Nằm cuối dòng sông Thu Bồn, TP. Hội An được thừa hưởng sự đa dạng các hệ sinh thái vùng cửa sông và ven bờ. Các bãi sậy, cồn cát, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển, rạn san hô, rong biển, rừng tự nhiên cù lao Chàm, cảnh quan trên cạn và dưới nước đã và đang mang lại cho Hội An – cù lao Chàm các dịch vụ du lịch sinh thái đa dạng, tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Là khu bảo tồn biển (KBTB) được thành lập vào tháng 12/2005 và sau đó là khu dự trữ sinh quyển (KDTSQ) được UNESCO công nhận vào tháng 5/2009, hoạt động du lịch sinh thái tại cù lao Chàm và Hội An đã phát triển ngày một mạnh mẽ. Số du khách đến với cù lao Chàm năm 2004 là vài ngàn người, năm 2009 là hơn 40.000 lượt người, năm 2012 là 106.000 lượt người và năm 2013 đạt trên 195.000 lượt người.
Du lịch sinh thái phát triển đã và đang tạo cơ hội cho người dân cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống. Đến năm 2013 đã có trên 485 người dân địa phương từ 169 trong tổng số 560 hộ gia đình tham gia trực tiếp vào hoạt động du lịch sinh thái với hơn 12 loại hình sinh kế mới.
Thu nhập được nâng cao, chất lượng cuộc sống được cải thiện là động lực cho người dân tham gia vào hoạt động bảo vệ môi trường và tài nguyên vùng đảo. Các mô hình phân loại rác tại nguồn, nói không với túi ni lông, dán nhãn sinh thái cua đá đã và đang được người dân hưởng ứng và tạo tiếng vang trong cả nước.
Không chỉ mang lại lợi ích cho người dân địa phương, cù lao Chàm với sự phát triển du lịch sinh thái đã và đang là điểm nhấn làm giàu cho TP. Hội An và các cộng đồng trong vùng bờ. Tuy chỉ có 10% tổng số du khách từ Hội An đến với cù lao Chàm hàng năm, nhưng lợi ích mang lại cho dịch vụ du lịch trong đất liền là rất lớn. Thông thường du khách đến thăm cù lao Chàm đều tăng thời gian lưu trú tại Hội An lên ít nhất 2 ngày. Hiện nay đã có 32 công ty vận tải khách du lịch từ Hội An ra cù lao Chàm với hơn 120 tàu, thuyền và cano cao tốc phục vụ, đạt tổng danh thu khoảng 100 tỷ đồng một năm.
Tuy nhiên thu nhập của người dân trong khu bảo tồn chỉ bằng 1/3 của người ngoài đảo. Vì vậy làm thế nào để nâng cao thu nhập của người dân đảo khi tham gia hoạt động du lịch sinh thái này là điều rất quan trọng. Một trong những cách tiếp cận mà Hội An cần thực hiện là nhìn nhận du lịch sinh thái tại cù lao Chàm như điểm nhấn cho sự phát triển của toàn vùng hạ lưu sông Thu Bồn.
Đến năm 2013, du lịch sinh thái cù lao Chàm đã nâng lên một tầm mới. Cù lao Chàm thực sự trở thành sản phẩm mục tiêu trong phát triển du lịch của Hội An và Quảng Nam. Tại điểm cuối của vùng hạ lưu, một dòng vật chất được chuyển vào đất liền hoặc phục vụ du lịch trên đảo bao gồm các sản phẩm thủy sản, cua đá, lá rừng, võng ngô đồng, cảnh quan môi trường, đời sống cộng đồng,... Một dòng tri thức và văn hoá được nghiên cứu chuyển giao, đó là mô hình bảo tồn biển, danh hiệu khu dự trữ sinh quyển, mô hình cua đá, mô hình không túi ni lông, mô hình phân loại rác tại nguồn, mô hình lưu trú tại nhà dân (homestay).
Các hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển, quần cư rong biển, rừng tự nhiên, bãi cát…là nguồn lực tự nhiên quan trọng hỗ trợ cho sự phát triển du lịch sinh thái cù lao Chàm – Hội An. Trong những năm qua, các nguồn lực này đã được tiếp cận với khái niệm bảo tồn biển, hay nói cách khác là tiếp cận quản lý trên cơ sở hệ sinh thái.
Sản lượng khai thác hải sản trước đây của Cù lao Chàm khoảng hơn 1.500 tấn mỗi năm, nhưng chỉ còn 800 tấn/năm từ khi có KBTB và du lịch sinh thái. Hiện tại, người dân tập trung vào khai thác các sản phẩm phục vụ du lịch. Một số vùng ngư trường được bảo tồn, phần lớn là nơi có hệ sinh thái rạn san hô nhạy cảm. Tuy nhiên, một số đối tượng nguồn lợi đang bị khai thác quá mức, biểu hiện qua số lượng cá thể giảm dần, kích thước cá thể bé dần. Đây là thách thức lớn đối với nguồn lực tự nhiên phục vụ phát triển du lịch sinh thái lâu bền.
Nhu cầu hưởng dụng tài nguyên thiên nhiên như tiêu thụ nguồn lợi sinh vật biển, sản phẩm rừng ngày càng gia tăng và mãnh liệt theo số lượng du khách đến thăm đảo. Cùng với hiện trạng khai thác khó kiểm soát của người ngoài địa phương, thế mạnh về nguồn lợi thủy sản và đa dạng sinh học tại cù lao Chàm có khả năng bị suy giảm, nếu không có giải pháp ngăn chặn, sẽ dẫn đến tình trạng nghèo nguồn lực tự nhiên trong tương lai không xa.
Các nguyên nhân gián tiếp liên quan đến suy giảm nguồn lợi là sự phối kết hợp trong quản lý nguồn lực tài nguyên thiên nhiên chưa đủ mạnh và thuyết phục cộng đồng tham gia bảo vệ.
Du lịch sinh thái biển cù lao Chàm – Hội An đã và đang góp phần rất lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như sự nghiệp bảo tồn của địa phương. Đồng thời, hiện trạng phát triển của du lịch sinh thái cù lao Chàm – Hội An và bảo tồn đã và đang thể hiện những mối quan hệ khắng khít nhau, diễn biến về chất lượng của bảo tồn sinh thái tất yếu sẽ ảnh hưởng đến du lịch và ngược lại. Nguồn vốn tự nhiên tại cù lao Chàm – Hội An đa dạng và phong phú là cơ sở quan trọng cho phát triển du lịch sinh thái, tuy nhiên đang gặp áp lực lớn cần phải được tăng cường bảo vệ và bảo tồn. Nguồn lực con người với xuất phát điểm thấp về mặt học vấn, nhưng đã và đang được liên tục nâng cao năng lực thông qua đào tạo ngành nghề tạo cơ hội tham gia hoạt động du lịch sinh thái tại cù lao Chàm. Nguồn lực tài chính của người dân ngày càng được cải thiện thông qua sự thuận lợi tiếp cận nguồn vốn, đa dạng nghề nghiêp và thu nhập được nâng cao từ hoạt động du lịch sinh thái. Nguồn lực xã hội mạnh mẽ đã và đang gắn kết người dân cù lao Chàm vào các mô hình ứng xử tốt dần với thiên nhiên tạo điều kiện cho du lịch sinh thái phát triển. Nguồn lực vật chất và cơ sở hạ tầng được tăng cường đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch sinh thái tại cù lao Chàm
Sự ra đời của KBTB và sau đó là KDTSQ đã hỗ trợ cho cộng đồng cù lao Chàm cơ sở thuận lợi phát triển du lịch. Và thực tế trong 10 năm qua từ khi KBTB bắt đầu xây dựng đến nay cù lao Chàm đã đạt được những bước phát triển mạnh mẽ cùng với hình thức du lịch sinh thái. Qua mô hình cù lao Chàm, một lần nữa định nghĩa của du lịch sinh thái đã được minh chứng rất rõ “Du lịch sinh thái biển là bảo tồn và lợi ích cộng đồng”.
Một trong những khái niệm Hội An đang rất cần phát huy là sử dụng tích cực danh hiệu KDTSQ tại địa phương, nhất là tại vùng cửa sông Thu Bồn – Hội An. 7 tiêu chí của KDTSQ cù lao Chàm – Hội An cần được triển khai sâu rộng trong cộng đồng nhằm tăng cường sức mạnh của toàn dân cho bảo tồn và phát triển du lịch sinh thái tại vùng này. Cù lao Chàm cần phải được bảo vệ cho sự phát triển của toàn vùng hạ lưu. Sự chuyển biến trong nhận thức cũng như trong ứng xử với thiên nhiên của con người trong KDTSQ sẽ góp phần phát triển bảo tồn và du lịch sinh thái.
Chiến lược phát triển du lịch sinh thái cù lao Chàm – Hội An cần phải được đặt nền tảng trên sự phát triển của KBTB và KDTSQ cù lao Chàm – Hội An. Trong chiến lược phát triển du lịch sinh thái cần có các nội dung về truyền thông nâng cao nhận thức và năng lực cộng đồng, nghiên cứu khoa học và trình bày kết quả, phối kết hợp các bên liên quan trong quản lý tài nguyên, môi trường, sức chứa du lịch, giáo dục và đào tạo về bảo tồn và sử dụng bền vững, giám sát, đánh giá, báo cáo và phát triển nguồn nhân lực cho hôm nay và trong tương lai.
Dư Văn Toán
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)