(VTR) - Trong hai ngày 24 và 25/3/2015, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) phối hợp Văn phòng UNESCO tại Hà Nội tổ chức hội thảo về việc đưa nội dung dạy học các di sản văn hóa phi vật thể vào các trường học tại Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên khẳng định: Việc đưa di sản vào dạy học trong trường học là cách để người dân địa phương biết quý trọng và bảo vệ di sản, phát huy giá trị của di sản, tạo ra nguồn lực cho địa phương, góp phần tăng trưởng GDP chung của địa phương.
TS. Katherine Muller- Marin - Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội đánh giá: Tích hợp văn hóa, di sản và giáo dục với nhau giúp tiếp cận toàn diện hơn nhằm đảm bảo tính bền vững của sự phát triển. Giáo dục di sản là một động lực quan trọng trong hình thành các kỹ năng sống, bao gồm sự thích nghi, sáng tạo, đổi mới, tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng sự đa dạng, một yếu tố then chốt của sự phát triển bền vững.
Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đã cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực tế khi triển khai thí điểm công tác giảng dạy về di sản trong môi trường giáo dục được thực hiện trong 2 năm (2013 - 2014) tại 4 quốc gia (Pakistan, Palau, Uzbekistan và Việt Nam); khám phá cách để tích hợp các di sản văn hóa phi vật thể và phát triển bền vững trong giáo trình hiện tại. Các chuyên gia, các cơ quan quản lý giáo dục và văn hóa đều xác định việc gìn giữ văn hóa phi vật thể là bảo vệ con người vì vậy công tác giáo dục di sản, đưa các loại hình di sản văn hóa phi vật thể vào giới thiệu, giảng dạy trong nhà trường là một trong những giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; đồng thời, di sản văn hóa phi vật thể cũng là linh hồn, sự sống làm nên giá trị các di tích văn hóa vật thể.
Bích Vân