1.200 và 35
Từ hơn 1.200 phút phim tư liệu, đạo diễn Lương Đình Dũng đã chắt lọc để làm nên 35 phút phim “Xẩm đỏ” về nghệ nhân Hà Thị Cầu.
Một câu chuyện được kể bằng thủ pháp tương phản: hình ảnh và tiếng hát của 2 thanh niên trẻ đi hát rong xin tiền ở phố Hàng Bạc thời nay khác xa với chiếc đàn nhị và một cụ bà với khuôn mặt đầy những nếp nhăn, cuộc đời đã đi gần trọn một thế kỷ của nghèo khó, gian truân của nghệ nhân Hà Thị Cầu.
Nghệ nhân Hà Thị Cầu
Bà Cầu tên thật Hà Thị Năm, sinh năm 1917 tại huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định trong một gia đình 3 đời hát xẩm. Cha mất sớm, bà cùng mẹ về sinh sống tại thôn Quảng Phúc, xã Yên Phong, huyện Yên Mô, Ninh Bình. Từ năm lên tám, cô bé Hà Thị Năm đã phải theo theo bố mẹ lê la khắp các chợ quê để hành nghề hát xẩm kiếm sống. Không biết tự lúc nào bà đã nhập tâm làu làu những câu hát rong nơi kẻ chợ. Bà với cây đàn và những câu hát lang thang khắp chốn cùng quê từ Bắc vào Nam để kiếm bát cơm, manh áo cho bầy con dại. Nỗi đau đời từ thuở lọt lòng thấm vào tim bà để rồi mỗi khi bà Hà Thị Cầu cất tiếng lên thì bổng trầm, thanh rền như tiếng than thân phận. Tiếng hát ấy sau này đã giúp bà tìm được anh Cầu và đưa bà lên ngôi nghệ nhân hát xẩm có một không hai của Việt Nam.
Tiếng là nghệ nhân, được trao giải thưởng Đào Tấn, bằng khen treo đầy vách, nhưng bà vẫn rất nghèo, vẫn phải đi hát, lấy tiền sinh nhai. Gần trăm tuổi, mà bà hát vẫn rất khỏe, giọng chắc nịch, rõ ràng, từng câu từng chữ bà luyến láy, nhấn nhá, ậm ừ chất chứa vô vàn những thăng trầm, uẩn khúc...
Tất cả cuộc đời thăng trầm của cụ Cầu hiện lên qua từng khuôn hình, từng lời kể, từng tiếng hát, tiếng đàn mà tuyệt nhiên không có lời bình nào. Đạo diễn Lương Đình Dũng cho biết lúc đầu anh cũng định viết phim có lời bình, nhưng sau khi tiếp xúc với cụ Cầu và xem lại toàn bộ tư liệu phim, anh đã quyết định làm phim không lời bình. Bởi anh muốn người xem tự cảm nhận về cuộc đời và con người của cụ Cầu một cách chân thật nhất. Và anh đã kiên nhẫn quay trong suốt 2 năm để có được những khuôn hình tự nhiên như cuộc đời mà chất chứa bao nỗi niềm...
Báu vật và sự hữu hạn
Đạo diễn Lương Đình Dũng cho biết, tên phim "Xẩm đỏ" đến với anh trong quá trình đi quay phim cụ Cầu. Anh giải thích là khi nghe âm nhạc của cụ Cầu anh thấy một màu nóng trong trí tưởng tượng. "Và tôi nghĩ rằng nếu như một người già như thế này mà hát được thì rất hiếm rồi, như người ta đang đi tới tận cùng thời gian hữu hạn của một đời người (đến vạch đỏ). Nếu nói là cảnh báo thì hơi quá, nhưng nó nhắc nhớ tới một môn nghệ thuật có thể sẽ bị thất truyền. Thì cái tên "Xẩm đỏ" có ý nghĩa như vậy".
Ấn tượng nhất về con người cụ Cầu đó là sự chân chất. Dù cả đời sống lang bạt khắp nơi, nhưng cụ không bao giờ nói dối, trong từng lời nói cũng như trong cảm xúc của cụ. Cả đời mình, cụ Cầu đã dùng tiếng hát xẩm để tồn tại, để nuôi chồng, nuôi con. Giờ đây, cuộc sống của cụ vẫn chưa thoát khỏi nỗi lo "cơm áo", nhưng cụ là một người mẹ hy sinh tất cả cho con cái.
Xem xong 35 phút phim, những khuôn hình ám ảnh người xem nhiều nhất là những cảnh cụ Cầu hát xẩm dưới gốc cây gạo nơi góc chợ nơi quê của cụ, là hình ảnh một cụ bà mặt đầy những nếp nhăn sâu của thời gian, vẫn bỏm bẻm nhai trầu tay đàn, miệng hát. Cả đời cụ Cầu đã vịn vào những câu hát Xẩm mà nuôi chồng, con và giờ đây, những câu hát ấy vẫn là bạn tâm giao với cụ, chia sẻ những cay đắng, vui buồn một kiếp nhân sinh. Và điều làm cho người xem kinh ngạc là dù cuộc đời cụ Cầu ít có những phút giây sung sướng, nhưng cụ lại luôn luôn nhìn cuộc đời bằng cái nhìn tươi sáng và ấm áp./.
Trường Thành