Phát biểu khai mạc, TS. Nguyễn Thị Thu Mai, Trưởng Khoa Du lịch, Trường Đại học Mở Hà Nội nhấn mạnh: Chương trình gặp mặt và định hướng nghề nghiệp cho tân sinh viên đã trở thành một hoạt động thường niên của Khoa Du lịch với mục tiêu là giúp cho các tân sinh viên làm quen với môi trường học tập và nhanh chóng bắt nhịp với việc học tập tại Khoa Du lịch, đồng thời giúp các em xác định được mục tiêu học tập, mục tiêu nghề nghiệp ngay từ khi vào trường để 4 năm học tiếp theo với sự đồng hành của đội ngũ cán bộ, giáo viên, các em có thể chuẩn bị tốt nhất cho mình hành trang kiến thức, kỹ năng, thái độ để sẵn sàng làm việc trong ngành Du lịch trong tương lai. “Chúng tôi cam kết đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất để các em có môi trường học tập và thực hành chuyên nghiệp. Song hành với các em là một đội ngũ cán bộ giảng viên, chuyên gia có chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm thực tiễn trong nghề du lịch sẽ luôn đồng hành và chia sẻ cùng các em trong mọi hoạt động, giúp các em hoàn thành mục tiêu của mình.” TS. Nguyễn Thị Thu Mai khẳng định.
Tại chương trình, các tân sinh viên Khoa Du lịch, Trường Đại học Mở đã được nghe giới thiệu những nét khái quát về sự ra đời, phát triển, những đổi mới cùng những kết quả đạt được của Khoa Du lịch, Trường Đại học Mở Hà Nội trong gần 30 năm qua; nghe các chuyên gia, các nhà quản lý du lịch cung cấp những thông tin liên quan về tình hình du lịch Việt Nam, những tác động và ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến du lịch Việt Nam và thế giới, những vấn đề đặt ra sau khi đại dịch được kiểm soát; xu hướng đi du lịch trong thời gian tới; những khó khăn, thách thức để phục hồi ngành du lịch; những vấn đề đặt ra trong việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài.
Trao đổi tại chương trình các chuyên gia, các nhà quản lý du lịch, các cựu sinh viên Khoa Du lịch, Trường Đại học Mở Hà Nội đã chia sẻ những kinh nghiệm trong học tập, làm việc, những thành công cũng như những thất bại trong công việc, những bài học rút ra, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm, không ngừng học tập, đổi mới và sáng tạo để vươn lên của mỗi người.
Chia sẻ cùng các tân sinh viên về khó khăn của sinh viên nữ khi tốt nghiệp làm hướng dẫn viên du lịch, TS. Phạm Lê Thảo - Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành, TCDL cho biết: Nghề hướng dẫn viên là nghề rất vất vả, với các bạn nữ làm hướng dẫn viên phải đi nhiều càng vất vả, khó khăn hơn. Sau một thời gian làm việc, với thiên chức làm mẹ, phụ nữ mất nhiều thời gian để sinh và nuôi con nhỏ, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý, sức khỏe của phụ nữ. Để trở lại công viên sau khi thực hiện thiên chức làm mẹ, phụ nữ trong các lĩnh vực trong đó có hướng dẫn viên du lịch đòi hỏi phải có sự chia sẻ, cố gắng rất nhiều. Khó khăn, vất vả là một thực tế, nhưng đòi hỏi mỗi người phải có đủ sự đam mê, quyết tâm, nỗ lực thì mới thành công.
Trao đổi cùng các tân sinh viên, ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Du lịch quốc gia đã chia sẻ những kỷ niệm về thời sinh viên, từ một người học ngành Y, tự học Ngoại ngữ, đam mê du lịch vì đi du lịch được khám phá nhiều, đó cũng chính là hành trang, động lực cho ông gắn bó với ngành du lịch, từ thực tiễn, ông Kiên cho hay, sinh viên cần nỗ lực, cố gắng trong học tập, cần sự đam mê, sự sáng tạo.
Tại chương trình, cựu sinh viên Lê Hoàng A1 K19, Ngành Quản trị Khách sạn đã trao đổi kinh nghiệm làm hướng dẫn viên trong mùa dịch qua online, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế, theo Hoàng, qua hướng dẫn online du khách có cách nhìn mới về điểm đến, đây là tour giải trí, cần có sự cô đọng, khi xem giúp cho du khách quốc tế có những trải nghiệm mùa dịch, dù họ chưa thể đi du lịch, qua đó thấy được hình ảnh đẹp về Việt Nam trong mùa dịch, đó cũng chính là động lực để du khách quốc tế sẽ đến Việt Nam sau khi dịch được kiểm soát, để có những trải nghiệm thực tế. Du lịch qua online cũng sẽ là một sản phẩm du lịch mới trong thời gian tới.
Tuấn Sơn