Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy
Những tháng đầu năm 2016, tình hình hoạt động của tội phạm ma túy trên địa bàn TP. Hà Nội vẫn tiềm ẩn và diễn biến phức tạp. Trên các tuyến trọng điểm về ma túy như tuyến Tây Bắc, Đông Bắc, tuyến Miền Trung qua các cửa khẩu biên giới Việt - Lào, Việt - Trung, hoạt động tội phạm mua bán, vận chuyển ma túy số lượng lớn về qua địa bàn Hà Nội và đi các tỉnh khác tiêu thụ diễn biến phức tạp. Tội phạm ma túy trên tuyến bưu điện, qua chuyển phát nhanh có chiều hướng diễn biến phức tạp. Tội phạm mua bán, vận chuyển và tổ chức sử dụng ma túy tổng hợp tiếp tục gia tăng. Trong quý I/2016, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy của thành phố đã khám phá, xử lý 437 vụ, 630 đối tượng liên quan đến ma túy tổng hợp chiếm 54,83% tổng số vụ bắt giữ trong quý, so với cùng kỳ năm 2015 tăng 95 vụ, 145 đối tượng.
Công an thành phố Hà Nội đã chủ động phối hợp với các cấp, các ngành chính quyền địa phương, các phương tiện thông tin đại chúng thực hiện công tác tuyên truyền giáo dục phòng, chống ma túy nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về hiểm họa, tác hại của tệ nạn ma túy để người dân tự phòng ngừa. Đồng thời, phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, phòng, chống tội phạm góp phần ngăn chặn, kiềm chế, tiến tới làm giảm tội phạm ma túy và giảm người nghiện ma túy. Nhờ đó, trên các địa bàn trọng điểm, phức tạp về tệ nạn ma túy, hoạt động mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy cơ bản đã được kiềm chế.
Về người nghiện ma túy, Hà Nội hiện có 14.236 người nghiện. Trong đó, số người có mặt tại cộng đồng là 7.452; vắng mặt là 1.356; ở các cơ sở cai nghiện là 3.233; ở trường trại là 2.195. So với cùng kỳ năm 2015 giảm 1.420 người nghiện và so với cuối năm 2015 giảm 180 người nghiện. Theo kết quả theo dõi di biến động người nghiện, tốc độ tăng người nghiện mới đã được kiềm chế, số người mắc nghiện heroin phát hiện ít. Hiện, toàn thành phố, có 8.636 đối tượng tù tha, đặc xá, hoãn thi hành án các tội về ma túy hiện đang ở cộng đồng. 3 tháng đầu năm, toàn thành phố đã đưa được 50/500 người đi cai nghiện bắt buộc, đạt 10% chỉ tiêu năm.
Việc đưa người nghiện mà túy không có nơi cư trú ổn định vào lưu trú tạm thời trong thời gian chờ lập hồ sơ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đã dần đi vào nề nếp. Các quận, huyện, thị xã đã vận động 425 người đi cai nghiện tự nguyện, đạt 28,3% kế hoạch năm. Sở Lao động- Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo các Cơ sở - Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động Xã hội xây dựng phương án tổ chức điều trị bằng Methadone. Tính riêng trong quí 1 đầu năm 2016, Trung tâm Chữa bệnh Giáo dục Lao động Xã hội số 5 tiếp nhận điều trị Methadone cho 24 người và hiện đang duy trì điều trị cho 102 người. Ngành Lao động Thương binh và Xã hội cũng đã tư vấn về kiến thức cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy cũng như phòng, chống tái nghiện, các phương pháp phòng ngừa lây nghiện HIV/AIDS cho người nghiện và thân nhân người nghiện.
Tăng cường công tác phòng, chống mại dâm
Cùng với ma túy, mại dâm đang được xem là tệ nạn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống xã hội. Hiện, trên địa bàn Hà Nội có 17 điểm, tụ điểm mại dâm. Trong đó, 7 tụ điểm mại dâm công cộng, 10 tụ điểm trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm. Hơn 5.000 cơ sở kinh doanh có điều kiện nhạy cảm về an ninh trật tự như: vũ trường, cơ sở kinh doanh bar rượu có nhạc mạnh, cơ sở kinh doanh karaoke, nhà nghỉ, khách sạn, quán cắt tóc gội đầu thư giãn, cà phê đèn mờ, cơ sở tắm nóng lạnh… Tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ, có cả đội ngũ xe ôm chuyên phục vụ chở tiếp viên cung ứng cho các quán karaoke, nhà nghỉ, vũ trường… diễn ra nhiều nhất ở khu vực đường Láng, Nguyễn Chí Thanh, Nguyên Hồng, Thái Thịnh, Cát Linh, Giảng Võ, Yên Phụ đặc biệt vào giờ cao điểm từ 17h - 23h. Những hiện tượng trên đang diễn ra công khai, gây bức xúc. Các tuyến đường trên địa bàn quận, huyện khác cũng tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp về hoạt động mại dâm…
Do đó, thời gian qua, các ngành, đơn vị liên quan đã tích cực vào cuộc, đưa ra nhiều phương án nhằm tăng cường công tác, phòng chống mại dâm. Trong đó, tập trung vào kiểm tra, triệt phá, xóa các tụ điểm mại dâm cũng như xét xử các trường hợp vi phạm. Cụ thể, các Đội kiểm tra liên ngành 17, quận, huyện, thị xã đã kiểm tra 58 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ, phát hiện 7 lượt cơ sở vi phạm, chiếm tỷ lệ 12%. Công an các cấp đã phát hiện, đấu tranh, triệt phá 57/240 vụ án liên quan đến hoạt động mại dâm, đạt 23,8% kế hoạch năm; bắt giữ 235 đối tượng, trong đó, xử lý hành chính 8 vụ - 181 đối tượng, xử lý hình sự 49 vụ - 54 đối tượng chứa chấp, môi giới tổ chức hoạt động mại dâm. So với cùng kỳ năm trước vượt 15,8%. Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý giải quyết 29 vụ - 31 bị cáo, xét xử 15 vụ - 17 bị cáo với tội danh chứa chấp, môi giới mại dâm, trong đó, xét xử lưu động 13 vụ - 13 bị cáo, xét xử điểm 2 vụ - 4 bị cáo.
Bên cạnh đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường tổ chức khảo sát, nắm bắt tình hình hoạt động mại dâm công cộng và trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện trên địa bàn. Sau khảo sát, đã chỉ đạo các Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội các quận, huyện có các điểm, tụ điểm, cơ sở còn hoạt động mại dâm chủ động, phối hợp chặt chẽ cùng chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra, xử phạt nghiêm theo qui định của pháp luật về phòng, chống tệ nạn mại dâm; tổ chức chốt 24/24 tại các điểm, tụ điểm phức tạp về hoạt động mại dâm để giữ vững trật tự xã hội trên địa bàn.
PV