Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải, hoạt động này nhằm tiếp tục đẩy mạnh tăng cường liên kết, phát triển giữa du lịch Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong cả nước; đồng thời, hướng tới việc xây dựng các sản phẩm du lịch có tính đặc thù, liên vùng, tăng sức hấp dẫn của các sản phẩm du lịch thu hút mạnh mẽ hơn nữa du khách trong và ngoài nước.
Trước đó, đoàn đã tiến hành khảo sát tại 5 di tích lịch sử cố đô của Việt Nam, gồm Phượng Hoàng - Trung Đô (Nghệ An); Thành nhà Hồ (Thanh Hóa); Hoa Lư (Ninh Bình); Đền Hùng (Phú Thọ) và Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội).
Đánh giá cao sức hấp dẫn của các điểm đến, đại diện các doanh nghiệp lữ hành cũng thẳng thắn chỉ ra những điểm yếu cần khắc phục như chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên tuyến, vệ sinh môi trường, điều kiện giao thông, các sản phẩm bổ trợ…

Theo Phó Giám đốc Công ty du lịch Long Phú, Nha Trang Trần Minh Đức, du khách từ các tỉnh phía Nam sẽ chọn Hà Nội là điểm đến đầu tiên, do hiện nay sân bay Vinh không mấy thuận tiện cho các doanh nghiệp lữ hành, Thanh Hóa cũng chưa có sân bay dân sự. Vì vậy, các doanh nghiệp lữ hành nên khai thác chương trình này theo hai cụm tham quan là Hà Nội - Ninh Bình - Phú Thọ hoặc Hà Nội - Thanh Hóa - Nghệ An. Để làm được các tour xuyên suốt như vậy, các địa phương cần kết nối, hỗ trợ lẫn nhau, tập trung vào một số thị trường và một số công ty lữ hành trọng điểm, xây dựng chương trình để đảm bảo lượng khách trong cả mùa thấp điểm. “Với đặc trưng là toàn bộ chương trình mang tính chất lịch sử - văn hóa xuyên suốt, nhưng có một số điểm nhấn rất tuyệt vời như Tràng An – Bái Đính, Tam Cốc – Bích Động… khiến cho hành trình trở nên đặc sắc, không khô cứng. Cơ sở hạ tầng các điểm đến ngày càng được nâng cấp, xe 45 chỗ vào được tận nơi. Vấn đề là các doanh nghiệp liên kết ra sao?”, ông Đức chia sẻ.
Đại diện doanh nghiệp lữ hành Golden cho rằng, điểm đến từ Lam Kinh đến Thành nhà Hồ quá xa, trong khi dịch vụ tại điểm đến gần như không có gì, điều này có thể gây thất vọng cho du khách vì ngoài điểm đến, các dịch vụ khác cũng hết sức quan trọng góp phần vào tính hấp dẫn, đặc sắc của điểm đến đó.
Đồng tình với ý kiến này, ông Hồ Hùng Cường, đến từ công ty Du lịch quốc tế Hoàng Sơn, Nghệ An cho rằng, hầu như các tỉnh đều có sản phẩm đặc trưng như hát Xoan; dân ca; ví dặm… nhưng trong chương trình mới chỉ có Phú Thọ đưa hát Xoan kết hợp với du lịch, nên chăng các địa phương có sự đầu tư, nghiên cứu để đưa sản phẩm đặc trưng của tỉnh mình vào du lịch, tạo sức hấp dẫn lôi cuốn du khách.

Các doanh nghiệp lữ hành đều quan tâm đến chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch. Theo ông Trần Minh Đức, giá trị của các di tích nằm trong tuyến là không thể bàn cãi. Một số địa phương có đội ngũ hướng dẫn viên có kiến thức sâu, có khả năng “thổi hồn” vào bài thuyết trình như hướng dẫn viên tại các điểm: Đền Hùng, Tràng An, Hoàng thành Thăng Long. Trong khi đó, hướng dẫn viên tuyến chưa được như mong muốn, chưa xâu chuỗi được các điểm đến trong hành trình…
Tại buổi tọa đàm, Sở Du lịch Hà Nội đã đề nghị Ban quản lý các khu di tích quan tâm đến các vấn đề mà các doanh nghiệp nêu, đồng thời chuẩn hóa các bài thuyết minh và cung cấp tư liệu, tài liệu chính thống cho đơn vị quản lý để xây dựng ấn phẩm giới thiệu về hành trình, công bố rộng rãi, tạo ra những sản phẩm mang tính trải nghiệm cho du khách.
VH