Hà Nội đón những bước chân đầu tiên của đoàn quân giải phóng vào ngày 10-10-1954. Gần 65 năm sau, cùng với sự phát triển, Hà Nội đã có nhiều đổi khác, các địa danh gắn liền với sự kiện giải phóng thủ đô cũng đổi khác. Tuy nhiên, những người dân thủ đô, những người yêu Hà Nội, những vị khách phương xa vẫn nhận ra “hồn cốt” và dễ dàng hồi tưởng về một thời oanh liệt của thành phố này khi thăm lại những địa danh lịch sử này.
Cầu Long Biên, nơi quân Pháp rút khỏi Hà thành
Hiệp định Giơnevơ về đình chiến ở Đông Dương được ký kết ngày 20-7-1954. Theo các điều khoản Hiệp định, quân đội Pháp có 80 ngày để rút quân khỏi Hà Nội.
Ngày 8-10, quân Pháp làm lễ hạ cờ.
Ngày 9-10-1954, quân Pháp bắt đầu rút khỏi Hà Nội. Quân Pháp rút đến đâu, bộ đội ta tiến vào tiếp quản tới đó.
16h30 ngày 9-10-1954, quân Pháp rút hết qua cầu Long Biên, quân ta hoàn toàn kiểm soát thành phố. Cầu Long Biên trở thành nơi ghi dấu chân những người lính viễn chinh Pháp cuối cùng rời Hà Nội khỏi xuống Hải Phòng, vĩnh viễn rời khỏi Việt Nam. Cây cầu này cũng là nơi đón chào đoàn quân chiến thắng về tiếp quản Thủ đô.
Ngày nay, cầu Long Biên trở thành một trong những biểu tượng của Hà Nội và thu hút nhiều khách du lịch tham quan. Nhiều lễ hội và chương trình văn hóa được tổ chức tại đây để chào mừng các sự kiện lớn của thành phố.
Ô Cầu Giấy và Ô Cầu Dền, cửa ngõ đón chào đoàn quân giải phóng
Quân ta tiến vào nội thành Hà Nội, buổi sáng 10-10-1954 theo các hướng:
Hướng Tây, các chiến sỹ của Trung đoàn Thủ Đô quân xuất phát từ sân “Quần Ngựa” (nay là Cung thi đấu thể thao Quần Ngựa) đi qua các đường Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Cửa Nam, Hàng Bông, Hàng Đào, Hàng Ngang… vào đóng trong Thành cổ Hà Nội bằng Cửa Đông.
Hướng Nam, hai Trung đoàn 88 và 36 xuất phát từ “Việt Nam học xá” (khu vực Đại học Bách khoa ngày nay), tiến qua phố Bạch Mai, phố Huế… vòng quanh hồ Hoàn Kiếm, rồi trở lại, theo hai hướng đông và tây của phố Trần Hưng Đạo, vào đóng quân ở các khu vực “Đồn Thủy” (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Hữu Nghị) và “Đấu Xảo” (Cung Văn hóa Hữu Nghị).
Đoàn cơ giới và pháo binh, cùng chỉ huy “tiếp quản Hà Nội”, do Chủ tịch Ủy ban Quân quản Vương Thừa Vũ, và Phó chủ tịch Trần Duy Hưng dẫn đầu, xuất phát từ sân bay Bạch Mai, đi đến Ngã tư Vọng, sang Ngã tư Trung Hiền, theo đường Bạch Mai, phố Huế, qua Bờ Hồ, đi đường Hàng Đào, Hàng Ngang, qua chợ Đồng Xuân, lên Hàng Giấy, vườn hoa Hàng Đậu… vào “Thành cổ Hà Nội” bằng Cửa Bắc.
Với hai đường tiến binh từ mạn Tây và mạn Nam, sáng 10-10-1954, quân ta đã tiếp quản thủ đô qua hai cửa ô: Ô Cầu Giấy và ô Cầu Dền.
Ô Cầu Dền ngày nay chính là ngã tư hợp thành bởi 4 con đường: phố Duy Tân (tức Phố Huế), phố Bạch Mai, đường Đại Cồ Việt, đê Bành Lao (nay là đường Trần Khát Chân)
Cột cờ Hà Nội và buổi chào cờ lịch sử
Cột cờ Hà Nội là một trong số ít những công trình kiến trúc thuộc khu vực thành Hà Nội có may mắn thoát khỏi sự phá hủy của chính quyền đô hộ Pháp tiến hành trong ba năm 1894-1897. Và đây cũng là công trình hiếm hoi chứng kiến buổi chào cờ đầu tiên trong ngày giải phóng Thủ đô 10-10-1954.
Trên sân vận động Manzin (nay là sân Cột Cờ), các đơn vị tham dự lễ chào cờ tập hợp thành khối vuông nghiêm chỉnh. Hàng đầu là đội hình bộ binh gồm Trung đoàn Thủ đô, đại diện các đơn vị Đại đoàn 308 và Trung đoàn 57 Đại đoàn 304. Đứng sau đội hình bộ binh là đội hình cơ giới và pháo binh xếp hàng ngang thẳng tắp, xe pháo nghiêm chỉnh, pháo thủ và bộ binh cơ giới đứng nghiêm trên xe. Xung quanh sân vận động, nhân dân các khu phố kéo đến đông nghịt đứng vòng trong vòng ngoài chật ních cả đường Hoàng Diệu và đường Cột Cờ (nay là đường Điện Biên Phủ).
Đúng 15h, còi Nhà hát Lớn nổi lên một hồi dài. Toàn thành phố hướng về Thành Hoàng Diệu. Chủ trì lễ chào cờ là Tướng Vương Thừa Vũ - Tư lệnh Đại đoàn 308, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Thành phố và bác sỹ Trần Duy Hưng - Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính.
Nguồn: anninhthudo.vn