Ngành Du lịch Việt Nam từ năm 2000 đến nay đã chứng kiến giai đoạn tăng trưởng vượt bậc về lượng, chủ yếu mở rộng đầu tư. Về cơ sở lưu trú du lịch, nếu năm 2000 mới có 3.000 cơ sở với 67.000 phòng thì đến nay đã có trên 16.500 cơ sở với hơn 354.000 phòng. Số lượng khách du lịch quốc tế và khách du lịch nội địa tăng trưởng đáng kể.
Phát triển bền vững trong khách sạn được hiểu là sự phát triển trong đó có sự kết hợp cân bằng, hợp lý giữa các yếu tố số lượng và loại khách du lịch mà các hoạt động của họ tại khách sạn cùng với khách sạn có tác động tổng hợp tới điểm du lịch để có thể duy trì sự phát triển trong tương lai mà không làm ảnh hưởng đến môi trường du lịch. Loại hình này vẫn còn rất mới mẻ ở Việt Nam. Trong số trên 16.500 cơ sở lưu trú du lịch, mới chỉ có 29 khách sạn được trao chứng nhận Nhãn du lịch bền vững bông sen xanh (chứng nhận cho “Khách sạn xanh” tại Việt Nam). Các tiêu chí để đánh giá khách sạn Xanh có sự khác nhau giữa các quốc gia nhưng vẫn có những điểm chung trong khung đánh giá, trong đó nhấn mạnh những tiêu chí về các khía cạnh môi trường. Việc được trao tặng danh hiệu khách sạn xanh giúp khách sạn thêm một công cụ và lợi thế để xây dựng chiến lược marketing và triển khai các hoạt động marketing mix cho nhãn hiệu được cấp. Như vậy, “Khách sạn xanh” là một loại sản phẩm/ dịch vụ mới, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch có trách nhiệm, nhu cầu mua sản phẩm dịch vụ này tại Việt Nam cần được những người làm marketing nghiên cứu.
Các nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy khách du lịch tới Việt Nam đang có xu hướng chọn các khách sạn, khu du lịch và các dịch vụ, hàng hóa bền vững, có nhãn sinh thái, thân thiện với môi trường. Đó là xu hướng của khách du lịch quốc tế, nhất là khách đến từ các nước châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật, Thái Lan. Họ có ý thức và nhu cầu cao về an toàn và sức khoẻ, ngày càng nhiều người muốn quay về với thiên nhiên. Tổ chức Trip Advisor nghiên cứu cho thấy 34% du khách sẵn sàng chi trả thêm để ở những khách sạn thân thiện với môi trường và cho các lựa chọn du lịch bền vững, 50% du khách quốc tế sẵn sàng chi trả thêm cho những công ty mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương và hoạt động bảo tồn (CESD và TIES). Tổ chức SNV của Hà Lan nghiên cứu cho kết quả 52% du khách có xu hướng thích đặt tour qua các hãng lữ hành được chứng nhận có điều kiện làm việc tốt, tham gia bảo vệ môi trường và hỗ trợ hoạt động từ thiện ở địa phương. Vì vậy, các cơ sở lưu trú du lịch cần triển khai thực hiện và tập trung tuyên truyền cho các những chương trình, dịch vụ thân thiện với môi trường để thu hút khách.
Trong giai đoạn hiện nay và tương lai, cạnh tranh giữa các cơ sở lưu trú không chỉ ở chất lượng dịch vụ, thương hiệu và còn là loại sản phẩm dịch vụ có đáp ứng nhu cầu của khách không. Vì vậy các nhà quản lý cần quan tâm đến nhu cầu, hành vi của du khách. Việc nghiên cứu hành vi mua của khách lưu trú tại khách sạn xanh sẽ góp phần xác định cầu về sản phẩm dịch vụ xanh tại Việt Nam. Các chiến lược marketing phù hợp sẽ góp phần thu hút khách và giúp định hướng phát triển hoạt động du lịch có trách nhiệm tại Việt Nam, trong đó có các khách sạn xanh.
*Vụ Khách sạn – Tổng cục Du lịch