Diễn đàn du lịch cấp cao “Giải pháp phục hồi và phát triển du lịch quốc tế bền vững” có sự tham gia của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, Bộ quản lý du lịch của các nước Lào, Campuchia, Ấn Độ, Hàn Quốc và các tổ chức du lịch thế giới cùng với hơn 1.000 khách mời là diễn giả và cộng đồng doanh nghiệp du lịch trong, ngoài khu vực Asean… Diễn đàn có vai trò quan trọng trong việc nhìn nhận, đánh giá lại những biện pháp phục hồi các hoạt động du lịch đã và đang triển khai; đồng thời bàn thảo gợi mở những giải pháp, quyết sách mới để đưa ngành Du lịch trở lại đúng vị trí đã được khẳng định trước đó.
Liên kết và chủ động
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, Việt Nam đang bước vào giai đoạn bình thường mới, ngành Du lịch đã mở cửa hoàn toàn, nhiều hoạt động du lịch, lễ hội đã được tổ chức sôi động trở lại. Bức tranh du lịch Việt Nam dần đã có nhiều điểm sáng, mang tín hiệu khởi sắc. Tám tháng đầu năm 2022, tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 1,2 triệu lượt khách đến từ các thị trường chính gồm: Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Anh, Đức, Pháp… Trong 8 tháng đầu năm 2022, tổng số khách du lịch nội địa đạt khoảng 79,8 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch đạt 356.600 nghìn tỷ đồng. Số doanh nghiệp đăng ký mới và quay trở lại trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ tăng nhanh. Việt Nam tiếp tục nằm trong số những điểm đến có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới, từ 50% - 75%. Lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam trong tháng 7/2022 tăng trên 1.200% so với cùng kỳ.
Để có được kết quả trên là sự nỗ lực của sức mạnh tập thể cùng chung tay phục hồi ngành Du lịch. Tiêu biểu phải kể đến: Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2022 - Quảng Nam; kế đó các hoạt động liên kết phát triển du lịch của TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Hà Nội, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và các tỉnh Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên. Và đặc biệt tại Hội chợ Du lịch Quốc tế ITE 2022 lần thứ 16 này, là sự kiện xúc tiến du lịch quốc tế đầu tiên với quy mô lớn được tổ chức kể từ sau khi du lịch Việt Nam mở lại. Với sự tham gia của lãnh đạo cơ quan du lịch quốc gia, lãnh đạo các cơ quan xúc tiến du lịch trong và ngoài nước, đại diện các tổ chức du lịch quốc tế, các chuyên gia, cơ quan báo chí và doanh nghiệp du lịch với 260 gian hàng, 160 người mua từ hơn 25 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có mặt.
Tại Diễn đàn, đại biểu TP. Hồ Chí Minh cho rằng, thành phố là cửa ngõ giao lưu quốc tế và cũng là trung tâm kinh tế, tài chính, khoa học – công nghệ, trung tâm du lịch lớn nhất của Việt Nam. Hàng năm thu hút lượng lớn du khách quốc tế, đồng thời còn có vai trò trung tâm trung chuyển khách quốc tế cho các vùng lân cận khác của Việt Nam và khu vực. Vì vậy, triển khai chính sách mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch của Chính phủ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của chính quyền và người dân thành phố.
Để phục hồi và phát triển du lịch quốc tế, thời gian qua thành phố đã chủ động triển khai nhiều giải pháp như đa dạng hóa các hoạt động xúc tiến quảng bá tại các thị trường thông qua chiến dịch truyền thông “TP. Hồ Chí Minh chào đón bạn”; xây dựng sản phẩm mới đặc thù của thành phố với điểm nhấn là chương trình “Mỗi quận, huyện là một sản phẩm du lịch đặc trưng”; liên kết với các tỉnh thành trong cả nước để tổ chức các sản phẩm liên vùng trong điều kiện thích ứng an toàn với dịch COVID -19… Những giải pháp trên đã bước đầu đạt được kết quả tích cực: trong 8 tháng đầu năm 2022, thành phố đón hơn 1,3 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 16,7 triệu lượt khách nội địa.
Thông qua Diễn đàn, TP. Hồ Chí Minh cũng đã đề xuất một số giải pháp cần quan tâm triển khai thực hiện để phục hồi và phát triển du lịch quốc tế bền vững: Thứ nhất, ở cấp độ quốc tế, các quốc gia thuộc tiểu vùng sông Mêkông thống nhất và công bố rộng rãi các tiêu chí an toàn phòng, chống dịch bệnh COVID -19. Thứ hai, ở cấp độ quốc gia, TP. Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan phối hợp Bộ VHTTDL xây dựng các cơ chế, chính sách ưu tiên để phát triển du lịch, trong đó có chính sách về thị thực cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Thứ ba, ở cấp độ các địa phương, các tỉnh, thành trong cả nước cùng hợp tác, đẩy mạnh liên kết để phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, hướng đến tiệm cận và đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Bà Zoritsa Urosevic, Tổng Giám đốc Tổ chức Du lịch thế giới cho biết, bà rất vui mừng khi chứng kiến Việt Nam có những bước tiến rõ rệt để đẩy nhanh sự phục hồi du lịch. Du lịch nội địa Việt Nam được khởi động lại trên khắp đất nước, mang lại hy vọng cho nhiều người. Du lịch đang tạo ra nhiều việc làm, hỗ trợ các doanh nghiệp và trở thành động lực phát triển kinh tế. Nhìn xa hơn về phía trước, chúng ta có cơ hội cùng chung tay xây dựng một ngành Du lịch tốt đẹp hơn để không ai bị bỏ lại phía sau. Sau cùng bà khẳng định sự khôi phục của ngành Du lịch tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà trong đó Việt Nam đã trở thành một tấm gương điển hình cho sự phục hồi và phát triển du lịch bền vững.
Linh hoạt, tháo gỡ khó khăn, phát huy thế mạnh
Ông Thong Khon, Bộ trưởng Du lịch Campuchia cho biết, quốc gia này không khác gì so với tình hình thế giới và khu vực ASEAN, cũng đã trải qua một bước thụt lùi lớn về mặt du lịch. Năm 2020 chứng kiến lượng khách du lịch quốc tế đến Campuchia giảm 80,2% và tiếp tục hiểu giảm 85% trong năm 2021. Để đảm bảo “Niềm tin và sự tự tin” cho các điểm đến du lịch an toàn, chống lại đại dịch, Campuchia đã triển khai hiệu quả các Nghị định về an toàn và vệ sinh cũng như Quy trình hoạt động tiêu chuẩn tối thiểu (SOP) cho các doanh nghiệp du lịch và các cơ sở như nhà hàng, khách sạn, vận tải du lịch, điều hành tour trong nước và du lịch dựa vào cộng đồng.
Hiện nay ngành Du lịch Campuchia đang từng bước nối lại các hoạt động kinh tế - xã hội phù hợp với các giao thức sống bình thường mới. Niềm tin dành cho các điểm đến du lịch an toàn phải phù hợp với kế hoạch phục hồi du lịch sau cuộc khủng hoảng COVID sẽ là chiến lược then chốt để dần dần mở cửa trở lại du lịch quốc tế. Do đó, Chính phủ Hoàng gia Campuchia đã phê chuẩn lộ trình xúc tiến du lịch và kế hoạch phục hồi du lịch trong và sau COVID–19.
Thứ trưởng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào ông Ounethouang Khaophanh chia sẻ, trong bối cảnh hiện nay cần thúc đẩy vai trò của doanh nghiệp vừa và nhỏ (MSME) trong phục hồi phát triển du lịch. Ông cho rằng, những doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa đóng một vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong sản xuất hàng hóa, thương mại và dịch vụ du lịch cho quốc gia. Đồng thời, các doanh nghiệp này góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập, nâng cao mức sống của nhân dân, tạo yếu tố cơ bản để từng bước công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa nền kinh tế quốc dân tăng trưởng trở lại.
Cũng tại Diễn đàn, ông Martin Koerner, Chủ tịch tiểu ban du lịch – nhà hàng – KS thuộc Hiệp Hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đưa ra con số khảo sát mới nhất vào tháng 5/2022, về ý định đi du lịch trong 6 tháng tới, cho thấy gần 56% muốn đi du lịch ở châu Âu, 31% đi du lịch trong nước và 11% đi du lịch ngoài châu Âu, 2,7% chưa lên kế hoạch. Ông nhấn mạnh thêm, trong khu vực, Thái Lan đã tăng thời gian miễn thị thực từ 30 lên 45 ngày đối với khách du lịch đến từ gần 60 quốc gia, bao gồm các quốc gia thành viên EU, Úc, Canada, Mỹ và nhiều quốc gia khác. Singapore cho phép các công dân của Liên minh châu Âu, Úc, New Zealand, Thụy Sĩ hoặc Hoa Kỳ ở lại miễn visa 90 ngày trong khi tổng cộng hơn 100 quốc gia có thể ở lại miễn visa 30 ngày. Thành công của một chính sách như vậy có thể khiến cho nhiều quốc gia khác phải cân nhắc các chính sách của mình.
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, trước đại dịch, du lịch thế giới đã tăng trưởng liên tục 10 năm, đóng góp 10,4% GDP toàn cầu. Ở Việt Nam, năm 2019, du lịch tăng trưởng 16,5%, đóng góp 9,2% GDP, với nhiều giải thưởng, danh hiệu quốc tế, ngày càng hấp dẫn hơn đối với du khách trong nước và quốc tế. Để du lịch lấy lại quãng thời gian đã mất trong 2 năm dịch bệnh, nhanh chóng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, cần có những giải pháp đột phá bằng những nghiên cứu cụ thể, điểm nào khó khăn cần tháo gỡ, những điểm tạm gọi là thế mạnh thì phát huy, phát triển, khuyến khích, với tinh thần phải có giải pháp đúng. Song, với việc tiếp tục kiểm soát được dịch bệnh, một số nghiên cứu dự đoán đến hết năm 2023 du lịch thế giới mới đạt mức tăng trưởng như trước đại dịch.
Cao Phương – Trần Lợi