Tập trung phát triển sản phẩm du lịch đặc thù
Phú Thọ là đất phát tích cội nguồn của dân tộc Việt Nam. Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng (nằm trên địa phận TP.Việt Trì) đã được công nhận là dòng sản phẩm du lịch tâm linh “độc quyền” của du lịch Phú Thọ. Du lịch Phú Thọ nhận định lấy đó làm cơ sở cho việc xây dựng, phát triển thương hiệu du lịch độc đáo của tỉnh. Chính vì vậy, hiện nay, ngành Du lịch Phú Thọ đang nỗ lực triển khai từng bước đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, xây dựng thêm các tour, tuyến du lịch mới, độc đáo, mang bản sắc riêng của tỉnh Phú Thọ.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID -19 diễn biến ngày càng phức tạp trên cả nước, các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đã tăng cường công tác phòng, chống dịch; thường xuyên giám sát, nhắc nhở, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh để người dân, du khách tự giác thực hiện việc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách phù hợp đảm bảo an toàn cho người dân địa phương và du khách đến với Phú Thọ.
Những năm qua, Du lịch Phú Thọ đã có những bước phát triển ấn tượng, đột phá nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động tối đa các nguồn lực, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, có cơ chế đặc thù thu hút đầu tư vào du lịch. Các điểm du lịch tại thành phố Việt Trì, Khu Du lịch quốc gia Đền Hùng, Khu du lịch Vườn quốc gia (VQG) Xuân Sơn, Khu Du lịch nước khoáng nóng Thanh Thủy, Di tích đền Mẫu Âu Cơ... được đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, hạ tầng phục vụ du lịch; kết nối giao thông của tỉnh với các tỉnh, thành phố khác góp phần thu hút khách du lịch về với vùng Đất Tổ.
Đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng các khu, điểm du lịch
Tiếp tục khai thác, phát huy các giá trị, sản phẩm văn hóa du lịch đã có, đồng thời xây dựng mới, đa dạng hóa, nâng cao chất lượng các khu, điểm du lịch, các sản phẩm du lịch đặc trưng vùng Đất Tổ như khai thác, phát huy giá trị du lịch tại Khu Du lịch Vườn quốc gia VQG Xuân Sơn, các Dự án du lịch tại huyện Thanh Thủy, Khu Du lịch quốc gia Đền Hùng...
VQG Xuân Sơn (thuộc huyện miền núi Tân Sơn) cách TP. Việt Trì khoảng 75km và cách TP. Hà Nội khoảng 125km về phía Tây. Hiện tỉnh đã có kế hoạch xây dựng VQG Xuân Sơn thành điểm du lịch hấp dẫn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tháng 3/2021, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Phú Thọ đã khai trương Trung tâm Thông tin và Hỗ trợ khách du lịch VQG Xuân Sơn. Trung tâm hoạt động với mục đích cung cấp thông tin, xúc tiến du lịch; hỗ trợ khách du lịch, hướng dẫn khách tham quan du lịch; tổ chức các hoạt động trưng bày, giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh du lịch sinh thái, bản sắc văn hóa cộng đồng người Dao, người Mường tại VQG Xuân Sơn; giới thiệu và bán các sản vật địa phương. Qua đó, góp phần thu hút khách du lịch đến VQG Xuân Sơn nhằm phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng tại đây.

Đối với TP. Việt Trì (được mệnh danh là thành phố lễ hội về với cội nguồn), Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với Hội Lữ hành Hà Nội xây dựng tour du lịch đêm Đền Hùng. Đây là sản phẩm du lịch liên kết mới mang tính kết nối giữa Hà Nội - Phú Thọ. Tour du lịch đêm Đền Hùng được tổ chức nhằm xây dựng sản phẩm du lịch riêng, đặc trưng, độc đáo của Phú Thọ trên cơ sở phát huy các giá trị văn hóa tiêu biểu. Đây cũng là một sản phẩm du lịch hưởng ứng chương trình kích cầu du lịch nội địa với hình thức caravan, loại hình du lịch trải nghiệm an toàn trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Bên cạnh đó, cũng tại TP. Việt Trì, cầu Tiên Dung thuộc dự án Hồ Công viên Văn Lang đã được khánh thành, xây dựng tại vị trí cầu Ếch xưa. Đây là cây cầu tiếp giáp giữa hai hồ Đầm Cả và Đồng Cả nối đường Tiên Dung với đường Hai Bà Trưng. Cầu có tổng chiều dài 87m, rộng 15,8m là một công trình kiến trúc tạo điểm nhấn cho khu du lịch công viên Văn Lang và TP. Việt Trì, hứa hẹn sẽ là một điểm đến mới hấp dẫn trong chương trình City tour - Du lịch quanh TP. Việt Trì.

Là một bộ phận không thể tách rời trong bản đồ du lịch của tỉnh, cùng với Việt Trì, Thanh Thủy đã được xác định là một trọng điểm về phát triển du lịch của tỉnh Phú Thọ. Không chỉ có phong cảnh thiên nhiên đẹp, Thanh Thủy còn sở hữu nhiều di tích lịch sử văn hóa vật thể và phi vật thể quan trọng. Đặc biệt, huyện được thiên nhiên ban tặng nguồn nước khoáng nóng vô cùng quý hiếm có nhiều tác dụng chữa bệnh và tăng cường sức khỏe. Những năm qua huyện Thanh Thủy tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sâu rộng về tiềm năng, thế mạnh của huyện; đẩy mạnh công tác xúc tiến mời gọi đầu tư; định hình rõ nét văn hóa ứng xử văn minh, lịch sự, thân thiện, mến khách. Huyện cũng đã tạo sự chuyển dịch mạnh mẽ lao động từ nông nghiệp, nông thôn sang lĩnh vực du lịch. Thương hiệu du lịch Thanh Thủy bước đầu được hình thành, phát triển trong tâm thức du khách dựa trên việc xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, phát triển các loại hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh, du lịch vui chơi giải trí, du lịch trải nghiệm, tham quan các làng nghề truyền thống, các món ẩm thực đặc sắc. Du lịch Thanh Thủy đã và đang thu hút được sự quan tâm của du khách thập phương.
Kết cấu hạ tầng của huyện Thanh Thủy được đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ, nhiều dự án quan trọng được triển khai, phát huy hiệu quả như dự án đường giao thông kết nối Quốc lộ 32 với Quốc lộ 70B từ Phú Thọ đi Hòa Bình chạy qua hầu hết các xã trên địa bàn huyện; dự án Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh, Khu du lịch biệt thự sinh thái - nghỉ dưỡng Vườn Vua, Khu du lịch nghỉ dưỡng Thanh Lâm Resort, Thanh Thủy Resort... Gần đây nhất, Dự án Khu nghỉ dưỡng khoáng nóng 5 sao Wyndham Thanh Thủy vừa được phê duyệt đầu tư với 2 tòa khách sạn cao trên 30 tầng cùng trên 2.000 phòng nghỉ sang trọng theo tiêu chuẩn quốc tế đang được kỳ vọng sẽ thức đẩy hơn nữa du lịch Thanh Thủy phát triển. Dự án được đầu tư bao gồm khu du lịch tắm bùn, tắm khoáng nóng được quy hoạch trong diện tích 4,4ha. Bên cạnh các hạng mục liên quan đến hạ tầng, dự án còn được phép xây dựng các tiện ích dịch vụ khai thác và sử dụng khoáng nóng tại mỏ khoáng nóng của địa phương.

ThS. Lê Thị Xuân Giang