Đoàn khảo sát đã được giới thiệu giá trị đặc biệt về lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật và cảnh quan thiên nhiên của làng cổ Đường Lâm. Đoàn khảo sát một số mô hình homestay, trải nghiệm làm kẹo lạc, kẹo dồi Đường Lâm; tham quan thực tế tại thành cổ Sơn Tây, chùa Khai Nguyên, biệt thự Phan Thị; đi thuyền trên hồ Đồng Mô; khảo sát tại Làng Mít...
Thông qua hoạt động khảo sát, các công ty du lịch làm cơ sở xây dựng tour, tuyến, chương trình du lịch mới phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của du khách; tăng cường sự liên kết giữa Sở Du lịch với địa phương, doanh nghiệp trong phát triển sản phẩm du lịch theo hướng phong phú, đa dạng, chất lượng và hấp dẫn. Qua đó góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Các doanh nghiệp du lịch tham gia khảo sát đánh giá cao về tiềm năng phát triển du lịch, cảnh quan, môi trường, bản sắc văn hóa của Sơn Tây. Tuy nhiên, để nâng tầm cho các sản phẩm du lịch của Sơn Tây, thời gian tới chính quyền địa phương và các doanh nghiệp du lịch Sơn Tây cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho nguồn nhân lực địa phương nhằm thu hút ngày càng nhiều du khách. Các doanh nghiệp du lịch tại Sơn Tây cần tập trung xác định đối tượng khách để có sản phẩm dịch vụ phù hợp; tăng cường quảng bá xúc tiến và truyền thông; tạo ra sự kết nối với các doanh nghiệp; tạo thêm nhiều sản phẩm đa dạng để thu hút du khách; cần có chính sách công bố giá công khai...
Sơn Tây hội tụ nhiều thế mạnh để phát triển du lịch, khi chỉ cách trung tâm Hà Nội khoảng 40 km. Đây là mảnh đất trung tâm của xứ Đoài với dày đặc các di tích lịch sử. Trong đó có nhiều di tích mà tên gọi của nó gắn liền với tên đất, tên người Sơn Tây như: làng cổ ở Đường Lâm, đền Và, thành cổ Sơn Tây. Hệ thống cổ vật, di vật, thư tịch bên trong các di tích cũng rất đa dạng, phong phú, còn được lưu giữ tương đối nguyên vẹn, là nguồn tư liệu quý phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học, tham quan, tìm hiểu của du khách gần xa. Bên cạnh đó, Sơn Tây còn lưu giữ những giá trị văn hóa phi vật thể phong phú, độc đáo với 65 lễ hội truyền thống diễn ra quanh năm; trong đó lớn nhất là lễ hội đền Và được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đây là những sản phẩm thu hút khách, đặc biệt là khách du lịch quốc tế như Nhật Bản, Pháp... Bên cạnh các điểm du lịch về di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, tín ngưỡng, Sơn Tây còn có các khu du lịch nổi tiếng thu hút khách như khu du lịch Đồng Mô, khu du lịch sinh thái Xuân Khanh tiếp nối với các điểm du lịch sinh thái của Ba Vì...
Với lợi thế có hệ thống đường giao thông thuận lợi, đồng bộ với hai tuyến đường chạy qua là Quốc lộ 21A và Quốc lộ 32 kết nối với các vùng lân cận vì vậy, trong những năm qua lượng khách du lịch đến với thị xã ngày càng tăng góp phần đưa Sơn Tây trở thành một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn của Thủ đô.
Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, để nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch điểm đến thì một trong những yếu tố đóng vai trò then chốt đó là cần phải nâng cao nhận thức, kiến thức du lịch cho cộng đồng dân cư tại các điểm đến. Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức Chương trình Trao đổi kiến thức về du lịch cho cộng đồng dân cư Sơn Tây nhằm tuyên truyền về lợi ích du lịch đem lại, hướng dẫn kỹ năng phục vụ, giao tiếp đối với khách du lịch cho nhân dân, nghệ nhân, người bán hàng, người phục vụ tại các điểm du lịch trên địa bàn thị xã Sơn Tây. Hướng tới mục tiêu gìn giữ, phát huy giá trị di sản, văn hóa lịch sử, đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu để đông đảo du khách trong nước và ngoài nước tới tham quan, tìm hiểu các sản phẩm du lịch của địa phương, góp phần vào sự phát triển kinh tế của thị xã Sơn Tây và ngành du lịch Thủ đô.
Nhâm Hiền