Khẳng định là điểm đến du lịch thành phố hàng đầu thế giới
Mục tiêu được đưa ra trong kế hoạch về phát triển du lịch thành phố Hà Nội năm 2023 nhằm thu hút đông đảo nhân dân, khách du lịch quốc tế và nội địa đến tham quan, trải nghiệm tại Hà Nội; tạo bước tăng trưởng, phát triển toàn diện du lịch Thủ đô đạt cả về quy mô và chất lượng dịch vụ, số lượng và cơ cấu khách du lịch đảm bảo tính bền vững.
Đồng thời, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về du lịch trên địa bản thành phố, giữ vững vai trò Hà Nội là trung tâm du lịch lớn của cả nước. Tiếp tục xây dựng hình ảnh du lịch Thủ đô Hà Nội là điểm đến "An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn" đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới, khẳng định là điểm đến du lịch thành phố hàng đầu thế giới.
Về định hướng phát triển du lịch Thủ đô, UBND TP. Hà Nội nhấn mạnh phát triển du lịch Hà Nội đảm bảo bền vững, hiệu quả, vừa là cửa ngõ đón và phân phối khách du lịch ở phía Bắc và cả nước; vừa là điểm đến du lịch "An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn". Tập trung các nguồn lực phát triển và hình thành các nhóm sản phẩm du lịch thực sự chuyên nghiệp, hấp dẫn có lợi thế, tiềm năng để phát triển đột phá giai đoạn tới bao gồm: du lịch văn hóa, du lịch MICE, du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch vui chơi giải trí - thể thao, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe.
Triển khai các giải pháp thu hút khách du lịch quốc tế; trong đó tập trung các giải pháp phục hồi thị trường khách du lịch Trung Quốc trên cơ sở đảm bảo và sẵn sàng phương án phòng, chống dịch COVID-19. Tập trung các giải pháp nhằm tăng mức chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch quốc tế thông qua các giải pháp: Định hướng khách du lịch tham gia vào các tuyến du lịch được đầu tư chuyên nghiệp, bài bản. Định hướng dòng khách du lịch sẽ tham gia các tuyến, hoạt động du lịch và có lưu trú tại khu vực ngoại thành thành phố như: Sóc Sơn, Ba Vì, Sơn Tây... trước khi đến tham quan du lịch khu vực trung tâm thành phố.
Khuyến khích phát triển các sản phẩm du lịch đêm, các hoạt động trải nghiệm gia tăng tại các nhóm sản phẩm du lịch truyền thống, ẩm thực, mua sắm. Phát triển và hình thành các sản phẩm quà tặng đặc sắc, độc đáo của du lịch Thủ đô. Thu hút và đầu tư các điểm bán sản phẩm du lịch quà tặng trên địa bàn thành phố.
Ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, di sản, các hoạt động trải nghiệm đêm
Về nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, Hà Nội sẽ rà soát quy hoạch, đầu tư phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật du lịch chuyên nghiệp, đồng bộ; quản lý, nâng cao chất lượng điểm đến, phát triển sản phẩm du lịch. Hà Nội sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp lữ hành, các điểm đến di tích, di sản tiếp tục xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch đêm, du lịch trải nghiệm mới trên nền tảng khai thác các giá trị truyền thống dân tộc; tổ chức rà soát, lựa chọn một số nhà cổ, công trình xây dựng tiêu biểu về kiến trúc, lịch sử trên địa bàn Thành phố (tập trung tại các quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Tây Hồ) khai thác thành các điểm tham quan du lịch...
Bên cạnh đó phối hợp các địa phương tập trung xây dựng, phát triển một số mô hình thí điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn tại các huyện: Đan Phượng, Thạch Thất, Thanh Trì, Mỹ Đức, Thường Tín, thị xã Sơn Tây...; khuyến khích các địa phương xây dựng sản phẩm OCOP lĩnh vực du lịch. Tập trung nâng cấp, phát triển các tuyến du lịch từ trung tâm thành phố đến làng nghề gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm); chùa Hương (huyện Mỹ Đức) kết nối với khu du lịch Tam Chúc (Hà Nam) - Tràng An (Ninh Bình); khu vực Sơn Tây - Ba Vì; Thạch Thất - Quốc Oai; Đông Anh - Sóc Sơn. Đẩy mạnh triển khai các loại hình du lịch mới gắn với thế mạnh của từng địa phương như: sản phẩm du lịch thể thao tại huyện Sóc Sơn, sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với chăm sóc sức khỏe tại các huyện: Ba Vì, Sóc Sơn, sản phẩm du lịch bay khinh khí cầu tại các quận: Tây Hồ, Long Biên, thị xã Sơn Tây...
Chú trọng phát triển sản phẩm du lịch golf, trong đó tập trung phát triển, hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch golf, nâng cao khả năng tiếp cận du lịch golf đối với du khách, tổ chức các giải đấu golf chuyên nghiệp, hấp dẫn, có thương hiệu, sức hút lớn, kết nối sản phẩm du lịch golf với các sản phẩm du lịch thế mạnh của các địa phương; nghiên cứu đầu tư phát triển, khai thác các tuyến du lịch đường thủy nội địa dọc sông Hồng, hồ Tây, hồ Đồng Mô... gắn với các điểm đến du lịch văn hóa, di sản, du lịch nông nghiệp, du lịch trải nghiệm tại các quận, huyện, thị xã. Trước mắt tập trung nghiên cứu tổ chức, khai thác tuyến bus Bến Bạc - Bát Tràng trong năm 2023.
Triển khai xây dựng, phát triển một số sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch trải nghiệm về đêm hấp dẫn phục vụ khách du lịch quốc tế. Đẩy mạnh phối hợp với các tỉnh, thành phố hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành xây dựng các tour du lịch kết nối, các gói sản phẩm du lịch hấp dẫn, với giá cả hợp lý phục vụ các nhóm khách đoàn; làm mới các hoạt động tại không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; phát huy hiệu quả tuyến phố đi bộ xung quanh hào Thành cổ Sơn Tây, phố Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ); tại khu đô thị Nam vành đai 3 (quận Hoàng Mai), tại khu vực hồ Thiền Quang - Công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng); khu phố ẩm thực đêm kết hợp phố đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã; phát triển các khu vực vui chơi giải trí về đêm hấp dẫn, chuyên nghiệp, đẩy mạnh các hoạt động trải nghiệm đêm tại các khu, điểm du lịch, tuyến phố đi bộ trên địa bàn thành phố.
Ngoài ra, Hà Nội tiếp tục tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến, hợp tác liên kết du lịch; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch; đẩy mạnh công tác chuyển đổi số ngành du lịch thủ đô.
Lan Phương