Trải qua hơn 1.000 năm tuổi, thủ đô Hà Nội mang dáng vẻ hiền hòa, thơ mộng, cùng với nét cổ kính, quyến rũ và những không gian thực sự bình yên. Với nhiều di sản văn hóa, lịch sử, kiến trúc giá trị, những lễ hội và làng nghề độc đáo, văn hóa ẩm thực phong phú cùng nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, Hà Nội đã nhiều lần được các tạp chí du lịch quốc tế bình chọn là điểm du lịch hấp dẫn nhất châu Á và thế giới.
Đến với Hà Nội, du khách có thể ngồi xích lô đi qua những phố phường rợp bóng cây xanh, dạo quanh hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm, hồ Trúc Bạch…, ngắm nhìn những công trình kiến trúc cổ. Muốn tìm kiếm những giây phút tự tại, du khách có thế đến những đền, chùa linh thiêng để thắp hương cầu nguyện… Hấp dẫn không kém là nét đẹp của khu phố cổ, nơi có những ngôi nhà ống nhỏ xinh, những đường phố nhỏ hẹp nhưng đa dạng các sản phẩm hàng hóa. Du khách cũng không thể bỏ qua Quảng trường Ba Đình - trung tâm chính trị của Việt Nam, Phủ Chủ tịch, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh… hay làng cổ Đường Lâm, Vườn quốc gia Ba Vì, Khu danh thắng Hương Sơn… Bên cạnh đó, văn hóa ẩm thực Hà thành với rất nhiều món ngon cũng là những điểm thu hút du khách.
Những điểm tham quan đặc sắc
Hoàng thành Thăng Long
Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội (bao gồm thành cổ Hà Nội và di tích Khảo cổ học 18 Hoàng Diệu) nằm giữa lòng thủ đô Hà Nội là một địa chỉ văn hóa tiêu biểu của thủ đô và cả nước, và là một Di sản văn hóa thế giới.
Hoàng thành Thăng Long là nơi ở, làm việc của vua và hoàng gia dưới triều đại Lý, Trần, Lê. Nơi đây đã diễn ra sự giao thoa các giá trị văn hóa của phương Đông và thế giới, là trung tâm chính trị, văn hóa, trung tâm quyền lực quốc gia trong suốt thời kỳ dài từ đầu thế kỷ 11 đến thế kỷ 18. Hệ thống các loại hình kiến trúc còn lại trên mặt đất và quần thể các dấu tích nền móng cung điện lầu gác cùng số lượng lớn các loại hình di vật độc đáo được khảo cổ học phát hiện dưới lòng đất tại Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là di sản vô cùng quý giá của dân tộc Việt Nam và nhân loại. Các di tích còn lại gồm: cột cờ, Đoan Môn, hậu Lâu, nền điện Kính Thiên, khu di chỉ khảo cổ 18 Hoàng Diệu...
Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Quần thể Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Khuê Văn Các đã trở thành biểu tượng của thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến, nơi tôn vinh những truyền thống văn hóa, giáo dục của dân tộc. Văn Miếu được xây dựng năm 1070, dưới triều vua Lý Thánh Tông để thờ Khổng Tử - người sáng lập Nho giáo. Quốc Tử Giám được khởi lập năm 1076 là nơi học tập của con em hoàng thân và văn thần tại Kinh đô. Trải qua hơn 900 năm với bao thăng trầm của lịch sử, sau nhiều lần tu sửa, mở rộng, di tích hiện nay vẫn còn giữ được những nét kiến trúc của thời Lê và thời Nguyễn. Đặc biệt, hệ thống 82 văn bia tiến sỹ lưu danh của hơn 1.300 vị tiến sỹ từ năm 1442 đến năm 1779 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu thế giới. Đây là những pho sử liệu bằng đá vô cùng độc đáo và quý hiếm, cung cấp những tư liệu quý giá về lịch sử khoa cử Việt Nam và chứa đựng nhiều giá trị văn hóa khác.
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là nơi đặt thi hài của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được chính thức khởi công ngày 2/9/1973, tại vị trí của lễ đài cũ giữa Quảng trường Ba Đình - nơi Bác Hồ đã từng chủ trì các cuộc mít tinh lớn.
Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, thể theo nguyện vọng của nhân dân Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định xây dựng lăng và Bảo tàng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được kiến trúc sư người Nga thiết kế theo kiến trúc nguyên bản với Lăng Lê Nin. Quanh lăng trồng nhiều hàng cây đặc trưng cho các vùng nông thôn miền núi Việt Nam như tre Cao Bằng, chò nâu đền Hùng, hoa ban Điện Biên. Giá trị đặc biệt của công trình là vật liệu xây dựng được đưa về từ khắp mọi miền đất nước. Cát được lấy từ suối Kim Bôi ở Hòa Bình, đá cuội lấy từ suối Sơn Dương - Chiêm Hóa, đá nhồi từ Thanh Hóa, đá hoa từ chùa Thầy và đá đỏ từ Ngũ Hành Sơn, cùng 16 loại gỗ quý ở Trường Sơn.
Di tích lịch sử Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
Di tích lịch sử Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là nơi sống và làm việc lâu nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh (từ ngày 19/12/1954 đến 2/9/1969), được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng cấp quốc gia năm 1975 và được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt năm 2009. Một số công trình có giá trị lớn trong khu di tích như: nhà sàn Bác Hồ, nhà 54, phòng họp Bộ Chính trị, nhà 67, giàn hoa Phủ Chủ tịch, nhà bếp A và nhà bếp B, nhà Thủ tướng, nhà ký sắc lệnh, đường Xoài, đường mòn Bác Hồ, ao cá Bác Hồ.
Bảo tàng Hồ Chí Minh
Bảo tàng Hồ Chí Minh là công trình văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Công trình được khởi công xây dựng ngày 31/8/1985 và khánh thành vào đúng ngày 19/5/1990, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tòa nhà mang biểu tượng bông sen trắng tượng trưng cho cuộc đời giản dị, thanh cao của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời thể hiện lòng kính trọng, biết ơn sâu sắc của nhân dân Việt Nam đối với vị lãnh tụ kính yêu.
Hồ Hoàn Kiếm - đền Ngọc Sơn
Di tích lịch sử và danh thắng hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn là Di tích quốc gia đặc biệt, một trong những biểu tượng văn hóa đặc sắc của thủ đô Hà Nội.
Hồ Hoàn Kiếm nằm ở giữa lòng thành phố, có diện tích khoảng 12ha, được bao quanh bởi phố Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ, Hàng Khay dài khoảng 1.800m. Mặt hồ là tấm gương lớn soi bóng những cây cổ thụ, những rặng liễu thướt tha bóng rủ, những mái đền, chùa cổ kính, các tòa nhà mới cao tầng vươn lên trời xanh. Hồ Hoàn Kiếm có nghĩa là hồ trả gươm, dân gian gọi tắt là hồ Gươm. Tên gọi đó xuất hiện từ một truyền thuyết thời vua Lê Thái Tổ, thế kỷ 15. Tương truyền rằng, nhà vua trước đây đã được trời ban cho thanh gươm báu để giúp đánh thắng giặc Minh giải phóng non sông đất nước. Một năm sau khi đuổi giặc Minh, một hôm vua Lê Lợi cưỡi thuyền rồng dạo quanh hồ Tả Vọng, Long Quân sai rùa vàng lên đòi lại thanh gươm thần. Khi chiếc thuyền rồng tiến ra giữa hồ, tự nhiên có một con rùa lớn nhô đầu và mai lên khỏi mặt nước. Rùa vàng nhô đầu lên cao, tiến về phía thuyền vua và nói: “Xin bệ hạ hoàn gươm lại cho Long Quân!”. Vua rút gươm quẳng về phía rùa vàng. Nhanh như cắt, rùa há miệng đớp lấy thanh gươm và lặn xuống nước. Từ đó hồ Tả Vọng bắt đầu mang tên là hồ Gươm hay hồ Hoàn Kiếm.
Tháp Rùa là một công trình kiến trúc của hồ Gươm. Tháp có tên chữ là: Quy Sơn tháp, tức là tháp Núi Rùa (vì là đảo đất tự nhiên vào ngày hè rùa thường lên phơi nắng và đẻ trứng). Tháp Rùa được khởi công xây dựng vào khoảng năm 1884 - 1886. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Tháp Rùa đã trở thành hình ảnh quen thuộc đối với mỗi người dân Hà Nội và du khách thập phương. Ngôi tháp được xây dựng trên một gò đất rộng khoảng 350m2, theo hình vuông có 3 tầng, tầng dưới xây rộng hơn, rồi thu nhỏ dần lên tầng trên, là sự kết hợp phong cách kiến trúc châu Âu với hàng cửa cuốn gothic hai tầng dưới nhưng phần mái cong giữ quy thức kiến trúc Việt Nam.
Đền Ngọc Sơn tọa lạc trên đảo Ngọc trong hồ Hoàn Kiếm, thờ Thánh Trần Hưng Đạo và Quan Vũ Đế cùng hai vị võ tướng được xếp vào hàng “Thánh”. Đền Ngọc Sơn cũng là nơi chứng kiến những buổi tập thủy chiến của quân đội Đại Việt. Năm 1864, nhà nho yêu nước Nguyễn Văn Siêu đã đứng ra tu sửa lại toàn cảnh. Trong đền, ông đề cao việc thờ thần Văn Xương, vị sao chủ trông nom khoa cử theo tín ngưỡng Đạo giáo. Ông cho xây kè đá ở chân đảo, dựng đình Trấn Ba ngay trước đền và trông thẳng ra đảo Rùa. Kiến trúc hiện nay của đền Ngọc Sơn về cơ bản vẫn giữ được quy mô, kiểu dáng từ thời Nguyễn Văn Siêu tu sửa. Từ ngoài vào, các công trình kiến trúc của đền gồm: Nghi Môn ngoại, Tháp Bút, Nghi Môn nội, Đài Nghiên, cầu Thê Húc, cổng Đắc Nguyệt, đình Trấn Ba, nhà Tiền Tế, Trung đường, Hậu cung, Tả hữu vu, nhà Kính thư, nhà Hậu (phòng Rùa).
Nhà hát lớn Hà Nội
Nhà hát lớn Hà Nội được chính quyền thực dân Pháp xây dựng vào ngày 7/6/1901. Những người thiết kế công trình đã tìm tòi, tham khảo kiểu kiến trúc cổ Hy Lạp Coranhtơ kết hợp với kiểu lâu đài Tuylory và nhà hát Opera Paris để tạo nên một khối kiến trúc riêng biệt. Nhà hát lớn Hà Nội có giá trị rất lớn về mặt lịch sử, kiến trúc và giá trị sử dụng. Nó là bằng chứng lịch sử của sự phát triển văn hóa và xã hội của Hà Nội và Việt Nam thời kỳ Pháp thuộc, là di tích của một giai đoạn phát triển kiến trúc ở Việt Nam cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Nhà hát lớn Hà Nội và Quảng trường Nhà hát là nơi diễn ra những sự kiện lịch sử trọng đại gắn liền với cuộc Cách mạng tháng Tám và những năm đầu của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Công trình đã nhiều lần được nâng cấp và cải tạo, xứng tầm với vai trò là một trung tâm văn hóa tiêu biểu không chỉ của Hà Nội và cả nước mà còn cả khu vực Đông Nam Á.
Phố cổ Hà Nội
Khu phố cổ của Hà Nội được hình thành từ đầu thế kỷ 15, giới hạn bởi đường Hàng Đậu ở phía Bắc, đường Phùng Hưng ở phía Tây, đường Trần Nhật Duật và Trần Quang Khải ở phía Đông và phía Nam là các đường Hàng Bông, Hàng Gai, Cầu Gỗ và Hàng Thùng. Khu phố cổ Hà Nội còn được gọi là “Hà Nội 36 phố phường”. Đây chỉ là cách gọi ước lệ những phố và phường nằm cả bên trong và bên ngoài khu phố cổ ngày nay. Hiện nay, việc buôn bán ở khu phố cổ được phục hồi, phát triển và sầm uất hơn xưa. Nhiều ngôi nhà cổ được cải tạo đổi mới, dựng lại với nhiều kiểu cách; nhiều đình, đền, chùa được tu sửa. Một số nhà ở trong khu phố cổ được cải tạo thành khách sạn mini, quán ăn đặc sản, văn phòng du lịch, cửa hàng bán đồ lưu niệm. Đến với khu phố cổ Hà Nội, du khách sẽ có cơ hội được hòa mình vào cuộc sống thường nhật của người Hà Nội, trải nghiệm tuyến phố đi bộ và chợ đêm Đồng Xuân vào những buổi tối cuối tuần.
Làng cổ Đường Lâm
Đường Lâm (còn có tên là Kẻ Chợ) cách thị xã Sơn Tây 4km, gồm 9 làng: Mông Phụ, Đông Sàng, Đoài Giáp, Cam Thịnh, Cam Lâm, Phụ Khang, Hà Tân, Hưng Thịnh và Văn Miếu. Vùng đất này có lịch sử trên 1.200 năm là quê hương của Bố Cái đại Vương Phùng Hưng, Ngô Quyền, thám hoa Giang Văn Minh. Làng cổ ở Đường Lâm tiêu biểu cho làng cổ của người Việt còn giữ được nhiều đình, chùa, đền, miếu, nhà thờ họ và hàng trăm ngôi nhà cổ mang đặc trưng nhà ở dân gian vùng châu thổ sông Hồng. Đó là những ngôi nhà tiêu biểu về kiến trúc, vật liệu là gỗ, đá ong, lợp ngói ri... với nội thất và ngoại thất giữ nguyên kiểu dáng kiến trúc ban đầu. Đường Lâm còn nổi tiếng với các đặc sản như gà mía, gạo rí, lúa sọc, lúa sòi, nghề làm tương, kẹo bột, bánh tẻ.
Chùa Hương
Chùa Hương nằm ven bờ phải sông Đáy thuộc ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, là một quần thể văn hóa - tôn giáo Việt Nam, gồm hàng chục ngôi chùa thờ Phật, một số ngôi đền thờ thần, các ngôi đình thờ tín ngưỡng nông nghiệp. Trung tâm của cụm đền chùa tại vùng này chính là chùa Hương nằm trong động Hương Tích hay còn gọi là chùa Trong. Ngôi chùa được xây dựng với quy mô chính vào khoảng cuối thế kỷ 17 và được phục dựng lại năm 1988. Ngày mồng 6 tháng giêng hàng năm là ngày khai hội. Lễ hội thường kéo dài đến hạ tuần tháng 3 âm lịch. Vào dịp lễ, hàng triệu phật tử cùng du khách khắp bốn phương lại nô nức trẩy hội chùa Hương tìm về một miền đất Phật - nơi Bồ Tát Quan Thế Âm ứng hiện tu hành.
Chùa Trấn Quốc
Chùa Trấn Quốc được xây dựng từ thời Lý Nam Đế (541 - 547), có tên là Khai Quốc, là một trong những ngôi chùa cổ nhất ở Hà Nội nằm gần cuối đường Thanh Niên, quận Ba Đình, Hà Nội. Từng là trung tâm Phật giáo của Kinh thành Thăng Long vào thời Lý và thời Trần, với những giá trị về lịch sử và kiến trúc, chùa Trấn Quốc nổi tiếng là chốn cửa phật linh thiêng, là điểm thu hút rất nhiều tín đồ Phật tử, khách tham quan, du lịch trong và ngoài nước.
Thành Cổ Loa
Cổ Loa là kinh đô của nhà nước Âu Lạc thời An Dương Vương vào khoảng thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên và của nhà nước phong kiến dưới thời Ngô Quyền thế kỷ 10 sau Công nguyên. Thành Cổ Loa được các nhà khảo cổ học đánh giá là “tòa thành cổ nhất, quy mô lớn vào bậc nhất, cấu trúc cũng thuộc loại độc đáo nhất trong lịch sử xây dựng thành lũy của người Việt cổ”. Hàng năm, vào ngày 6 tháng giêng âm lịch, cư dân Cổ Loa tổ chức một lễ trang trọng để tưởng nhớ đến những người xưa đã có công xây thành, và ghi ơn đức vua An Dương Vương.
Bảo tàng dân tộc học Việt Nam
Bảo tàng dân tộc học Việt Nam tọa lạc trên khuôn viên có diện tích hơn 4ha, được khởi công xây dựng vào cuối năm 1987 và khánh thành vào năm 1997. Đây là công trình được thiết kế bởi kiến trúc sư Hà Đức Lịnh (dân tộc Tày) và nữ kiến trúc sư người Pháp Véronique Dollfus, gồm 3 khu vực trưng bày chính: khu trưng bày trong tòa Trống Đồng, khu trưng bày ngoài trời và khu trưng bày Đông Nam Á. Bảo tàng lưu giữ và trưng bày nhiều hiện vật văn hóa của cả 54 dân tộc Việt Nam. Trong khu ngoài trời của bảo tàng hiện có 10 công trình kiến trúc dân gian như: nhà rông của người Ba Na, nhà sàn dài của người Ê đê, nhà sàn của người Tày, nhà nửa sàn nửa đất của người Dao, nhà trệt lợp ván pơmu của người Mông, nhà trình tường của người Hà Nhì, nhà mồ tập thể của người Gia Rai và nhà mồ cá nhân của người Cơ Tu. Khu vực trước nhà Việt, vào các ngày thứ bảy và chủ nhật có biểu diễn rối nước của các phường rối dân gian đến từ các làng khác nhau.
Làng nghề truyền thống lụa Vạn Phúc
Nằm bên bờ sông Nhuệ, cách trung tâm Hà Nội khoảng 10km về phía Tây Nam, làng Vạn Phúc nổi tiếng về nghề dệt lụa tơ tằm từ ngàn năm trước. Lụa Vạn Phúc không giống bất kỳ một loại lụa nào được dệt ở các làng khác, bởi chất liệu mềm mại và độ tinh xảo trong từng đường tơ, từng họa tiết trang trí. Để tạo ra những loại sản phẩm tơ lụa tuyệt hảo nói trên, những thợ dệt thủ công đã phải trải qua một quy trình kỹ thuật phức tạp: tơ, hồ lụa, dệt, nhuộm, căng phơi… Mỗi khâu sản xuất đều phải tiến hành theo những quy trình khá nghiêm ngặt, đòi hỏi kỹ thuật cao và hết sức công phu. Làng Vạn Phúc hôm nay đã trở thành phường Vạn Phúc thuộc quận Hà Đông, vừa duy trì nghề dệt truyền thống của mình, vừa thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tìm hiểu nghề và mua sắm sản phẩm lụa tơ tằm.
Làng nghề truyền thống gốm sứ Bát Tràng
Làng gốm sứ Bát Tràng thuộc xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, có lịch sử tồn tại hàng trăm năm. Sản phẩm làng gốm sứ Bát Tràng rất phong phú, đa dạng nhưng nổi tiếng hơn cả là gạch và gốm. Gạch Bát Tràng có kích thước và màu sắc đặc trưng không lẫn với bất cứ loại gạch của một làng nghề nào trong cả nước. Gạch Bát Tràng còn hiện hữu trong các công trình kiến trúc của Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đình, đền, chùa, miếu, hồ, giếng của các làng xã Việt Nam trong cả nước. Cùng với gạch Bát Tràng, đồ gốm sứ Bát Tràng cũng nổi tiếng trong cả nước và quốc tế. Gốm sứ Bát Tràng có nhiều kiểu dáng, chủng loại, kích thước, phân loại theo chức năng, nhiều loại đã được xuất khẩu sang châu Âu, châu Mỹ, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam
Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam thuộc địa phận Đồng Mô, thị xã Sơn Tây, cách trung tâm thủ đô Hà Nội 40km về phía Tây. Đây là một quần thể không gian cảnh quan đẹp, sơn thủy hữu tình của vùng đồi núi Sơn Tây, Ba Vì và hồ Đồng Mô cùng thảm thực vật phong phú. Nơi đây được xem là một trung tâm hoạt động văn hóa - thể thao - du lịch mang tính quốc gia, nơi tập trung tái hiện, gìn giữ, phát huy và khai thác các di sản văn hóa truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam, không gian văn hóa từng dân tộc được tái hiện một cách đầy đủ, khá nguyên vẹn, chân thực và sống động thông qua hoạt động thực tế của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Lễ hội Hà Nội
Hà Nội không chỉ “gây thương nhớ” bởi không gian cảnh sắc hữu tình, những món ăn đậm đà độc đáo mà còn gây ấn tượng bởi những lễ hội đặc sắc. Lễ hội ở vùng đất nghìn năm văn hiến này thường mang đậm sắc màu văn hóa vùng đồng bằng sông Hồng và gắn liền với những huyền thoại thời kỳ dựng nước và giữ nước.
Lễ hội chùa Hương
Hội chùa Hương diễn ra trên địa bàn xã Hương Sơn, trong địa phận huyện Mỹ Đức. Ngày mồng 6 tháng giêng âm lịch hàng năm là ngày khai hội. Lễ hội thường kéo dài đến hạ tuần tháng 3 âm lịch. Nét độc đáo của hội chùa Hương là thú vui ngồi thuyền vãng cảnh lạc vào non tiên cõi Phật. Chính vì vậy, nói đến chùa Hương là nghĩ đến con đò - một dạng của văn hóa thuyền của cư dân Việt ngay từ thuở xa xưa. Và đến nay, ngày hội bơi thuyền ở chùa Hương luôn tạo cảm hứng mãnh liệt cho người đi hội.
Hội Gióng
Lễ hội đền Gióng được tổ chức tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn vào ngày 6 tháng giêng âm lịch. Theo truyền thuyết, sau khi đánh thắng giặc Ân, Phù Linh là nơi dừng chân cuối cùng của Thánh Gióng trước khi bay về trời. Để tưởng nhớ công lao của Đức Thánh, tại đây nhân dân đã xây dựng Khu di tích đền Sóc bao gồm 6 công trình, trong đó đền Thượng là nơi thờ Thánh Gióng và tổ chức lễ hội với đầy đủ các nghi lễ truyền thống như: Lễ mộc dục, Lễ rước, Lễ dâng hương, Lễ hóa voi và ngựa… Hội Gióng còn được tổ chức ở đền Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm - nơi sinh ra người anh hùng huyền thoại Thánh Gióng.
Hội gò Đống Đa
Hội gò Đống Đa diễn ra hàng năm vào ngày mùng 5 tháng giêng âm lịch tại gò Đống Đa, phường Quang Trung, quận Đống Đa. Đây là lễ hội được tổ chức để tưởng nhớ tới công tích lẫy lừng của vua Quang Trung - người anh hùng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Độc đáo nhất trong lễ hội là hình ảnh “con rồng lửa”. Thanh niên 2 làng Đồng Quang và Khương Thượng đua nhau bện rơm thành hình những con rồng lớn và trang trí bằng mo cau và giấy bồi. Một tốp thanh niên mặc những bộ trang phục giống nhau đi quanh đám rước rồng lửa và biểu diễn côn quyền nhằm tái hiện lại hình ảnh của chiến trận năm xưa, biểu dương khí thế của nghĩa quân Tây Sơn.
Ẩm thực
Là trung tâm văn hóa của cả miền Bắc từ nhiều thế kỷ, tại Hà Nội có thể tìm thấy và thưởng thức những món ăn của nhiều vùng đất khác, nhưng ẩm thực nơi đây cũng có những nét riêng biệt. Đến với Hà Nội, người ta không thể bỏ qua cơ hội thưởng thức những món ăn đặc trưng như cốm làng Vòng, phở Hà Nội, bún chả, bún thang, bánh cuốn Thanh Trì, chả cá Lã Vọng, bánh tôm Hồ Tây…
Được coi là điểm đến nhiều tiềm năng, Hà Nội là một trong những lựa chọn được ưu tiên hàng đầu của khách du lịch trong và ngoài nước. Những ai đã một lần đến Hà Nội đều cảm nhận được rằng ngoài sự hào hoa, tráng lệ của thủ đô ngàn năm văn hiến, nơi đây còn cổ kính và trầm mặc với những di tích trải dài rêu phong theo thời gian.
T.T