Giám đốc HTX chè Hảo Đạt Đào Thanh Hảo: “Làm du lịch để lan tỏa rộng hơn những tinh hoa của chè Tân Cương…”
HTX chè Hảo Đạt ra đời năm 2016. Ban đầu chỉ có 8 thành viên với diện tích vùng nguyên liệu là 52.000 m2. Sau hơn 4 năm hoạt động, đến nay HTX Hảo Đạt đã thu hút được 50 thành viên, diện tích chè lên trên 10 ha và liên kết với người dân đạt 35 ha theo tiêu chuẩn VietGAP, tạo việc làm thường xuyên cho trên 40 lao động với mức thu nhập bình quân từ 4,5 đến 6,0 triệu đồng/ người/ tháng và nhiều lao động thời vụ với mức lương thỏa thuận.
Hệ thống nhà xưởng của HTX có tổng diện tích trên 800m2, dây chuyền sản xuất khép kín, được tự động hóa 70%; công suất đạt 4,0 - 4,5 tấn chè búp tươi/ngày. Bình quân mỗi năm, HTX Hảo Đạt cung cấp ra thị trường khoảng 200 tấn chè búp khô chất lượng cao.
Song song với đầu tư nhà xưởng, HTX Hảo Đạt tạo không gian trưng bày các mẫu sản phẩm chè khô đã đóng hộp để giới thiệu, quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng. Xây dựng không gian để du khách thưởng trà, tham quan quy trình chế biến chè thủ công và khu chế biến hiện đại, checkin tại vườn chè.
“Chúng tôi đảm bảo mức lương cố định cho người lao động, thu nhập tùy theo từng bộ phận nhưng vẫn cao hơn so với làm bên ngoài. Với những hộ dân có vườn chè liên kết đều có hợp đồng để nhất quán quy trình kỹ thuật, nguyên liệu đầu ra đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP theo hướng theo hữu cơ đúng như quy định. HTX bao tiêu thu mua toàn bộ, bởi đặc điểm của chè là một năm có tới 9 vụ, nhưng trong đó có 6 vụ sản lượng, chất lượng không cao do thời tiết, chỉ có 3 vụ là thuận lợi, không có chuyện là chỉ mua chè khi có lợi cho bản thân mình mà chúng tôi đánh giá đúng chất lượng nguyên liệu tương xứng với mức giá. Nhờ đó tạo được gắn kết bền vững.
HTX Hảo Đạt quản lý về kỹ thuật, mỗi hộ liên kết được cung cấp lượng phân bón hữu cơ đủ cho đơn vị diện tích, không được phép thừa, đảm bảo cho cây chè phát triển khỏe. Chúng tôi nhận thức rằng sản xuất quy mô lớn thì khâu kỹ thuật là vô cùng quan trọng. Mấy năm gần đây Liên hiệp HTX chè tỉnh Thái Nguyên hỗ trợ nhiều cho các HTX về nhân lực, thu hút được các kỹ sư ngành trồng trọt, nông nghiệp về làm việc, nhờ đó năng suất, chất lượng tăng lên nhiều. Mặc dù nhiều đơn vị đặt vấn đề thu mua để xuất khẩu nhưng lượng chè của HTX chỉ đủ cung ứng nội tiêu nên việc xuất khẩu sẽ là hướng lâu dài.
Chúng tôi mở không gian chè để có địa điểm đón tiếp người dân, du khách khi đến với vùng chè Tân Cương có thể tham quan, thưởng thức những tinh hoa của chè ngay trên vùng đất được mệnh danh là “đệ nhất danh trà”, để văn hóa trà lan tỏa rộng rãi hơn…”
Giám đốc HTX Tâm Trà Thái Hoàng Thị Tân: “Khôi phục, bảo tồn nghề làm nón lá truyền thống của người Tày, gắn du lịch với nông nghiệp…”
Cảm nhận được ý nghĩa và mong muốn của cha mẹ khi đặt tên cho mình như một lời nhắc nhở phải luôn giữ nghề truyền thống của gia đình và nhớ về nguồn cội, ngay từ khi còn rất nhỏ, Hoàng Thị Tân đã “thuộc làu” cách thức làm trà, từ đi lấy quả chè về trồng cho đến khi cây chè cho những búp đầu tiên…
Nhớ về quãng thời gian còn làm chè hoàn toàn bằng thủ công, từ phơi héo, vò chè bằng tay, sao chè bằng chảo gang truyền thống, rồi đến sấy chè cũng dùng sức người quay thủ công là chính…, lúc đó Tân đã nung nấu quyết tâm sau này “phải làm điều gì đó” để người làm chè bớt vất vả.
Tốt nghiệp Đại học ngành Quản trị kinh doanh, Tân trở về quê và tiếp tục gắn bó với cây chè. Những năm đó, sản phẩm chè của người dân Tân Cương làm ra chỉ có một con đường tiêu thụ duy nhất là qua …thương lái. Đầu ra phụ thuộc hoàn toàn nên sản phẩm của người dân dù tốt đến mấy cũng bị thương lái chê bai đủ đường để ép giá…
Không cam chịu cảnh bất công này, Tân quyết phải tìm ra con đường đi riêng cho mình. Song song với việc làm ra sản phẩm có chất lượng thật tốt, Tân đôn đáo ngược xuôi tìm hướng tiêu thụ. Cô đến khu du lịch Hồ Núi Cốc gặp những chủ nhà hàng, khách sạn ở đây để “tiếp thị” chè, trực tiếp giới thiệu sản phẩm chè với các giám đốc lữ hành, hướng dẫn viên, trưởng đoàn… Sự giản dị mộc mạc chân chất của cô gái vùng chè đã gây thiện cảm với nhiều người, và trên hết, chất lượng chè của cô đã thuyết phục được cả những người uống trà khó tính nhất. Tiếng lành đồn xa, khách tìm đến cơ sở chè của Tân ngày càng nhiều, có những người khách hàng trở thành bạn hàng ruột nhiều năm liền, thân thiết như người trong gia đình…
Tâm Trà Thái chuyển sang mô hình HTX từ năm 2018. Hiện nay HTX có 11ha chè đang khai thác, trong 3 năm tới, diện tích dự án liên kết chè hữu cơ với bà con nông dân làm chè ở khu vực Tân Cương (gồm 3 xã Tân Cương, Phúc Xuân, Phúc Trìu) lên tới 29ha.
Hiện tại Tâm Trà Thái có rất nhiều dòng sản phẩm, trong đó 3 loại nổi bật nhất là chè đặc sản hay còn gọi là trà móc câu, chè búp và chè đinh (nõn đặc biệt). 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao là Nhất Đinh trà và Trà tôm nõn. Năm 2020 HTX vinh dự có một sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu là Nhất Đinh trà.
“Liên hiệp HTX chè Thái Nguyên đồng hành rất sát sao với bà con làm chè, từ tập huấn kỹ thuật các lớp đào tạo đến trưng bày giới thiệu sản phẩm, hướng dẫn cách thức liên kết với các đơn vị như Coopmart, siêu thị, trạm dừng nghỉ… để tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là tổ chức xúc tiến thương mại để quảng bá mạnh mẽ chè Tân Cương, Thái Nguyên ra các thị trường và những người yêu thích trà ở mọi vùng miền trên cả nước… nếu như không có Liên hợp thì bà con không thể làm được…
Gắn kết du lịch với nông nghiệp là điều tôi rất tâm đắc, mong muốn vùng Tân Cương nói riêng và Thái Nguyên nói chung trở thành điểm đến thu hút đông khách du lịch trong và ngoài nước là ước mơ không chỉ của riêng tôi mà của nhiều bà con làm chè. Tôi tham gia Hiệp hội Du lịch Thái Nguyên vừa để học hỏi kiến thức, kinh nghiệm làm du lịch và cũng là để thực hiện ước mơ của mình, chúng tôi sẽ cố gắng nhiều hơn nữa để làm được điều này.
Tôi đã học hỏi và từng bước đón khách du lịch, đầu tiên chỉ đến tham quan chụp ảnh, tiếp đó nhiều công ty du lịch đã đưa vùng chè Tân Cương vào lịch trình tour, nhờ đó du khách biết đến Tân Cương nhiều hơn, tôi giải đáp cho du khách vì sao chè Thái Nguyên lại nổi tiếng, vì sao chè Tân Cương lại là đệ nhất danh trà, ngoài chất đất, thổ nhưỡng khí hậu thì cách thu hái, quy trình trồng, chăm sóc cũng rất quan trọng để chè có chất lượng tốt. Khách không chỉ khám phá văn hóa địa phương mà còn cùng người dân nấu ăn, trải nghiệm hái chè, sao chè và học cách pha trà…, để đáp ứng nhu cầu của khách, Tâm Trà Thái đang xây dựng không gian văn hóa trà, cơ sở lưu trú để phục vụ du khách chu đáo nhất.
Tôi đang triển khai dự án khôi phục nghề làm nón lá truyền thống của người Tày để vừa bảo tồn nét văn hóa truyền thống đặc sắc, vừa mang lại niềm vui cho các cụ cao tuổi ở vùng ATK Định Hóa, vừa làm đồ lưu niệm du lịch. Có thể nói, chiếc nón lá là vật dụng không thể thiếu đối với người con gái Tày. Nón được làm hết sức cầu kỳ, công phu, nhưng ngày nay rất ít người biết làm loại nón này, để bảo tồn nét văn hóa của người dân tộc Tày, tôi đã vận động các cụ, các bà đều trên 80 tuổi đan nón, toàn bộ số tiền bán nón cho du khách tôi ủng hộ các bà, các mế. Trước đây khi chưa có dịch Covid-19, khách nước ngoài khi đến thăm vùng chè Tân Cương rất thích nón này và họ mua rất nhiều làm kỷ niệm. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi mang lại niềm vui cho các bà, các mế và người dân quê hương mình…”
Giám đốc HTX Hương Vân Trà Nguyễn Thị Hương Vân: “Nỗ lực đưa không gian chè trở thành điểm dừng ý nghĩa của mỗi du khách khi đến Thái Nguyên…”
Tọa lạc tại trung tâm thành phố Thái Nguyên, không gian Hương Vân Trà đang trở thành một điểm dừng chân thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế mỗi khi có dịp ghé qua đây.
Để có cơ ngơi khang trang bề thế như ngày hôm nay, chị Nguyễn Thị Hương Vân, Giám đốc HTX Hương Vân Trà đã trải qua những tháng ngày gian truân, cơ cực. Nhớ lại quãng thời gian đó, chị Vân không nén được những dòng nước mắt. Ký ức về chặng đường 26 năm bươn chải với đủ thứ nghề chợt hiện lên như mới ngày hôm qua.
Khởi nghiệp từ một gian hàng nhỏ bán chè và những đồ dùng tạp hóa khác, thời gian đầu hiểu biết của chị về chè là con số 0 tròn trĩnh. Bán chè, nhưng lại không có khả năng “thẩm định”, vì thế, dù mua chè giá rất đắt nhưng chất lượng không tương xứng. Đây là lý do nhiều lần chị Vân phải nói lời xin lỗi khách hàng vì chất lượng sản phẩm bán ra không đúng như những gì chị “quảng cáo” với khách. Với tinh thần cầu thị và sự cố gắng hiếm thấy, chị Vân đã tự học hỏi cách kiểm nghiệm, đánh giá chất lượng các sản phẩm chè để lấy lại lòng tin với khách hàng. Gian hàng nhỏ của chị thu hút đông khách trở lại bởi những sản phẩm chè được cam kết về chất lượng. Ước mơ tạo dựng một cơ sở chè của riêng mình, khẳng định thương hiệu bằng chất lượng tốt nhất không ngừng được vun đắp, nuôi dưỡng.
“Những tháng năm qua, tâm nguyện tôi luôn đau đáu về một không gian trà của mình, để trực tiếp pha trà, tự tay rót nước mời khách và giới thiệu cho họ tường tận quy trình làm chè, để khách hiểu thêm và cảm nhận sâu hơn về sự tinh túy của sản phẩm chè Tân Cương, của thương hiệu trà Hương Vân. Từ trồng cấy, chăm bón, thu hái phải thao quy trình như thế nào để đạt chuẩn mà tiêu chí đầu tiên là phải đảm bảo an toàn. Chè phải gắn với thương hiệu, kiểm định chất lượng.
Để có thương hiệu vững mạnh hơn, HTX Hương Vân đã liên kết với bà con trong xã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, áp dụng thống nhất quy trình chăm bón thu hái để cho ra sản phẩm thật tốt. Hương Vân mong muốn qua không gian trưng bày, thưởng thức trà du khách sẽ hiểu thêm về cây chè nói riêng, mảnh đất Thái Nguyên nói chung nhiều hơn. Chúng tôi sẽ nỗ lực hơn để không gian trà sẽ trở thành điểm dừng chân ý nghĩa của du khách khi có dịp đến với mảnh đất Thái Nguyên chân tình, mến khách…”./.
Viễn Nguyệt