Festival Gốm sứ Việt Nam – Bình Dương 2010 là lễ hội gốm sứ với quy mô tầm vóc quốc gia lần đầu tiên được tổ chức tại Bình Dương với sự tham gia của 19 làng nghề và 50 doanh nghiệp gốm sứ trong cả nước, chào mừng kỷ niệm 65 năm ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh (2/9/1945 – 2/9/2010). Đồng thời, đây là một sự kiện kinh tế, văn hóa, du lịch thiết thực hướng về Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội (1010 – 2010); góp phần tôn vinh và giới thiệu một trong những ngành nghề truyền thống đặc sắc của dân tộc Việt Nam qua các thế kỷ từ xưa đến nay, cũng như khẳng định vị trí và tiềm năng của ngành nghề gốm sứ trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong tình hình thực tại và tương lai.
|
Gian hàng triển lãm gốm sứ phong phú và đẹp mắt |
Festival Gốm sứ Việt Nam – Bình Dương 2010 quy tụ được sự góp mặt khá đầy đủ của những làng nghề nổi tiếng và lâu đời của ngành gốm sứ Việt Nam trên khắp ba miền Bắc – Trung – Nam như: làng gốm Bàu Trúc (Ninh Thuận); làng gốm Biên Hòa (Đồng Nai); làng gốm Vạn Bình (Khánh Hòa); làng gốm Đông Triều (Quảng Ninh); làng gốm Làng Cậy, Chu Đậu (Hải Dương); làng gốm Bát Tràng, Giang Cao, Kim Lan (Hà Nội); làng gốm Thanh Hà, Đông Khương - Điện Bàn (Quảng Nam); làng gốm Long Hồ (Vĩnh Long); làng gốm Phước Tích (Thừa Thiên - Huế); làng gốm Thổ Hà (Bắc Giang), làng gốm sành Tây Sơn (Bình Định); làng gốm Hòa Vinh (Phú Yên); làng gốm Phù Lãng (Bắc Ninh); làng gốm Bình Đức (Bình Thuận); làng gốm Tân Phước Khánh, Chính Nghĩa, Lái Thiêu (Bình Dương); làng gốm Hương Canh, Hiển Lễ (Vĩnh Phúc)…
Chương trình hội chợ triển lãm “Gốm sứ - Thế giới sắc màu” thu hút được gần 600 gian hàng trưng bày gốm sứ trong và ngoài nước. Chương trình triển lãm “Tinh hoa Gốm Việt” có sự tham gia của 13 viện bảo tàng tại các tỉnh, thành trong cả nước với 720 hiện vật gốm cổ qua các thời kỳ như gốm sứ Đông Sơn, thời Đinh – Tiền Lê, thời Lý – Trần, gốm sứ Óc Eo, Chăm-pa... Đây được xem là triển lãm lớn nhất từ trước đến nay về gốm Việt cổ.
Ðến với Festival Gốm sứ Việt Nam – Bình Dương 2010, du khách và người dân có dịp tìm hiểu về nghề làm gốm với những kỹ thuật tinh xảo, cũng như những sản phẩm độc đáo của gốm sứ Bát Tràng (Hà Nội), một tên tuổi lừng danh từ lâu đời trong nghề gốm Việt Nam được người tiêu dùng ưa chuộng. Đồng thời, có cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp huyền bí của các sản phẩm gốm sứ Chăm-pa nổi tiếng (Bàu Trúc, Ninh Thuận); hay có dịp tìm mua những sản phẩm gốm sứ Minh Long (Bình Dương), một thương hiệu đã vươn lên khẳng định vị thế trên thương trường. Hàng gốm sứ Minh Long hiện được xuất khẩu nhiều đến một số nước ở châu Âu và đặc biệt đang tiêu thu mạnh tại thị trường trong nước; gốm sứ Minh Long hiện diện không chỉ tại các nhà hàng, khách sạn sang trọng bậc nhất Việt Nam mà còn rộng khắp trong các gia đình người dân nước Việt. Ngoài ra, du khách còn có thể tham gia vào các tour du lịch làng nghề gốm, làng nghề truyền thống tại tỉnh Bình Dương với chủ đề “Niềm vui làng nghề”, tour du lịch sinh thái trên sông, cùng các hoạt động vui chơi giải trí, ẩm thực, thể thao như đua thuyền, lướt ván… Đây thực chất không chỉ là cơ hội để các doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, giao dịch, ký kết hợp đồng sản xuất, mua bán, quảng bá sản phẩm đến đông đảo người tiêu dùng; mà còn là dịp để khách hàng có thể chiêm ngưỡng và mua sắm những sản phẩm gốm sứ tinh xảo, có giá trị và rất đáng tự hào của các thương hiệu Việt.
|
Du khách tham quan mua sắm tại gian hàng gốm sứ Bát Tràng - Hà Nội |
Trong khuôn khổ Festival Gốm sứ Việt Nam – Bình Dương 2010, Ban Tổ chức Festival trao tặng bằng khen ghi nhận sự cống hiến của 33 nghệ nhân đến từ 21 làng nghề gốm sứ trong cả nước, vì những đóng góp cho sự phát triển nghề gốm sứ Việt Nam. Đồng thời, tổ chức cuộc bình chọn Kỷ lục Guiness Gốm sứ Việt Nam (với 10 sản phẩm đăng ký dự thi), và đã xác lập được 9 kỷ lục gốm sứ Việt Nam, bao gồm: Cúp Hồn Việt (cúp bằng sứ liền khối cao nhất); Chén ngọc Văn Lang (chén sứ liền khối lớn nhất); Cúp Sen Vàng (cúp bằng sứ liền khối lớn nhất); Quốc Bình Thăng Long (bình hoa hình dáng trống đồng lớn nhất); Lu Thiên Địa (lu bằng gốm lớn nhất); Đèn Gốm mỹ thuật cao nhất; Triển lãm nghệ thuật sắp đặt bằng nhiều loại gốm sứ nhất; trưng bày Bộ sưu tập gốm cổ Việt Nam lớn nhất; Chiếc lu gốm làm bằng phương pháp xoay tay liền khối cao nhất. Đặc biệt, doanh nghiệp gốm sứ Minh Long (Bình Dương) có 3 tác phẩm đăng ký dự thi và cả 3 tác phẩm đều được ghi nhận lập kỷ lục Guiness Việt Nam.
3 tác phẩm đạt kỷ lục Guiness Việt Nam của doanh nghiệp gốm sứ Minh Long
1. Chén ngọc Văn Lang: Tác phẩm có chiều cao 80cm, miệng chén rộng 74cm, trọng lượng 20kg. Toàn bộ sản phẩm được bao phủ một lớp men ngọc có màu xanh tự nhiên, trong và tuyệt nhiên không dùng màu, điểm thêm một số họa tiết bằng vàng 24k. Hoàn toàn không tì vết, bụi bẩn với độ sáng và độ trong rất tuyệt vời. Thoạt nhìn, tác phẩm có dáng vẻ hao hao với sản phẩm Chén ngọc Thăng Long dâng tặng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhưng họa tiết hoa văn và nội dung tác phẩm lại hoàn toàn khác. Chén ngọc Văn Lang tái hiện thời kỳ vua Hùng dựng nước, đời sống thanh bình của người Việt… Tên gọi của tác phẩm gợi cảm hứng từ một trong những thời kỳ phồn thịnh của nước ta. Tác phẩm vừa được ghi nhận Kỷ lục Guiness Việt Nam chén sứ liền khối lớn nhất.
2. Cúp “Hồn Việt”: Tác phẩm nặng 60kg, cao 01m, đường kính khoảng 8 tấc. Được vẽ họa tiết sen theo lối cách điệu tượng trưng, có kích thước lớn nhưng có chiếc eo rất nhỏ với những đường cong lả lướt, mềm mại và tinh xảo. “Hồn Việt” được hội tụ, khắc họa qua những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam như: chùa Một Cột, cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn, tháp Rùa, chùa Thiên Mụ, vịnh Hạ Long… và một mặt bên là tả đời sống của người dân Việt Nam. Tác phẩm vừa được ghi nhận lập kỷ lục Guiness Việt Nam về chiếc cúp sứ liền khối cao nhất.
3. Cúp Sen Vàng: Có chiều cao 90cm, miệng và hông cúp rộng 90cm và nặng hơn 40kg đè lên chiếc eo chỉ 12 cm. Cúp được mạ vàng 24k và được ráp liền khối không dán keo, bắt vít. Tác phẩm cũng đã được ghi nhận lập kỷ lục Guiness Việt Nam về chiếc cúp sứ liền khối lớn nhất.
|
Được biết, Festival gốm sứ Việt Nam – Bình Dương 2010 đã thu hút được khoảng 400.000 du khách đến tham quan mua sắm và trên 90% sản phẩm của các làng gốm đã được bán hết trong những ngày diễn ra lễ hội; các gian hàng thủ công mỹ nghệ có doanh thu từ vài chục đến vài trăm triệu đồng./.
Bài và ảnh: Thu Hương