Trong phát biểu đề dẫn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung đánh giá cao những nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp tư nhân thời gian qua có những đóng góp to lớn vào sự phát triển của Du lịch Việt Nam, nhiều sản phẩm nổi bật, nhiều thương hiệu được hình thành nhờ những sản phẩm du lịch đặc thù. “Để tiếp tục thu hút khách quốc tế hoàn thành mục tiêu Thủ tướng Chính phủ giao ngành Du lịch đón trên 18 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2019 và hướng tới mục tiêu cao hơn trong những năm tiếp theo, việc tìm giải pháp cải thiện trải nghiệm điểm đến của du khách để đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ và tối ưu hóa các nguồn lực đầu tư nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ, kỳ vọng bước chuyển mình mạnh mẽ để hòa nhập nhanh vào dòng chảy của thị trường quốc tế là yêu cầu hết sức quan trọng đặt ra tại diễn đàn lần này”, ông Ngô Hoài Chung nhấn mạnh.
Theo ghi nhận, mặc dù được đánh giá là có hệ thống tài nguyên du lịch phong phú, tuy nhiên trong nhiều năm qua, chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam vẫn ở mức thấp, trung bình khoảng 1.000 USD cho một chuyến đi 9 ngày, thời gian lưu trú của khách cũng chưa dài so với một số quốc gia trong khu vực.
Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, muốn thu khách phải có sản phẩm, có thể là sản phẩm của quốc gia, của địa phương, của doanh nghiệp. Theo ông Bình, 5 vấn đề trọng tâm cần giải quyết là tăng cường sản phẩm du lịch để có nhiều sản phẩm hơn đáp ứng nhu cầu của du khách; cải thiện hạ tầng tại điểm đến cũng như kết nối với các điểm đến khác để việc tiếp cận dễ dàng hơn; bảo vệ môi trường; nguồn nhân lực và ứng dụng công nghệ thông tin.
Ông Đinh Mạnh Thắng, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Thừa Thiên Huế chia sẻ, trong tổng số 4,8 triệu lượt khách quốc tế đến Huế năm 2018 có tới 3,5 triệu lượt khách đến tham quan di sản văn hóa, tuy nhiên thời gian lưu trú cũng như chi tiêu của khách tại Huế vẫn chưa cao, dù Huế sở hữu hệ thống di sản cao nhất nước. Vấn đề cải thiện trải nghiệm cho du khách là bài toán khó, do liên quan đến khai thác, phát huy các giá trị di sản.
Bà Nguyễn Thủy Yên, Phó giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh cho biết, từ năm 2014 Quảng Ninh đã thực hiện chiến lược phát triển du lịch do đơn vị nước ngoài tư vấn, cùng với việc đa dạng hóa sản phẩm, tỉnh đã mở rộng không gian du lịch, đồng bộ hạ tầng giao thông…., nhờ đó lượng khách đến Quảng Ninh có mức tăng nhanh. Thời điểm hiện tại khách đến Quảng Ninh đạt khoảng 14 triệu lượt, trong đó có khoảng 5,7 triệu khách quốc tế, doanh thu du lịch đạt 29.500 tỷ đồng, thời gian lưu trú bình quân của khách đạt 2,7 ngày, chi tiêu trung bình 2,4 triệu đồng. “Trước đây khách đến Quảng Ninh chủ yếu tham quan Vịnh Hạ Long, nhưng hiện nay sản phẩm du lịch Quảng Ninh rất đa dạng như Bình Liêu, Hải Hà, các đảo Quan Lạn, Minh Châu đến các huyện như Đông Triều, Quảng Yên với các sản phẩm nông nghiệp, sinh thái, làng nghề… nhiều điểm du lịch văn hóa lịch sử nổi tiếng như Yên Tử, bến Bạch Đằng… sẽ cải thiện đáng kể trải nghiệm của du khách”, bà Yên cho biết.
Ở góc độ DN trực tiếp cung cấp sản phẩm dịch vụ phục vụ du khách,ông Võ Anh Tài, Phó Tổng giám đốc Saigontourist nhận định, đặc thù của du lịch là tính liên ngành, trong tổng thể chuyến đi du khách có thể rất hài lòng với sản phẩm doanh nghiệp du lịch cung cấp, nhưng lại không hài lòng với giao thông hoặc vấn đề an ninh, an toàn…, theo ông Tài, sản phẩm quốc gia có giá trị cao, mang lại nguồn thu lớn hầu như chưa có, hoặc có nhưng rất ít. “Việt Nam nên phát triển du lịch golf bởi đây là xu hướng thời thượng, đối tượng khách chi tiêu rất cao và ở dài ngày, thời gian lưu trú trung bình khách chơi golf khoảng 2 tuần trở lên…” ông Tài đề xuất.
Chia sẻ ý kiến này, Giám đốc Hanoitourist Phùng Quang Thắng cho rằng, DN chỉ có thể làm được một phần để tăng trải nghiệm của du khách, do sản phẩm du lịch nằm trong tổng thể địa phương, môi trường, hạ tầng…
“DN có thể rất nỗ lực nhưng không thể giải quyết các vấn đề liên quan, ví dụ như an ninh an toàn của du khách ở một số điểm du lịch đang ở mức báo động nhưng chưa giải quyết dứt điểm, từ đó dẫn đến DN muốn phát triển sản phẩm cũng khó”, ông Thắng nói…
Trong khi đó, thực trạng nhân lực du lịch cũng đặt ra nhiều vấn đề đáng quan tâm. Số liệu được GS Nguyễn Văn Đính cung cấp cho thấy, nhân lực du lịch không chỉ thiếu, mà còn rất yếu.
“ Trong tổng số 1,3 triệu lao động du lịch cả nước, số được qua đào tại chỉ chiếm 42%; tỷ lệ biết ngoại ngữ đạt 60% trong đó chủ yếu là hướng dẫn viên và một bộ phận nhân lực khách sạn”, ông Đính cho hay.
Ông Vũ Thế Bình ghi nhận các ý kiến, đề xuất kiến nghị của DN. Các vấn đề đặt ra tại phiên thảo luận chuyên đề “Cải thiện trải nghiệm của du khách tại điểm đến” sẽ được tổng hợp để báo cáo các Bộ, ngành liên quan. Hy vọng, các điểm nghẽn trong việc cải thiện trải nghiệm của khách du lịch tại điểm đến, thông qua nâng cao chất lượng dịch vụ, hạ tầng, bảo vệ môi trường du lịch, đào tạo nhân lực, ứng dụng công nghệ hỗ trợ trải nghiệm du lịch… sẽ sớm được tháo gỡ, thúc đẩy Du lịch Việt Nam cất cánh.
VH