Theo Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng, Du lịch Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc trong giai đoạn 1990-2017. Cụ thể, khách du lịch quốc tế tăng 52 lần, tăng trung bình 16%/năm; khách du lịch nội địa tăng 72 lần, tăng trung bình 22%/năm. Đặc biệt, sự vào cuộc mạnh mẽ của khối tư nhân trong phát triển hạ tầng kỹ thuật du lịch, xúc tiến quảng bá... đang tạo ra đòn bẩy tăng trưởng du lịch trong cả nước.

Tuy nhiên, theo báo cáo năng lực cạnh tranh quốc gia toàn cầu, Việt Nam xếp 67/136 nền kinh tế, đứng thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á. Một số hạn chế của Du lịch Việt Nam được Thứ trưởng Lê Quang Tùng chỉ ra là cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, nguồn nhân lực còn yếu, năng lực quản lý điểm đến còn thấp, phát triển du lịch chưa gắn với bảo vệ môi trường.
Thứ trưởng cho biết, ngày 5/12 Thủ tướng Chính phủ đã thông qua đề án cơ cấu lại ngành Du lịch - đây là đề án được tham vấn chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp với nội dung chính là tập trung cơ cấu lại thị trường, phát triển nguồn nhân lực...

Với sự góp mặt của của các CEO tập đoàn lớn trên thế giới, chuyên gia trong nước và quốc tế trong ngành Du lịch và gần 1.000 doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức hoạt động trong các lĩnh vực có liên quan, đây là sự kiện du lịch có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Các tham luận từ chuyên gia, lãnh đạo cấp cao của các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp lớn trong ngành du lịch như ông Tony Fernandes - Tổng giám đốc AirAsia; bà Sunita Rajan - Phó Chủ tịch cấp cao, phụ trách quảng cáo, khu vực châu Á - Thái Bình Dương, kênh CNN Quốc tế; ông John Lindquist - chuyên gia du lịch toàn cầu và cố vấn cấp cao của BCG; ông Olivier Muehlstein - thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc điều hành BCG Singapore; ông Brent Hill - Giám đốc Marketing, Ủy ban Du lịch Nam Úc và nhiều diễn giả khác đã đưa ra các giải pháp giải quyết các vấn đề cốt lõi của ngành Du lịch…
|
Nhận định về những yếu tố cản trở Du lịch Việt Nam, ông Kenneth Atkinson, Chủ tịch điều hành Grant Thornton Việt Nam cho rằng, vấn đề môi trường đang hết sức quan ngại. Vịnh Hạ Long ngày càng ô nhiễm do xả thải đô thị và từ các tàu thuyền hoạt động trên vịnh; Sapa đang xây dựng ồ ạt phá vỡ cảnh quan tự nhiên; bên cạnh đó lượng khách từ thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc đến Việt Nam chiếm tới trên 70% tổng lượng khách hàng năm cũng đang đặt ra yêu cầu về đa dạng hóa thị trường…. Về cơ sở hạ tầng, ông Kenneth Atkinson nhận xét, mặc dù số lượng cơ sơ lưu trú tăng liên tục tại các thành phố lớn, các điểm du lịch, đặc biệt là trong 3 năm gần đây, song số lượng khách sạn gia tăng chưa tương xứng với tăng trưởng lượng khách.

Chia sẻ ý kiến này, ông Lương Hoài Nam, Phó Tổng giám đốc Vietstar Airlines, nhấn mạnh “hạ tầng đang là nút cổ chai đối với du lịch, cần những động thái kiên quyết, nếu không sẽ là sự kìm hãm du lịch phát triển”. Theo ông Nam, công suất sân bay Việt Nam đáp ứng khoảng 75 triệu khách mỗi năm, nhưng thực tế năm 2017 các sân bay đã phục vụ 95 triệu và năm 2018 dự kiến là 105 triệu. Riêng sân bay Tân Sơn Nhất năng lực đáp ứng khoảng 25 triệu hành khách /năm nhưng 2017 đã phục vụ 36 triệu khách, dự kiến năm 2018 khoảng 40 triệu. Tình trạng sân bay quá tải nhiều năm nay nhưng việc nâng cấp rất chậm chạp.
Để phát triển hạ tầng sân bay, ông Lương Hoài Nam cho rằng, cần xã hội hóa việc đầu tư. Nhà nước cần tin tưởng hơn ở khối tư nhân để họ tham gia vào việc xây dựng và khai thác ngành hàng không, xây mới sân bay nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển ở lĩnh vực này, như cách đã làm với sân bay Vân Đồn.
Thảo luận về các giải pháp cơ cấu lại ngành và phát triển Du lịch Việt Nam, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho biết, để triển khai Nghị quyết 08 NQ/TW về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, Tổng cục Du lịch đã triển khai nhiều đề án đồng thời đặt nhiều mục tiêu phát triển, trong đó tập trung phát triển du lịch theo 6 vấn đề: cơ cấu lại thị trường, sản phẩm, nguồn nhân lực phù hợp với vùng miền, xây dựng hệ thống doanh nghiệp đủ mạnh để dẫn dắt thị trường.

Bên cạnh đó, các cơ quan cũng cần cơ cấu lại nguồn lực du lịch, phát huy giá trị tiềm ẩn của Việt Nam. Trong đó, cần chú trọng đến đầu tư, công nghệ, ứng dụng mạnh và phát huy công nghệ thông tin và truyền thông, dùng công nghệ để phát triển du lịch. Việc cơ cấu lại hệ thống quản lý, phát huy vai trò của hệ thống quản lý cũng cần được chú trọng.
Đại diện cho khối tư nhân, ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch hội đồng Tư vấn Du lịch TAB cho biết, ngành Du lịch đã tăng trưởng gấp đôi trong ba năm gần đây. Các doanh nghiệp đầu tư nhiều vào xây dựng khách sạn.
Theo ông Olivier Muehlstein, Giám đốc điều hành BCG, có 5 vấn đề chính Việt Nam cần tiếp tục cải thiện để để đạt mục tiêu đề ra đến năm 2030.

Thứ nhất là cơ sở hạ tầng, con người phải được nâng cấp.
Thứ hai, về ngắn hạn, một số vấn đề cần thay đổi, như làm sao để định vị Việt Nam trên thị trường đang có nhiều đối thủ cạnh tranh như Thái Lan, Malaysia,... Làm sao để xây dựng thương hiệu quảng bá với tư cách quốc gia, đặc biệt từng điểm đến cụ thể. Chúng ta cần có thông điệp để Việt Nam ít nhất phải bằng các quốc gia khác trong Đông Nam Á.
Thứ ba là làm thế nào nâng cao trải nghiệm cho du khách quốc tế khi đến Việt Nam, ngay từ khâu chọn điểm đến như vấn đề visa, chuyến bay...
Thứ tư, nâng cao vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, không chỉ ở khâu quản lý mà còn là hợp tác với các cơ quan khác từ Trung ương, địa phương để du lịch vận hành trơn tru hơn.
Cuối cùng là nâng cao mức độ hợp tác cùng phát triển.
Việt Hùng