Du lịch TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ: Liên kết - Phát triển - Bền vững
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Trần Văn Chiến cho biết: Sự liên kết giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 5 tỉnh vùng Đông Nam Bộ mang tính bổ trợ cho nhau. Sản phẩm du lịch chủ lực của Thành phố Hồ Chí Minh là du lịch MICE, du lịch mua sắm, ẩm thực, thể thao, vui chơi giải trí và văn hóa cộng đồng đô thị; trong khi thế mạnh của các tỉnh vùng Đông Nam Bộ là du lịch văn hóa, tâm linh, danh lam thắng cảnh, sinh thái, ẩm thực và du lịch biển. Vì vậy, nếu khai thác đúng lợi thế của mỗi điểm đến thì sự liên kết du lịch của 6 tỉnh, thành không những không làm giảm đi lợi thế cạnh tranh của từng điểm đến, mà ngược lại còn phát huy lợi thế của nhau, giúp nhau mở rộng thị trường, thị phần khách một cách dễ dàng hơn.
Tại hội thảo, đại diện lãnh đạo Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ đã giới thiệu những điểm đến, sản phẩm du lịch mới và chính sách kích cầu du lịch của các tỉnh; đồng thời, giới thiệu các tuyến du lịch liên kết kích cầu du lịch vùng Đông Nam Bộ bao gồm 3 tuyến: Thành phố Hồ Chí Minh - Bình Dương - Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh - Bình Dương - Bình Phước, Thành phố Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu. Chương trình liên kết sẽ thường xuyên trao đổi về kinh nghiệm phát triển sản phẩm du lịch gắn với đặc trưng của mỗi địa phương. Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ kinh nghiệm về phát triển các sản phẩm du lịch như: du lịch hội nghị, du lịch văn hóa, lịch sử, du lịch mua sắm, du lịch y tế, du lịch đường thủy, ứng dụng du lịch thông minh; tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tập trung giới thiệu về sản phẩm du lịch biển đảo, văn hóa, tâm linh; tỉnh Đồng Nai chia sẻ kinh nghiệm về phát triển du lịch sinh thái, du lịch khám phá, đưa sản phẩm nông nghiệp vào khai thác du lịch. Các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương tập trung giới thiệu sản phẩm du lịch mang đặc trưng có tiềm năng thế mạnh của địa phương như: du lịch tâm linh, lễ hội, lịch sử, sinh thái, văn hóa cộng đồng, văn hóa ẩm thực, làng nghề, sản phẩm nông sản nhằm tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch. Từ đó kêu gọi và tăng cường hợp tác trong các tuyến du lịch trọng điểm kết nối các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung, cũng như kết nối với các tuyến du lịch lữ hành quốc tế đến các đô thị hạ nguồn sông Mê Kông và các nước ASEAN.
Tại hội thảo cũng đã diễn ra lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa các đơn vị cung ứng dịch vụ của các tỉnh, thành trong vùng cùng các doanh nghiệp lữ hành hoạt động tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Chiều cùng ngày, Hội nghị liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ với chủ đề “Liên kết – Phát triển – Bền Vững” cũng được diễn ra tại dây. Tham dự hội nghị có sự tham dự của các lãnh đạo cao cấp: Ông Vũ Đức Đam - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Ông Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; Ông Lê Quang Tùng - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tổng lãnh sự của một số quốc gia đóng tại Thành phố Hồ Chí Minh, cùng 300 khách mời và thông tấn báo chí.
Hội nghị được tổ chức nhằm thúc đẩy hoạt động liên kết phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương trong việc hình thành các sản phẩm du lịch liên tuyến, liên vùng; thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư vào du lịch; tăng cường phát triển nguồn nhân lực du lịch và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch. Qua đó bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử, tài nguyên du lịch; thúc đẩy du lịch nội địa… Tổng cục Du lịch cũng kỳ vọng việc liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ sẽ tạo được sự bứt phá trong du lịch, nhất là trong bối cảnh ngành đang dần phục hồi sau ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Tại hội nghị, các tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ đã giới thiệu các sản phẩm du lịch đặc trưng của từng địa phương, thảo luận giữa các cơ quan quản lý du lịch, doanh nghiệp du lịch, lữ hành để tạo sự kết nối, hình thành các tuyến du lịch các tỉnh nhằm kích cầu du lịch để tạo được bước bứt phá cho du lịch vùng Đông Nam Bộ nói riêng và du lịch cả nước nói chung. Đồng thời, công bố 3 sản phẩm kích cầu du lịch sinh thái liên kết giữa các tỉnh, thành trong vùng như: Sản phẩm liên kết giữa Thành phố Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Bà Rịa-Vũng Tàu với chủ đề “Thiên nhiên xanh mát - Sắc biển hòa ca”; Sản phẩm liên kết giữa Thành phố Hồ Chí Minh - Bình Phước - Bình Dương với chủ đề “Tình đất đỏ miền Đông”; Sản phẩm liên kết giữa Thành phố Hồ Chí Minh - Bình Dương - Tây Ninh với chủ đề “Chinh phục nóc nhà Đông Nam Bộ”.
Tại hội nghị, Thành phố Hồ Chí Minh đã chia sẻ kinh nghiệm phát triển các sản phẩm du lịch MICE, du lịch văn hóa - lịch sử, mua sắm, y tế, đường thủy… Các đại biểu tham dự hội nghị đều nhất trí rằng, nếu khai thác đúng lợi thế của mỗi điểm đến thì sự liên kết du lịch của 6 tỉnh, thành không những không làm giảm đi lợi thế cạnh tranh của từng điểm đến, mà ngược lại còn phát huy lợi thế của nhau, giúp nhau mở rộng thị trường, thị phần khách hàng nội địa một cách dễ dàng hơn.
Cũng tại hội nghị, lãnh đạo các tỉnh thành cũng đã tiến hành ký kết thỏa thuận hợp tác xây dựng và phát triển các chương trình du lịch vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2020 – 2025; tích cực phối hợp triển khai các hoạt động liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2020 – 2021. Nội dung liên kết tập trung vào công tác quản lý nhà nước về du lịch, phát triển sản phẩm du lịch, quảng bá xúc tiến, phát triển nguồn nhân lực du lịch, kêu gọi đầu tư phát triển du lịch.
Nhân dịp này, các doanh nghiệp lữ hành lớn tại thành phố Hồ Chí Minh và các đơn vị cung cấp dịch vụ tại các tỉnh vùng Đông Nam Bộ đã tiến hành ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển sản phẩm kích cầu về du lịch.
Phát biểu tại hội nghị, Ông Nguyễn Thành Phong - Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Với tiềm năng, thế mạnh của vùng Đông Nam Bộ, đây được xem là “viên ngọc thô chưa tìm được thợ mài giũa xứng tầm” để làm nổi bật những tài nguyên du lịch tự nhiên. Những lợi thế quý giá của vùng là nền tảng quan trọng cho phát triển du lịch nếu các tỉnh thắt chặt mối liên kết hợp tác giữa các tỉnh, thành trong vùng. Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất các tỉnh tập trung thảo luận sâu hơn về các giải pháp kích cầu du lịch, trước mắt là thị trường nội địa, lâu dài là thị trường quốc tế khi nước ta mở lại các đường bay với các nước, nhất là với các quốc gia là thị trường du lịch lớn của vùng; các tỉnh, thành trong vùng cùng phối hợp chặt chẽ với nhau để hình thành nên một thương hiệu du lịch mang dấu ấn của vùng, đồng thời đa dạng các chương trình, sản phẩm du lịch nhằm kéo dài thời gian lưu trú và nâng cao chi tiêu của du khách tại đây. Thành phố Hồ Chí Minh cũng hy vọng các tỉnh, thành trong vùng cùng nhau cải thiện mạnh mẽ môi trường du lịch, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng dịch vụ du lịch thông minh, đẩy mạnh quảng bá du lịch; chú trọng xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm du lịch đặc thù, tạo ra sự gắn kết giữa các địa phương với mục tiêu phát triển du lịch bền vững. Mỗi địa phương cần chủ động bố trí kinh phí cho các hoạt động được cụ thể hoá tại Thỏa thuận hợp tác 5 năm và kế hoạch triển khai với lộ trình 2 năm; tăng cường kêu gọi và đa dạng các hình thức đầu tư cho vùng, trong đó nguồn vốn ngân sách chủ yếu tập trung cho đầu tư hạ tầng giao thông để làm cho vùng ngày càng hấp dẫn hơn đối với du khách. Cùng với đó là cơ chế phối hợp và các giải pháp để thực thi hiệu quả nội dung ký kết, tạo động lực cho ngành Du lịch và đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng nói riêng và cả nước nói chung.
Được biết, vùng Đông Nam Bộ (bao gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước), có tổng diện tích là 23.500km2, chiếm 7,1% diện tích cả nước. Dân số toàn vùng có 18 triệu người, chiếm 18,6% dân số quốc gia. Đây cũng là vùng có nhiều danh lam thắng cảnh, hệ thống di tích văn hóa, lịch sử, làng nghề và ẩm thực phong phú, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch. Trong năm 2019, vùng Đông Nam Bộ đón gần 10,7 triệu lượt khách quốc tế, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm 2018, doanh thu đạt hơn 7 tỷ USD. Nhưng trong 6 tháng đầu năm 2020, lượng du khách quốc tế đến vùng chỉ đạt 1,7 triệu lượt người, giảm 65% so với cùng kỳ năm trước. Trước bối cảnh đó, chiến lược và cách tiếp cận để phát triển du lịch cần phải thay đổi để phù hợp với điều kiện thực tế trong giai đoạn mới. Các tỉnh, thành cùng xác định thay đổi theo hướng phát triển thị trường nội địa và chuẩn bị phát triển thị trường quốc tế vào thời điểm phù hợp.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Ông Vũ Đức Đam - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã biểu dương sự đồng lòng hợp tác, liên kết phát triển du lịch của các địa phương vùng Đông Nam Bộ. Việc các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ tổ chức ký kết liên tịch thể hiện tính sáng tạo, quyết tâm vượt qua khó khăn của các địa phương trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Phó Thủ tướng cũng nêu rõ: Du lịch không chỉ là kinh tế mà còn là sự giao lưu của các dân tộc anh em trong cả nước, là động lực của phát triển dân trí và văn hóa – văn minh vì có thể tiếp xúc với tri thức văn minh ngay tại nhà, tại cộng đồng và du lịch còn trực tiếp góp phần vào việc giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân. Do vậy, du lịch phải lấy người dân làm trung tâm, chú trọng yếu tố bền vững trong liên kết. Trong xu thế công nghệ hiện nay, du lịch cũng phải hướng đến thông minh hơn, số hóa các di sản, bảo tàng, cơ sở lưu trú… tạo nên sức sống mới cho du lịch; đồng thời, cơ cấu lại thị trường, làm mới những sản phẩm du lịch. Các địa phương cần phân tích thị phần và thị trường khách mục tiêu của vùng, từ đó xác định được chiến lược phát triển sản phẩm du lịch, quảng bá xúc tiến chung cho phù hợp. Hiện nay, cần quan tâm hỗ trợ đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 vừa qua để cùng hợp sức đẩy mạnh phát triển du lịch trong điều kiện bình thường mới.
Cũng trong khuôn khổ hội nghị, nhiều hoạt động thiết thực đã được tổ chức tại Tây Ninh như: Chương trình Chào đón đoàn khách du lịch đầu tiên theo chương trình du lịch liên tuyến vùng Đông Nam Bộ; khảo sát một số điểm đến tại Tây Ninh; giới thiệu điểm đến và sản phẩm du lịch vùng Đông Nam Bộ; tour xe caravan Thành phố Hồ Chí Minh - Tây Ninh…
Thu Hương