GSMap và MODIS trong giám sát diễn biến biến đổi khí hậu đến khu vực đồng bằng sông Cửu Long
Các nhà khoa học thuộc Trung tâm Vệ tinh quốc gia và Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã nghiên cứu đề xuất sử dụng một số dữ liệu viễn thám như: GSMap và MODIS trong giám sát diễn biến biến đổi khí hậu đến khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Nhận thức được sự tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long, những năm gần đây, đã có rất nhiều các nghiên cứu tập trung xây dựng các mô hình để dự báo các xu thế của biến đổi khí hậu và hệ quả của nó như: lượng mưa, tần suất lũ, hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng… theo các kịch bản phát thải khác nhau. Tuy vậy, các kịch bản biến đổi khí hậu dựa trên kết quả của nhiều mô hình động lực và mô hình thống kê và các kịch bản về phát thải, do vậy sẽ có những sai số nhất định.
Để có thể hiểu được mức độ sai số, cần phải có những đánh giá cụ thể, dựa trên những quan sát diễn biến thực của các hiện tượng cũng như những tác động của nó. Trong bối cảnh mạng lưới đo đạc, quan trắc tại Việt Nam cũng như khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung còn hạn chế, những thông tin thu thập để theo dõi và đánh giá diễn biến biến đổi khí hậu cũng như tác động của nó sẽ không toàn diện và kịp thời.
Trong khi đó, hệ thống vệ tinh quan sát trái đất trong những thập kỷ gần đây đã chứng tỏ những ưu thế vượt trội của độ bao phủ và độ phân giải không gian và thời gian, cung cấp những thông tin hữu ích một cách đồng nhất để giám sát, nghiên cứu khí quyển trái đất; đặc biệt, theo dõi và nghiên cứu biến đổi khí hậu ở quy mô toàn cầu cũng như khu vực. Qua quan trắc vệ tinh cho thấy, nhiệt độ và lượng mưa là hai yếu tố cơ bản nhất để mô tả điều kiện khí hậu của một khu vực. Trong điều kiện biến đổi khí hậu toàn cầu với những biểu hiện tăng nhanh nền nhiệt độ tại Việt Nam cũng ghi nhận những biểu hiện bất thường của mưa và nhiệt độ trên phạm vi cả nước.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nắm được những dự báo theo biến đổi khí hậu là nhiệm vụ quan trọng để chủ động thích ứng, nhưng đồng thời phải có những giám sát biến động và đánh giá diễn biến của biến đổi khí hậu thường xuyên và chi tiết để điều chỉnh kế hoạch ứng phó. Với những kết quả thu được từ hình ảnh vệ tinh, viễn thám cho thấy, tiềm năng ứng dụng khả quan của các dữ liệu GSMap, MODIS, Landsat… cho nhiều các giám sát liên quan đến sinh thái, môi trường, sản xuất của khu vực đồng bằng sông Cửu Long là công cụ quan trọng hỗ trợ cho việc dự báo nhiễm mặn và chất lượng nước phục vụ sản xuất.
PV