Tại hội nghị, đại diện các tổ chức, câu lạc bộ, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, vận chuyển, các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, các khu, điểm tham quan du lịch… đã thảo luận, đóng góp ý kiến về việc xây dựng các sản phẩm du lịch kích cầu nội địa năm 2021; trao đổi về định hướng và giải pháp phát triển du lịch năm 2021 và các năm tiếp theo.
Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội Trương Quốc Hùng đề xuất giải pháp để cho người Hà Nội du lịch ngay tại Hà Nội mà không cần phải đi đến các tỉnh quá nhiều. Ngoài ra, Hà Nội hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch, nhất là các công ty lữ hành nhỏ và siêu nhỏ để có thể vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch. Với một số doanh nghiệp, dịch Covid-19 là lúc nhìn lại để tìm hướng đi thích hợp trong bối cảnh mới. Sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội, nhu cầu được đi du lịch trở lại của người dân sẽ tăng cao hơn, nhưng thay vì tự do lựa chọn những điểm đến theo sở thích như trước, du khách sẽ để tâm hơn đến yếu tố an toàn. Nắm bắt được sự thay đổi trong nhu cầu của du khách chính là cách để các doanh nghiệp du lịch có thể thiết kế những gói sản phẩm phù hợp, giúp du khách yên tâm về tâm lý và thoải mái khi trải nghiệm dịch vụ. Ðây cũng là cách giúp doanh nghiệp thích ứng trong tình hình mới.
Ông Nguyễn Văn Thịnh, Giám đốc Chi nhánh miền Bắc Vietnam Airlines chia sẻ, từ 28/3, Vietnam Airlines Group (gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO) sẽ tăng chuyến bay trên gần 30 đường nội địa. Các đường bay được tăng chuyến kết nối trực tiếp 15 điểm đến trên cả nước, bao gồm các thành phố lớn và điểm du lịch nổi tiếng như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Đà Lạt, Cam Ranh, Phú Quốc... Với kế hoạch tăng tần suất này, Vietnam Airlines Group sẽ bổ sung thêm từ 280 đến 400 chuyến bay mỗi tuần, tương đương 56.000 đến 80.000 ghế vào mạng đường bay nội địa. Các chuyến bay sẽ gia tăng sức kết nối cho mạng bay nội địa gồm 60 đường bay của Vietnam Airlines Group. Qua đó, các địa phương trên cả nước được tiếp thêm động lực mạnh mẽ để phục hồi giao thương, kinh tế sau ảnh hưởng của dịch bệnh. Bên cạnh đó, sự kiện Vietnam Airlines Festa hàng tháng được tổ chức tại phố đi bộ Hồ Gươm, nhận được sự chào đón nồng nhiệt bởi người dân thủ đô. Vietnam Airlines Festa là hoạt động thường kỳ được Vietnam Airlines tổ chức, nằm trong chuỗi chương trình hợp tác phát triển du lịch, văn hóa, xã hội giữa Vietnam Airlines và UBND Thành phố Hà Nội.
Ông cũng kỳ vọng vào sự kiện Lễ hội Kích cầu du lịch và giới thiệu Văn hóa Ẩm thực Hà Nội năm 2021 sẽ đón được lượng khách lớn từ khu vực miền Trung và miền Nam đến Hà Nội.
Để phát triển sản phẩm du lịch Hà Nội, các đại biểu đều nhấn mạnh, Hà Nội cần tạo ra những sản phẩm du lịch mới, đặc trưng của Thủ đô, đồng thời phù hợp các đối tượng khách nội địa khác nhau.
Ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist chia sẻ, để tăng tính hấp dẫn, khai thác tối đa tiềm năng du lịch Thủ đô, nhiều điểm đến của Hà Nội đã và đang xây dựng kế hoạch phát triển mô hình du lịch về đêm. Đây là hướng đi tất yếu nằm trong chiến lược phát triển du lịch của Thủ đô nhằm thu hút, “giữ chân” và tăng khả năng chi tiêu của du khách khi đến Hà Nội. Sản phẩm du lịch mới “Đêm linh thiêng - Sáng ngời tinh thần Việt” do Công ty Lữ hành Hanoitourist và Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò phối hợp thực hiện được đưa vào khai thác, đã tạo dấu ấn trong chiến dịch kích cầu du lịch Thủ đô sau khoảng thời gian gặp khó khăn vì dịch Covid-19. Đây là hoạt động du lịch về đêm đầu tiên tại các di tích của Hà Nội, mở ra khả năng khai thác tiềm năng mô hình này cho nhiều điểm di tích khác. Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Công ty Lữ hành Hanoitourist xây dựng sản phẩm du lịch đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”, khai thác sâu hơn những câu chuyện chưa từng được kể tại Hoàng thành Thăng Long.
Bà Nguyễn Thị Lê Hương, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, Giám đốc Chi nhánh Hà Nội chia sẻ, để có thể phục hồi trong năm 2021, ngành Du lịch Hà Nội cần chung tay với doanh nghiệp tổ chức cụ thể chương trình liên kết giữa hàng không, đường sắt và vận tải đường bộ; các đơn vị cung ứng dịch vụ, các đơn vị lữ hành và khách sạn, các điểm mua sắm… để triển khai gói kích cầu quy mô lớn với các sản phẩm, dịch vụ có chính sách giá tốt thu hút du khách. Cần có sự truyền thông không chỉ của các doanh nghiệp lữ hành, đơn vị du lịch mà cả của người dân Hà Nội để thu hút khách. Cần truyền thông cả năm trên hệ thống các đài truyền hình, báo chí để người dân hưởng ứng.
Phát biểu kết luận hội nghị, bà Đặng Hương Giang – Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội nhấn mạnh, để ứng phó với tình hình thực tế, quyết tâm thực hiện chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, thúc đẩy phát triển du lịch Hà Nội nhanh và bền vững trong thời gian tới, Sở Du lịch Hà Nội sẽ chung tay với doanh nghiệp để xây dựng các nhóm sản phẩm để kích cầu du lịch nội địa như: nhóm sản phẩm du lịch di sản; nhóm sản phẩm du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, sinh thái, làng nghề truyền thống (gắn với giáo dục, nông nghiệp); nhóm sản phẩm ẩm thực đặc trưng của Hà Nội; sản phẩm dành cho người Hà Nội tại các khách sạn 4 - 5 sao; tập trung xây dựng, triển khai các chuỗi sự kiện lễ hội du lịch đặc sắc, nổi bật như: Lễ hội kích cầu du lịch và giới thiệu văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2021; Festival Áo dài Hà Nội; Lễ hội quà tặng du lịch Hà Nội, Lễ hội ẩm thực...
“Thời gian tới, chúng tôi có kế hoạch tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá du lịch trên hệ thống báo đài, cổng thông tin điện tử; trọng tâm là hợp tác với Đài truyền hình Việt Nam triển khai quảng bá điểm đến du lịch Hà Nội trên kênh VTV1 (VTV Travel) và chương trình kích cầu, quảng bá du lịch Hà Nội trên kênh HTV; xây dựng các nhóm sản phẩm du lịch mới kích cầu du lịch nội địa; đồng thời, tổ chức các hoạt động liên kết phát triển sản phẩm du lịch và quảng bá chương trình du lịch kích cầu nội địa tại một số tỉnh, thành phố trọng điểm”, bà Đặng Hương Giang chia sẻ.
Nhâm Hiền