Cụ thể, khách quốc tế ước đạt 3.068.056 lượt, tăng xấp xỉ 26% so với cùng kỳ năm trước (khách quốc tế có lưu trú ước đạt 2.209.000 lượt, tăng gần 27% so với cùng kỳ năm 2017); khách du lịch nội địa ước đạt 10.125.000 lượt, tăng xấp xỉ 6% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ du khách ước đạt 39.212 tỷ đồng, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2017.
Như vậy, khách du lịch đến Hà Nội 6 tháng đầu năm 2018 tiếp tục đà tăng trưởng ổn định so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó khách du lịch quốc tế đến Hà Nội tiếp tục đà tăng trưởng rất tốt với mức tăng khoảng 26% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Sở Du lịch Hà Nội, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội từ gần 190 quốc gia và vùng lãnh thổ trong đó có nhiều khách đến từ các thị trường có khả năng chi trả cao như: Tây Âu, Úc, Bắc Mỹ, Đông Âu, Đông Bắc Á và nhiều thị trường khác.
Các thị trường du khách trọng điểm đến Hà Nội gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Anh, Đức, Úc, Thái Lan, Đài Loan, Malaysia, Singapore, Canada. Trong đó, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường khách du lịch hàng đầu đến Hà Nội.
Theo thống kê của một số điểm tham quan trên địa bàn thành phố, những tháng qua, lượng khách du lịch đến các điểm tham quan như: Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long, Bảo tàng dân tộc học, Khu di tích danh thắng Hương Sơn, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đền Ngọc Sơn, nhà hát múa rối Thăng Long… tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2017.
Theo số liệu báo cáo tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành tiêu biểu trên địa bàn thành phố, 6 tháng đầu năm, các đơn vị có mức tăng trưởng khá gồm: Công ty lữ hành Hanoitoursit, Công ty TNHH MTV Dịch vụ lữ hành Saigontourist tại Hà Nội, Công ty TNHH MTV du lịch Trâu Việt Nam, Chi nhánh Công ty CP Dịch vụ Du lịch Bến Thành tại Hà Nội, Công ty CP Du lịch và tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam - Vietravel Hà Nội, Công ty TNHH Vietrantour…
Cùng với đó, các cơ sở lưu trú trên địa bàn Hà Nội hoạt động khá tốt, ước công suất sử dụng buồng phòng 6 tháng đầu năm, trung bình khối khách sạn đạt 66,4%, tăng 2,8% so với 6 tháng đầu năm 2017; tăng 4,12% so với đầu năm 2018.
Đặc biệt, công suất khách sạn 5 sao tại Hà Nội vẫn luôn trên 80%, một số khách sạn đạt công suất cao như: JW Marriott đạt 95%, InterContinental Hanoi 96%, Melia Hanoi 88%, Golden Silk 91%, Hilton Garden Inn 93%...
Nhìn chung, cơ sở kinh doanh lưu trú trên địa bàn TP đã không ngừng cạnh tranh, có những chương trình khuyến mãi, đảm bảo chất lượng dịch vụ, đảm bảo an toàn an ninh trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, dịp Giỗ tổ Hùng Vương và nghỉ lễ 30/4 – 1/5...
Khối cơ sở lưu trú đảm bảo đầy đủ các điều kiện cơ sở vật chất để phục vụ tốt nhất cho du khách; thực hiện ��ầy đủ, công khai việc niêm yết giá; chấp hành các quy định, nội quy, quy trình, phương pháp tổ chức, triển khai phòng cháy chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất, chế biến đến bày bán, bảo quản...
PV