định.
Trong giai đoạn thí điểm đón khách quốc tế, Bamboo Airways tiếp tục khai thác loạt chuyến bay charter kết nối Jeolla Nam (Hàn Quốc) - Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), Cheonju (Hàn Quốc) – Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), kéo dài từ quý IV/2021 đến quý I/2022. Đồng thời, trong giai đoạn này, hãng đẩy mạnh triển khai các sản phẩm thường lệ và thuê chuyến, tích cực đàm phán, làm việc với các đối tác và các địa phương để sớm thúc đẩy toàn bộ các tuyến đường bay Bắc Á, châu Âu, Mỹ, Úc…
Với lợi thế là hãng hàng không được thừa hưởng hệ sinh thái nghỉ dưỡng 5 sao của Tập đoàn FLC, Bamboo Airways cũng tập trung phát động khách tới các điểm đến du lịch nơi có quần thể nghỉ dưỡng của Tập đoàn FLC để mở rộng thực hiện các chuyến bay trọn gói kết hợp bay – nghỉ dưỡng 5 sao, góp phần hỗ trợ quá trình hồi phục du lịch của các địa phương.
Thao Lam
“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”