Chương trình Lễ Khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2023 do NSƯT Trần Ly Ly và Hoàng Công Cường viết kịch bản, có thời lượng khoảng 85 phút, với kết cấu 3 chương là: Nơi hội tụ của đất và trởi; Hành trình xanh; Hội tụ xanh - Bình Thuận điểm đến của tình hữu nghị. Trong đó, mở màn là tiết mục múa giới thiệu tổng quan về vùng đất Bình Thuận - vùng đất có bề dày lịch sử và văn hóa đa màu sắc, thông qua những câu chuyện truyền thuyết liêu trai, những công trình mang đậm dấu ấn lịch sử, văn hóa và các Lễ hội truyền thống đặc trưng của địa phương.
Tiếp theo là những tiết mục âm nhạc đương đại và nhạc cụ truyền thống giới thiệu về đảo Phú Quý, dinh Thầy Thím, trường Dục Thanh nơi thầy giáo Nguyễn Tất Thành dừng chân dạy học.... Và miền biển xanh gọi nắng, rừng xanh núi biếc, thác reo gió ngàn, nơi danh thắng thiên nhiên kỳ vỹ giao hòa cùng những kiệt tác từ bàn tay tài hoa của con người. Miền đất kết tinh của văn hóa bản địa đa sắc màu đã định hình nên dấu ấn và phẩm cách riêng có của đất và người Bình Thuận.
Nghi thức Lễ Khai mạc khép lại Chương 1 - Nơi hội tụ của đất và trởi. Chương 2 - Hành trình xanh gợi mở về “Hành trình xanh” của Bình Thuận: phát triển du lịch bền vững, gắn với bảo vệ môi trường, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc với nhiều tiết mục hát múa như: Khúc ca ngày mùa (diễn tả những nét đặc trưng nông nghiệp); Những bàn tay tài hoa (tôn vinh nghề gốm và dệt truyền thống); Gánh ngọc (khắc họa cuộc sống trên đồng muối, bến cá); Âm vang biển cả (ngợi ca nghề biển); Đón bình minh (hành trình phát triển mới của Du lịch Bình Thuận).
Với thời lượng 43 phút (chiếm 1/2 thời lượng chương trình) Chương 3 - Hội tụ xanh là điểm nhấn của Lễ Khai mạc gồm 9 tiết mục theo nhiều thể loại nghệ thuật hấp dẫn như: ca, múa đại cảnh, múa đương đại, múa tạo hình, phong cách Carnival, trống hội... với sự biểu diễn của khoảng 300 diễn viên múa và các nghệ sĩ, ca sĩ. Kết thúc chương trình là liên khúc “Việt Nam diệu kỳ - Ngàn ước mơ Việt Nam” do các ca sĩ Mỹ Linh, Noo Phước Thịnh, Tùng Dương, Dương Hoàng Yến, Ali Hoàng Dương và nhóm Oplus biểu diễn, thể hiện khát vọng vươn tầm của ngành du lịch Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Thuận nói riêng.
Bên cạnh các ca sĩ nổi tiếng, xuyên suốt chương trình còn có phần biểu diễn, múa minh họa của gần 600 nghệ sĩ múa, diễn viên chuyên và không chuyên trong và ngoài tỉnh, trong đó có diễn viên Nhà hát Ca múa nhạc Biển Xanh Bình Thuận, với nhiều loại hình trang phục từ dân dã (nông dân, ngư dân…), truyền thống (Chăm, Raglai, K’ho…) cho đến nghi lễ, đương đại. Ngoài ra, trên sân khấu còn xuất hiện nhiều đạo cụ, hình ảnh gắn với quê hương, con người Bình Thuận như: xe thồ thanh long, gánh lúa, khay làm gốm, dệt thổ cẩm, thuyền đánh cá, cánh đồng muối, chim hải âu… Đặc biệt, trong một số tiết mục sẽ có múa rồng dài 50 mét, đặc trưng của Lễ hội Nghinh Ông Phan Thiết.
Theo kịch bản, ngay sau chương trình nghệ thuật sẽ trình diễn drome light (xếp hình bằng thiết bị bay có đèn led) và bắn pháo hoa tầm thấp chào mừng Lễ Khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2023. Trước Lễ Khai mạc sẽ trình diễn dù lượn và bay treo khinh khí cầu. Ngoài ra, chương trình sẽ sử dụng công nghệ trình diễn, hiệu ứng hiện đại (thực tế ảo, thực tế ảo mở rộng, hoặc 3D Mapping), hệ thống âm thanh cực đại phù hợp với không gian sân khấu đại cảnh, hệ thống kỹ xảo công nghệ ánh sáng cho phần nghệ thuật, ngôn ngữ nghệ thuật thực cảnh để khắc họa về lịch sử, văn hóa, con người Bình Thuận đậm tính nghệ thuật. Riêng sân khấu được tạo hình độc đáo, khắc họa đặc trưng của Bình Thuận với “biển xanh, cát trắng, nắng vàng”, bố cục sân khấu với nhiều lớp tạo hình, được lấy cảm hứng từ những cảnh quan thiên nhiên độc đáo và hùng vĩ của Bình Thuận.
Nguyên Vũ