Đây là nội dung trong Kế hoạch số 159 của UBND TP vừa ban hành về tổ chức Thí điểm không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận.
Theo đó, không gian đi bộ khu vực Hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận bao gồm các tuyến phố: Đinh Tiên Hoàng, Lê Lai, Lê Thạch, Đinh Lễ, Nguyễn Xí, Tràng Tiền (đoạn từ Ngô Quyền đến Đinh Tiên Hoàng), Hàng Khay, Lê Thái Tổ (một nửa đường phía Hồ Hoàn Kiếm đoạn từ Hàng Trống đến Hàng Khay), Lò Sũ, Hàng Dầu (đoạn từ ngã tư Lò Sũ - Hàng Dầu đến Đinh Tiên Hoàng), khu vực Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, Trần Nguyên Hãn (từ Đinh Tiên Hoàng đền Lý Thái Tổ), Lương Văn Can (đoạn từ Hàng Hành đến Lê Thái Tổ), Bảo Khánh (đoạn từ ngõ Bảo Khánh đến Lê Thái Tổ), Hàng Bài (đoạn từ Hai Bà Trưng đến Tràng Tiền).
Trong đó, không gian tổ chức các hoạt động chính diễn ra tại Khu vực tượng đài Lý Thái Tổ, khu vực vườn hoa đền Bà Kiệu, khu vực quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, khu vực số 16 Lê Thái Tổ, khu vực tượng đài Vua Lê Thái Tổ, cầu Thê Húc.
Tại các khu vực này sẽ diễn ra các hình thức hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể thao; biểu diễn nghệ thuật truyền thống (ca trù, hát chèo...), nhạc cụ dân tộc và hòa nhạc, triển lãm tranh tại khu vực Nhà Bát Giác, khu vực Đền Ngọc Sơn, đền Bà Kiệu; biểu diễn văn hóa, nghệ thuật truyền thống, hoạt động thể thao và hoạt động trải nghiệm trò chơi dân gian, chương trình dành cho trẻ em, thanh thiếu niên tại khu vực trước tượng đài Cảm Tử; biểu diễn múa rối nước tại Nhà hát Múa Rối Thăng Long; biểu diễn nghệ thuật ánh sáng tại khu vực quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục; biểu diễn văn hóa, nghệ thuật truyền thống tại khu vực tượng đài Vua Lê Thái Tổ, đền Bà Kiệu, cầu Thê Húc.
Theo UBND TP. Hà Nội, việc thí điểm phố đi bộ vào cuối tuần nhằm xây dựng và duy trì không gian mang tính cộng đồng, cải thiện môi trường sống, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể góp phần bảo tồn, tôn vinh và giới thiệu vê lịch sử, văn hóa và con người Hà Nội;
Việc tổ chức không gian phố đi bộ nhằm tạo lập các hoạt động văn hóa, du lịch, thương mại, tinh hoa ẩm thực khu vực Hồ Hoàn Kiếm và nghiên cứu mở rộng sang khu vực phố cổ, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, vui chơi giải trí của người dân Thủ đô, du khách trong và ngoài nước.
Để tổ chức thí điểm phố đi bộ, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị liên quan bảo đảm các điều kiện về an ninh trật tự, an toàn phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường; tổ chức phân luồng giao thông, bổ trí các bãi đỗ xe, gửi xe hợp lý; đảm bảo ổn định sinh hoạt của nhân dân và các hộ kinh doanh trong tuyến phố đi bộ.
UBND TP Hà Nội đã giao UBND quận Hoàn Kiếm chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh trật tự, triển khai các lực lượng công an, tự quản, tuần tra, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; phối hợp với Phòng CSGT Công an thành phố phân luồng giao thông, bố trí điểm trông giữ xe; điểm đỗ, dừng xe vận chuyển hàng khách du lịch; xây dựng và tổ chức triển khai các phương án trang trí tuyến phố đi bộ. Xây dựng các quy định và tổ chức quản lý thực hiện Quy định về giờ bán hàng, đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng…/.
Nguồn: dangcongsan.vn.