Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn khách du lịch đến Việt Nam. Nền kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức. Tuy nhiên theo đánh giá của Chính phủ, ngành Du lịch vẫn tiếp tục phát triển.
Theo số liệu thông báo từ Tổng cục Thống kê, ước tính số khách quốc tế đến Việt Nam tháng 6/2013 đạt 567.291 lượt khách, tăng 1,5% so với tháng 5/2013 và tăng 29,9% so với tháng 6/2012. Ước tính tổng số khách quốc tế đến Việt Nam 6 tháng đầu năm 2013 đạt 3.540.403 lượt khách, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2012. Trong 6 tháng đầu năm 2013, một số thị trường khách tăng so với cùng kỳ năm 2012: thị trường Nga tăng 60,4%; tiếp đến là Thái Lan tăng 24,3%; Indonesia tăng 21,5%; Trung Quốc tăng 21,0%; Newzealand tăng 16,7%; Malaysia tăng 12,2%… Bên cạnh đó cũng có nhiều thị trường khách giảm so với cùng kỳ năm 2012: thị trường Đức giảm 41,3%, Hồng Kông giảm 33,5%, Phần Lan giảm 28,1%...
Ước tính số liệu khách du lịch nội địa trong 6 tháng đầu năm 2013 đạt 24 triệu lượt khách, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2012; tổng thu từ khách du lịch đạt 105 nghìn tỷ đồng, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm 2012.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ Anh Tuấn chỉ đạo hội nghị
Trong 6 tháng đầu năm 2013, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) với phương châm “Đổi mới quản lý, siết chặt kỷ cương, tăng cường hiệu lực, hiệu quả”, ngành Du lịch đã có nhiều cố gắng vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện tốt các nhiệm vụ và kế hoạch công tác đề ra, triển khai các hoạt động nổi bật sau: phối hợp với các đơn vị của Bộ VHTTDL và TP. Hải Phòng tổ chức Lễ công bố Năm Du lịch quốc gia các tỉnh đồng bằng sông Hồng – Hải Phòng 2013 với chủ đề “Văn minh sông Hồng”; tham gia Tuần Văn hóa - Du lịch đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2013; quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và Chương trình Hành động Quốc gia về Du lịch giai đoạn 2013 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; quyết định về kiện toàn Ban chỉ đạo Nhà nước về Du lịch của Thủ tướng Chính phủ được ban hành; hoàn thiện và trình Đề án Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc, vùng Bắc Trung Bộ, vùng Tây Nguyên; dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc tổ chức bình xét, tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng trong lĩnh vực du lịch; triển khai công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật: Thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập sửa đổi, bổ sung Luật Du lịch năm 2005, báo cáo Bộ trưởng Bộ VHTTDL về kế hoạch và tiến độ thực hiện sửa đổi, bổ sung Luật Du lịch; tham dự các hội chợ du lịch quốc tế, tổ chức roadshow quảng bá Du lịch Việt Nam ra thế giới…
Bên cạnh đó, các địa phương đã chủ động, sáng tạo thực hiện các giải pháp để phát triển du lịch trên các phương diện quảng bá hình ảnh thu hút khách, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật, đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch, liên kết nhằm tạo sự hợp tác phát triển du lịch, tổ chức một số sự kiện mới. Một số tỉnh/thành đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển du lịch, chú trọng đến công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch.
Thẳng thắn chỉ ra những hạn chế mà ngành Du lịch đang gặp phải, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ Anh Tuấn đã nhấn mạnh: “Công tác quản lý môi trường, đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch còn bất cập, hiện tượng lừa đảo, gian lận, ép giá, chèo kéo, đeo bám khách du lịch chưa được kiểm soát và có chiều hướng gia tăng, nhất là tại các địa bàn du lịch trọng điểm. Nhiều điểm tham quan du lịch và dừng nghỉ chưa đầu tư được hệ thống nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ du khách. Tình hình trên đã khiến dư luận xã hội quan ngại, gây tâm lý bất an đối với một bộ phận khách du lịch trong nước và quốc tế, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh và khả năng cạnh tranh của Du lịch Việt Nam nói chung cũng như một số địa phương nói riêng”. Thứ trưởng chỉ đạo, trong 6 tháng cuối năm 2013 dự báo tình hình kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn khó khăn, tác động trực tiếp đến ngành Du lịch. Do đó, ngành Du lịch cần khai thác hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm mọi nguồn lực và lợi thế quốc gia, phát huy tính liên ngành, liên vùng, khả năng liên kết, bổ trợ trong phát triển du lịch, đặc biệt là công sức, tập trung phát huy có hiệu quả Năm Du lịch quốc gia đồng bằng sông Hồng – Hải Phòng 2013.
PV