Trước bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng đe dọa trực tiếp đến đời sống kinh tế, xã hội toàn cầu, tăng trưởng xanh trở thành định hướng phát triển kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới. Đối với du lịch, ngay từ năm 2012, Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) và Chương trình môi trường của Liên hợp quốc đã công bố báo cáo về Phát triển Du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, trong đó nêu rõ 6 thách thức lớn mà du lịch thế giới phải đối mặt, thách thức thứ 3 trong báo cáo đó là “Quản trị rác và chất lượng nước”.
Giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa từ lâu đã luôn là vấn đề cấp bách trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Rác thải nhựa dùng 1 lần tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe con người cùng các loại sinh vật khác. Do tính chất khó phân hủy, rác thải nhựa đã trở nên nguy hiểm khi làm thay đổi tính chất vật lý của đất, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây trồng và cản trở sinh trưởng của các loài động thực vật.
Ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, Việt Nam là 1 trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa xả ra biển lớn nhất trên thế giới khoảng 0,28 -0,73 triệu tấn/năm, trong đó với lượng khách lên tới hàng trăm triệu khách/năm, du lịch hiện là ngành có nguồn phát sinh rác thải nhựa lớn trong nước, tác động tiêu cực đến môi trường và cảnh quan. Nhận thức được trách nhiệm của mình, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã hưởng ứng nhanh và mạnh mẽ chương trình giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành Du lịch khi vận động các doanh nghiệp du lịch tham gia nhiều hoạt động thu gom và xử lý rác thải nhựa.
Được sự ủng hộ của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Quỹ môi trường toàn cầu (UNDP/GEF SGP), Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên & Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai Dự án giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch cả nước, đưa toàn ngành tham gia tích cực và hiệu quả vào công tác giảm thiểu rác thải nhựa ở Việt Nam.
Dự án được triển khai thực hiện từ ngày 1/1/2023 – 30/6/2024, với mục tiêu thúc đẩy các hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch góp phần bảo vệ môi trường và phát triển du lịch nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của ngành Du lịch, góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế bền vững của quốc gia.
Theo đó, dự án sẽ triển khai nhiều hành động, đặc biệt là truyền thông, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, người dân, khách du lịch về giảm thiểu rác thải nhựa. Bên cạnh đó, các giải pháp, sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa được triển khai thí điểm tại một số nhà hàng, khách sạn, khu, điểm du lịch tại hai tỉnh Ninh Bình, Quảng Nam và được phổ biến, nhân rộng trên phạm vi cả nước; “Bộ tiêu chí công nhận doanh nghiệp du lịch không rác thải nhựa” được xây dựng, áp dụng thí điểm và ban hành. Đặc biệt xây dựng và ban hành kế hoạch hành động về giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành Du lịch và xây dựng, vận hành ứng dụng (apps) về quản lý rác thải nhựa.
Theo tham luận của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, với sự tăng trưởng cao lượng khách du lịch và xu hướng du lịch đại trà tại Việt Nam giai đoạn vừa qua đã xả thải lượng lớn chất thải, trong đó có rác thải nhựa. Nhiều khu du lịch đã và đang phải đối mặt với hiện tượng ô nhiễm rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa.
Có thể kể đến như Vịnh Hạ Long, trung bình có 4 tấn rác thải/ngày-đêm, chủ yếu là rác thải nhựa trôi nổi trên biển. Sầm Sơn trung bình 105 tấn rác thải/ngày-đêm, trong đó rác thải nhựa chiếm 24%, tương đương 25,2 tấn/ngày-đêm. Tại Đà Nẵng, trong 1.100 tấn rác thải/ngày-đêm có tới 17% là rác thải nhựa, tương đương 20,8 tấn mỗi ngày. Tại Tuy Hòa (Phú Yên), rác thải nhựa chiếm 18,31% trong 524 tấn rác thải/ngày-đêm; đảo ngọc Phú Quốc (Kiên Giang) có lượng rác thải nhựa mỗi ngày lên tới 32,1 tấn, chiếm 19% trong 155 tấn rác thải/ngày-đêm...
Bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh, đại diện Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho biết ước tính trong hoạt động du lịch mỗi khách thải ra môi trường trung bình từ 5-10 túi nilon/ngày; xả 2-4 vỏ chai nhựa, hộp sữa/ngày. Trong đó, lượng rác thải nhựa và túi nilon của cả nước chiếm khoảng 10-12% chất thải rắn sinh hoạt, đặc biệt ở tại một số thành phố có hoạt động du lịch phát triển.
Trao đổi tại tọa đàm, các chuyên gia cho rằng cần đẩy mạnh phối hợp nhiều giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa trong hoạt động du lịch để tới năm 2025 không còn sử dụng các sản phẩm nhựa một lần và túi nilon khó phân hủy. Bên cạnh đó, xây dựng và triển khai kế hoạch hành động về giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch như: tuyên truyền, nâng cao nhận thức tại các khu, điểm du lịch; cải thiện hệ thống phân loại, thu gom, tái chế, xử lý rác thải nhựa; ban hành quy chế xử phạt nghiêm đối với hành vi xả rác bừa bãi ra môi trường…
Thu Thảo